Phán quyết 'kỳ lạ' của tòa trong vụ khách hàng kiện Keangnam

Phán quyết 'kỳ lạ' của tòa trong vụ khách hàng kiện Keangnam
TPO - Chuyện hiếm thấy vừa xảy ra tại tòa án quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) khi nguyên đơn đề nghị hủy hợp đồng, bị đơn ra thông báo chấm dứt hợp đồng nhưng tòa án lại tuyên buộc các bên... tiếp tục thực hiện hợp đồng!

Tòa án quận Nam Từ Liêm vừa ra phán quyết đối với vụ bà Bùi Thị Bảo Quyên là người mua nhà khởi kiện Công ty Keangnam Vina, đề nghị tòa tuyên hủy hợp đồng bán căn hộ. 

Theo đó, tòa án không chấp nhận yêu cầu của bà Quyên về việc yêu cầu tòa tuyên hủy bỏ hợp đồng bán căn hộ B606, đồng thời tòa cũng không chấp nhận yêu cầu của Công ty Keangnam Vina về việc chấm dứt hợp đồng và buộc hai bên phải tiếp tục thực hiện hợp đồng do hợp đồng này chưa thực hiện xong. 

Cũng theo phán quyết của tòa, hợp đồng bán căn hộ đã ghi giá bán bằng ngoại tệ là vi phạm quy định về hạn chế sử dụng ngoại hối. Do hai bên không xác định được giá bán căn hộ theo quy định dẫn đến tranh chấp về giá bán nên giá bán căn hộ sẽ được giải quyết tại tòa án và không phải là căn cứ hủy bỏ hợp đồng.

Tuy nhiên, theo bà Lê Xuân Hoa (đại diện pháp lý của bà Bùi Thị Bảo Quyên), nhận định của tòa án cấp sơ thẩm như trên là chưa thỏa đáng và đi ngược lại nguyên tắc tự do thỏa thuận của các bên. 

Cụ thể, ngay khi ngay khi phát hiện việc ghi giá bằng USD là vi phạm Điều 22 Pháp lệnh Ngoại hối thì ngày 21/2/2011 bà Quyên đã gửi thông báo đến Keangnam đề nghị điều chỉnh điều khoản giá căn hộ từ USD sang VNĐ, đồng thời thông báo tạm dừng thanh toán. Đề nghị này của bà Quyên đã bị Keangnam từ chối. Vì thế tính từ ngày 21/2/2011, bà Quyên không có lỗi trong việc ký hợp đồng ghi giá bán bằng USD nữa và Keangnam hoàn toàn có lỗi trong việc làm cho bà Quyên không thể tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình. Vì vậy áp dụng Điều  417 của Bộ Luật Dân sự, bà Quyên có quyền lựa chọn hoặc yêu cầu Keangnam tiếp tục điều chỉnh giá bán để thực hiện Hợp đồng hoặc có quyền huỷ bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Trên thực tế, ngày 18/2/2012, sau rất nhiều lần đề nghị và bị Keangnam từ chối điều chỉnh hợp đồng, bà Quyên đã ủy quyền cho Văn phòng Luật sư Bùi Đình Ứng có văn bản thông báo với Keangnam về việc hủy hợp đồng bán căn hộ B606 là đã tuân thủ quy định tại Khoản 2 Điều 425 Bộ Luật Dân sự. 

Mặt khác, Keangnam Vina đã 2 lần có thông báo chấm dứt hợp đồng với bà Quyên và phản tố yêu cầu bà Quyên phải bồi thường vì việc chấm dứt hợp đồng do lỗi tại bà Quyên.

Theo bà Nguyễn Thị Hằng Nga (giảng viên Học viện Tư pháp), theo quy định của pháp luật, nhà nước không bắt buộc hai bên trong trường hợp này phải tiếp tục thực hiện hợp đồng. Vấn đề là phải xem xét trách nhiệm của hai bên khi chấm dứt hợp đồng. Xét về mặt ý chí, cả bà Quyên và Keangnam đều mong muốn chấm dứt việc thực hiện hợp đồng. Việc Tòa án cấp sơ thẩm tuyên hợp đồng vẫn có hiệu lực và buộc các bên phải tiếp tục thực hiện hợp đồng khi cả hai bên chủ thể của hợp đồng đều mong muốn chấm dứt hiệu lực của hợp đồng là đã đi ngược lại nguyên tắc tự do thỏa thuận - nguyên tắc tối thượng của pháp luật hợp đồng được Bộ Luật Dân sự ghi nhận.

Một bất hợp lý khác, bà Quyên và Keangnam tranh chấp không phải là tranh chấp về giá bán căn hộ như nhận định của Tòa án cấp sơ thẩm mà tranh chấp do hợp đồng của Keangnam vi phạm các quy định về hạn chế sử dụng ngoại hối còn theo Keangnam thì hợp đồng của họ hoàn toàn tuân thủ pháp luật, họ không vi phạm. 

Vì vậy, theo bà Lê Xuân Hoa, căn cứ điều 4, điều 417, điều 425 của Bộ Luật Dân sự, thì cần phải tuyên hủy hợp đồng bán căn hộ B606 giữa bà Quyên và Keangnam Vina.

MỚI - NÓNG