Phải xóa tính phong trào, tính nghiệp dư

Đại hội thu hút quan khách và báo chí. Ảnh: Xuân Ba.
Đại hội thu hút quan khách và báo chí. Ảnh: Xuân Ba.
TP - Ngày cuối (11/7/2015) Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX được tiến hành tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội.

Từ 3 giờ sáng trời trở gió và mưa nhỏ. Hà Nội thời tiết trở nên mát dịu. Dư âm của ngày thứ hai (10/7/2015) vẫn còn rất đậm trong ngày cuối. Trên nét mặt đại biểu tham dự Đại hội nhiều nụ cười rạng rỡ. Không ai tỏ ra sốt ruột, vội vàng. Tất cả đều bình tĩnh và tự tin hòa nhịp cùng Đại hội đến giờ phút chót. Nếu so với Đại hội VIII thì việc bầu BCH khóa IX thực sự dân chủ, công tâm, minh bạch và hiệu quả hơn. Chủ tịch đoàn không “gò” Đại hội, trái lại hài hòa và cầu thị vì sự thành công chung.

Một Ban Chấp hành mới vừa chẵn một mâm (gồm 6 thành viên): Vẫn một tiên chỉ làng trường đồ tri mã lực (đường xa mới biết ngựa hay - Chủ tịch Hữu Thỉnh. Người viết bài này được biết bao năm rồi, ông chỉ ngủ mỗi ngày đêm có 4 tiếng đồng hồ! Phải vậy không mà ông biết trang trải quỹ thời gian eo hẹp cho vô số việc ngoài sáng tác còn chăm bẵm cho chức chủ tịch Hội 4 kỳ liền, từ Đại hội đến Đại hội - ĐH V, 1995 đến ĐH 9 bây giờ ).

Ba ông Phó Chủ tịch (nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Trí Huân) và 2 ủy viên (nhà văn Khuất Quang Thụy, nhà văn Nguyễn Bình Phương). Có thể bạo mồm mà nói, đây là một mâm đẹp! Trừ nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, còn lại 5 nhà văn đều tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du, họ đều trải qua quân ngũ, trận mạc, lạ nữa đều trưởng thành từ ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế (Tạp chí Văn nghệ quân đội). Chỉ có nhà văn Nguyễn Bình Phương lần đầu tham gia BCH Hội NVVN, còn lại đều có “thâm niên”. Lại nhiều người ví von: “Hữu Thỉnh, Nguyễn Trí Huân, Khuất Quang Thụy, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Bình Phương là năm anh em trên một chiếc xe tăng. Còn Nguyễn Quang Thiều vốn là một sỹ quan Công an. Quân đội và Công an mà cùng sát cánh thì quả không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền.

Cũng sáng ngày 11/7/2015 Đại hội công bố danh sách Ban Kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX do Đại hội đại biểu trực tiếp bầu gồm 6 nhà văn: Nguyễn Đình Tú, Huỳnh Thạch Thảo, Nguyễn Hồng Thái, Trần Thị Trường, Nguyễn Minh Ngọc, Hải Đường. BCH cũng cử luôn nhà văn Khuất Quang Thụy làm Trưởng Ban Kiểm tra. Lễ ra mắt BCH và Ban Kiểm tra (lần đầu tiên do Đại hội bầu trực tiếp) Hội NVVN khóa IX được toàn thể đại biểu  đồng thuận trong cách hiểu không phải là “hai nhánh quyền lực” hay “đối trọng”, mà là sự “hiệp đồng tác chiến” để cùng tạo nên niềm hi vọng mới, cố gắng mới và thành tựu văn chương mới.

Đại hội cũng dành ra một khoảng thời gian phù hợp để nghe 2 tham luận của các nhà văn Mai Nam Thắng (Hà Nội) về “Phấn đấu xây dựng những cột mốc chủ quyền lãnh hải trong văn chương” và Trầm Hương (Tp. Hồ Chí Minh) về “Dồn lực xây dựng những tác phẩm hay xứng tầm thời đại”.

Đại hội đã nghe nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội đọc một số bức điện mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NVVN lần thứ IX của các Chủ tịch Hội Nhà văn Nga, Trung Quốc, Ba Lan. Mới thấy chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng. Mới thấy trái đất là ngôi nhà chung của thế giới. Mới thấy ngoài trời còn có trời. Mới thấy tình nhân loại thông qua văn chương là kỳ diệu.

10 giờ 55 phút, Đoàn Chủ tịch thông qua Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NVVN lần thứ IX. Đúng 11 giờ nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội NVVN phát biểu tổng kết Đại hội. Vẫn chất giọng thống thiết trong vô số những diễn văn (và cả điếu văn nữa?) Tân Chủ tịch cuốn hút người nghe không phải bằng những câu chữ mệnh đề sáo rỗng mà là cách biểu đạt mới của nhiều việc tưởng đã cũ: “Hướng tới hội viên là đạo đức của BCH khóa IX, hướng tới hội viên là nhân cách của tất cả những người phục vụ vận hành cỗ máy của Hội hoạt động ngày càng có hiệu quả”.  Đặc biệt ông nhấn mạnh đến nhiệm vụ kiến tạo một nền văn chương nước nhà ngày càng có tính chuyên nghiệp cao, nâng cao chất lượng sáng tác như là mệnh lệnh từ trái tim đối với mỗi nhà văn. Tân Chủ tịch cũng đồng thời khẳng định Hội NVVN phải đồng tâm hiệp lực để đưa văn chương nước nhà phát triển lên một tầm cao mới để có cơ hội hòa nhập với thế giới. Thế giới phải ngày càng biết nhiều đến Việt Nam thông qua văn chương. Muốn đạt tới mục đích tối thượng đó phải dần dần xóa bỏ tính chất phong trào, tính chất nghiệp dư hóa của văn chương. Tất cả đều chờ đợi những tài năng trẻ, mới. Và đó là một trong những nhiệm vụ tối cao của Hội NVVN trong tương lai gần và xa.

Quyết tâm của BCH mới trong hoạt động, không đánh bóng thành tích, không né tránh khuyết điểm, đoàn kết cao độ để chung sức, chung lòng vì sự phát triển bền vững của nền văn học nước nhà xứng đáng với niềm mong đợi của nhân dân và đất nước vv… Kết thúc bài nói lại có cả chút du dương cảm khái Hôm nay Hà thành trời mưa mát hình như trời đất cũng như chia sẻ với thành công của Đại hội… Hội trường lại rền tiếng vỗ tay.

Có lẽ một dịp thích hợp sẽ truyền đạt đến bạn đọc vô số chuyện bên lề Đại hội như là một thứ gia vị không thể thiếu của một bữa tiệc thịnh soạn. Bởi  nhà văn ta vốn VLC (vui là chính) Ngoài “kỷ lục của kỷ lục” thuộc về nhà thơ Hữu Thỉnh, từng tham gia BCH Hội NVVN các khóa  III, IV, V, VI, VII, VIII và IX; bốn lần đắc cử vị trí Chủ tịch Hội) còn có một số kỷ lục: Cao niên nhất ĐH là GS, Anh hùng Lao động, nhà văn Vũ Khiêu tròn trăm tuổi (vào Hội năm 1957) - Hai đại biểu trẻ nhất, hai nữ nhà văn sinh năm 1980: Vi Thùy Linh (Hà Nội) và Niê Thanh Mai (Đắk Lắk). Nhà thơ Đặng Huy Giang với 8 lần giơ tay xin phát biểu, lần nào cũng lên đồng như lúc viết thơ vậy (nhiều ĐB ngơ ngác nhìn nhau “Không biết anh này có nhớ mình nói gì?”). Một gia đình có đến 3 đại biểu tham gia Đại hội: Nhà thơ Lê Hồng Thiện (Hưng Yên) và con gái Lê Hồng Nguyên mới được kết nạp Hội NVVN năm 2013, cùng con rể là nhà thơ Phạm Khải, hiện là Phó Tổng Biên tập Báo CAND. Nhà văn Ông Văn Tùng (sinh năm 1936) trong cuối buổi sáng thứ hai quá mệt vì không khí tranh luận của Đại hội đã ngả xuống ghế tranh thủ chợp mắt, khi bị đánh thức và chụp ảnh thì kêu lên “Bầu bán làm tớ mệt quá!”. Bức ảnh độc nhất vô nhị này đã được lập tức đưa lên Website trannhuong.com ngay tại hội trường. Vẫn chưa hết, có đến 6 cặp vợ chồng cùng tham gia Đại hội IX: Trần Thị Thắng - Lê Quang Trang, Trần Thị Kim Hoa - Nguyễn Sỹ Đại, Vũ Minh Nguyệt - Sương Nguyệt Minh, Lê Hồng Nguyên - Phạm Khải, Hoàng Phương Nhâm - Kao Sơn, Trần Thị Huyền Trang - Nguyễn Thanh Mừng.

Và nữa, có lẽ sẽ toàn bích hơn nếu một số ĐB ngơ ngác rằng, nếu BTC ĐH biết thu xếp thời gian để ĐH giải lao chút đỉnh. Bởi dịp để các ĐB giao lưu chuyện trò với các yếu nhân đã bớt chút thì giờ quý báu đến dự như Nguyên TBT Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, ông Đinh Thế Huynh Ủy viên BCT, Trưởng Ban TGTƯ… đã không diễn ra.

Hà Nội, đêm 11/7/2015

Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX đã kết thúc hôm qua 11/7/2015. Đây là một đại hội để lại dư âm về không khí dân chủ, đoàn kết, mạnh dạn đổi mới. Tuy nhiên, giới nhà văn luôn giàu cá tính với cách nhìn cũng như cách thể hiện khác nhau về cùng một vấn đề. Trên tinh thần tôn trọng những góc nhìn và cá tính khác nhau đó, TPCN trân trọng giới thiệu hai bài viết của nhà văn Bùi Việt Thắng và nhà thơ Inrasara.         

TPCN

MỚI - NÓNG