Phân biệt say rượu, ngộ độc rượu và khi nào cần đi cấp cứu

Phân biệt say rượu, ngộ độc rượu và khi nào cần đi cấp cứu
Dịp Lễ Tết càng đến gần, số người phải nhập viện vì rượu ngày càng tăng. Người dân cần biết cách phân biệt triệu chứng say rượu và ngộ độc.

Cách phân biệt say rượu và ngộ độc rượu

Theo TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, khoa Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, rất khó để phân biệt giữa say rượu và ngộ độc rượu có pha cồn Methanol do biểu hiện của ngộ độc chất Methanol giống hệt biểu hiện của say rượu.

Độc tính của Methanol tác động chủ yếu lên thần kinh, đặc biệt là thần kinh điều khiển thị giác, vì vậy thường có biểu hiện loạng choạng, hoa mắt giống hệt cảm giác say rượu khiến người đã uống rượu hay lầm tưởng là say nhưng thực chất là bị ngộ độc. Nếu để lâu, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng tím tái, hôn mê, co giật, rối loạn điện giải, tụt huyết áp và có thể tử vong. Trường hợp được cứu sống, bệnh nhân cũng có nhiều di chứng về thần kinh.

Theo TS Dũng, có thể dựa vào những dấu hiệu sau để phân biệt giữa say rượu và ngộ độc rượu để có phương án kịp thời đưa nạn nhân tới các cơ sở y tế cấp cứu.

Say rượu:

- Chếnh choáng.

- Nói líu lưỡi.

- Phối hợp cơ thể kém.

- Mất thăng bằng.

- Buồn nôn, nôn.

Ngộ độc rượu:

Thời gian chậm nhất là 24 giờ sau khi uống rượu pha cồn Methanol, các triệu chứng của ngộ độc rượu sẽ xuất hiện gồm:

- Bất tỉnh, gọi hỏi không biết.

- Co giật.

- Tê, yếu chân tay một bên chân tay hoặc một bên mặt, nói ngọng trong khi đã tỉnh táo.

- Thở khò khè, ứ đọng đờm rãi ở miệng họng, ho yếu. Thở yếu, nhịp thở không đều, thở chậm hoặc ngừng thở. Có thể hít sâu và nhịp thở nhanh.

- Da, môi, móng tay tím tái hoặc nhợt, lạnh.

- Đại tiện, tiểu tiện ra quần, đái ít (lượng nước tiểu ít hơn bình thường)

- Nhìn mờ, nhìn một vật thành hai, Rối loạn cảm nhận về màu sắc.

- Nôn nhiều, đau bụng, bụng chướng.

- Mệt nhiều

Xử trí sau khi uống rượu

Cần làm: Khi uống rượu thấy chếnh choáng, nên tìm cách gây nôn hết, sau đó xát mạnh hai bên má.

Uống nhiều nước để không bị mất nước khi nôn liên tục. Uống nước ấm tốt hơn nước lạnh. Nên uống thêm các loại nước: Nước chanh, nước cam vắt, nước ép bưởi, sinh tố chuối, nước các loại đậu ninh nhừ (đặc biệt là đậu xanh), uống nhiều lần sẽ giải được ngộ độc rượu dạng nhẹ.

Cởi khuy áo cổ, tháo thắt lưng và nằm nơi thoáng mát (tránh gió lùa). Tư thế nằm úp xuống giường, hai tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái.

Nếu người uống rượu say ngủ, người nhà hãy để yên cho họ ngủ. Tuy nhiên, cứ vài tiếng phải đánh thức dậy cho ăn cháo loãng. Tránh trường hợp đói sẽ bị hạ đường huyết rất nguy hiểm.

Không nên làm: Không nên cho nạn nhân uống những loại thuốc có tác dụng bổ gan để giải độc rượu.

Không uống thêm vitamin B1, B6, acid folic... để làm giảm đau đầu khi say, bởi sẽ có hại cho gan. Paracetamon, aspirin và một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt khi uống với rượu sẽ kích ứng niêm mạc dạ dày, gây chảy máu đường tiêu hóa.

Một số thực phẩm giải độc rượu

Trong bếp mỗi gia đình đều có những thực phẩm giải độc rượu rất tốt như gừng, đỗ đen, đỗ xanh nguyên vỏ… Trường hợp ngộ độc nhẹ nên nhanh chóng chế thuốc giải rượu từ các thực phẩm thân quen này.

Tuy nhiên, thuốc giải rượu không có tác dụng với những trường hợp ngộ độc nặng. Người thân nên sơ cứu tại chỗ, theo dõi tình hình và đưa đến bệnh viện kịp thời.

Phòng chống

Để giảm thiểu tình trạng ngộ độc rượu, bạn nên mua rượu có uy tín ở những cơ sở đảm bảo. Nhiều hộ kinh doanh dùng rượu pha cồn, rượu giả rất có hại cho sức khoẻ.

Trong dịp Tết hay bất kì dịp vui nào, để tránh trường hợp ngộ độc rượu xảy ra cần kiểm soát lượng đồ uống có cồn tiêu thụ. Nên uống chậm để kịp thời phát hiện những thay đổi của cơ thể để điều chỉnh kịp thời.

Không uống tiếp nếu thấy cơ thể không chịu được hơn nữa. Người cùng nhậu cũng không nên ép những người không thể uống tiếp, tránh phải hối hận. Trong tiệc rượu nên có nhiều đồ ăn, rau xanh, tránh uống rượu suông.

Thanh Loan

Theo Theo Sức Khỏe Đời Sống
MỚI - NÓNG