Khai mạc từ 8 giờ sáng, sau 30 phút ổn định tổ chức. Hội trường mát mẻ. Có mà phỉ phui mới bảo một bữa nhiều kịch tính?
Ấy là nội dung chủ yếu bầu cử Ban Chấp hành khóa IX.
Như bất kì đại hội nào trước đó, công đoạn đầu tiên là thống nhất số lượng ủy viên BCH.
Bao nhiêu thì vừa? Và đủ?
Đứng trước một thực tế, khi Hội Nhà văn Việt Nam có 1.014 hội viên (tính đến tháng 7 năm 2015), hoạt động trải rộng khắp 63 tỉnh, thành phố trong cả nước thì cần có một BCH đủ mạnh cả về số lượng và chất lượng. Như Đại hội VIII, số ủy viên BCH được bầu là 15. Mười lăm ủy viên BCH khóa VIII được tiếp tục giới thiệu và Đại hội quyết định lấy số dư là 100 phần trăm, giới thiệu thêm 15 để có con số 30. Bầu chọn 15, hẳn đẹp?
Nhưng đùng cái…
Như mọi người đều hay, tháng 5/2015, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức 9 đại hội cơ sở, đã nhận được giới thiệu tín nhiệm 404 nhà văn vào BCH. Bây giờ chỉ chọn 30, bầu sao đây?
May sao, Đại hội đã phát huy dân chủ và trí tuệ tập thể dưới sự điều hành linh hoạt của Chủ tịch đoàn để tìm ra một phương án: Chọn 30 nhà văn có số phiếu cao (từ trên xuống) trong tổng số 404 nhà văn được giới thiệu tín nhiệm.
Nhất trí cao vì quyền cuối cùng vẫn là Đại hội đại biểu. Phút chót thì có 5 nhà văn xin rút khỏi danh sách đề cử. Mắc? Lại phải đề cử trực tiếp thêm 5 nhà văn nữa cho đủ con số 30. Tình huống nối tiếp tình huống. Nhưng kết quả đề cử đợt này lại là con số 12, thêm 1 người ở tuổi 73 duy nhất ứng cử là nhà văn Trần Nhương. Lắm cụ xuýt xoa theo Trần Bờ lốc tiên sinh, đáng tiếc là nhiều nhà văn trẻ tuổi dưới 40 có phẩm chất và năng lực ngời ngời, vậy mà hà cớ không có ai tự tin ứng cử?
Trần Nhương? Nhiều ĐB cười tóe loe, ông ấy đang khơi khơi vậy nhưng tuổi đã bảy lăm, nghỉ được rồi! Nhưng mà ta đang bức xúc lắm lắm… Hỡi các ĐB trẻ, hãy mạnh dạn ứng cử đi…
Đại hội vỗ tay nhiệt liệt.
Con số 38 chốt lại danh sách đề cử và ứng cử vào BCH khóa IX.
Cũng cần nói thêm, để đi tới sự thống nhất cao này đã có nhiều ý kiến trái chiều của nhiều đại biểu, thậm chí có người có lúc gay gắt (xin phát biểu đến 4 lần trong ngày mà Đại hội vẫn bao dung?). Nhưng hãy nhớ, dẫu có là mang máng, nhà văn ta xứ mình thường có những cơn xúc động bất thường? Trong đó có lắm tình huống, những tưởng chan tương đổ mẻ khi bất chợt ngộ ra, lại vui vẻ nhiệt thành xây dựng Hội với mong muốn đó là ngôi đền thiêng của văn giới.
Tổ bầu cử gồm 24 nhà văn. Do Đại hội đại biểu bầu. Miễn kể ra đây những tuổi lẫn tên, dân chúng vốn đặt nhiều, nhiều lắm những niềm tin. Tất thảy chú mục vào nhà văn Đại tá Phạm Hoa (tác giả danh tiếng Đùa của tạo hóa) được tín nhiệm bầu làm Trưởng Ban bầu cử.
Nhưng bập vào việc, ông đại tá không đùa!
Bầu BCH Hội Nhà văn khóa IX. Ảnh: Xuân Ba.
Khởi sự từ 9 giờ sáng. Tận 12 giờ 30 phút trưa, công đoạn quan trọng nhất của Đại hội mới hoàn thành. Thương lắm nhiều nhà văn cao tuổi sức yếu nhưng vẫn kiên trì bám trụ cho đến lúc hoàn thành nghĩa vụ. Có thủ tục, ĐB sau khi bỏ phiếu bầu cử phải đóng dấu vào thẻ đại biểu để xác nhận quyền lợi và trách nhiệm. Ai đó bình luận: “Đúng là đam mê đến từng chi tiết”. Nghe cứ như quảng cáo trên truyền hình…
Mãi đến tận 15 giờ 30 phút Ban kiểm phiếu mới công bố kết quả bầu cử.
Hồi hộp. Tất nhiên.
Nhưng đùng cái, sau kiểm phiếu, sờ a sau sắc sáu, 6 nhà văn trúng cử vào BCH với số phiếu quá bán hợp lệ (448), xếp theo thứ tự số phiếu từ cao đến thấp.
Cụ thể.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Trí Huân, nhà văn Khuất Quang Thụy và nhà văn Nguyễn Bình Phương.
Hội trường rền vang tiếng vỗ tay không dứt. Một dấu ấn của Đại hội? Nhiều người chẳng kìm được coi đây là tinh thần dân chủ được hiện thực hóa. Là tâm tư tình cảm và kỳ vọng chính đáng của toàn thể Đại hội? Như trên đã nói ở bài đầu, học làm dân chủ giúp nhà văn ứng xử đúng đắn. Không ai không nghĩ tới sẽ xuất hiện 15 gương mặt mới sáng giá có chân trong BCH khóa IX.
Nhà văn Trần Nhương, khí phách vẫn như Người Cao Tuổi như thường thấy, dẫu cho không đắc cử.
Một không khí hoan hỉ hiếm thấy khi BCH khóa IX chỉ có 6 người. Phải chăng một lần nữa tinh thần dân chủ được dịp phát huy khi dẫu chỉ có 6 nhà văn đắc cử vẫn không bầu thêm, bầu lại vì tất cả đúng luật. Nói cách khác là hợp tình hợp lí. Tua tủa những cái bắt tay chúc mừng các tân ủy viên BCH.
Chỉ có một điều, nho nhỏ thôi, khiến nhiều đại biểu chưa mỹ mãn là BCH khóa IX vẫn chưa được trẻ hóa?
Được coi trẻ nhất là nhà văn Nguyễn Bình Phương (sinh 1965). Chợt giật thột, vị này cũng đã bước vào tuổi tri thiên mệnh?
Lại tiếc trong BCH lần này, hình như dương thịnh âm suy? Bởi đùng cái, thiếu vắng những “bóng hồng” (BCH khóa VIII có hai người đẹp Nguyễn Thị Thu Huệ và Võ Thị Xuân Hà). Tuổi trung bình của BCH khóa IX là 61,8. Con số biết nói này rất có thể kích thích BCH khóa mới dũng khí nhún vai, gừng càng già càng cay đấy ạ!
Cuối buổi chiều, có hai nội dung:
Bầu cử Ban Kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam và phần trình bày tham luận của các đại biểu.
Đại hội lại một lần nữa phát huy dân chủ trong việc bầu Ban Kiểm tra của Hội. Số lượng thành viên BKT được Đại hội ấn định là 9, tuy nhiên cũng theo quy chế và điều lệ thì Trưởng Ban Kiểm tra phải có chân trong BCH.
Đại hội quyết định bầu 8 ủy viên, còn Trưởng Ban Kiểm tra do BCH đề cử. Nhà văn Khuất Quang Thụy, nguyên Trưởng Ban Kiểm tra khóa VIII, được BCH mới giới thiệu làm Trưởng Ban Kiểm tra khóa IX. Danh sách các ủy viên BKT, vì thời gian buổi chiều đã muộn, nên sẽ được Ban Bầu cử công bố vào phiên cuối, sáng 11/7/2015.
Xen giữa những công việc bầu cử bộn bề là phần trình bày các tham luận của các đại biểu đến từ 13 đoàn. Đã có 10 tham luận được gửi đến Ban Tổ chức Đại hội, nhưng do eo hẹp thời gian nên chỉ mới trình bày được hai. Các tham luận còn lại sẽ tiếp tục được đăng tải tên website của Hội NVVN trong thời gian tới.
…Chiều muộn, Khách sạn La Thành đường Đội Cấn. Cứ đậm mãi trong tôi hình ảnh nhà thơ Hoàng Cát (tác giả Cây táo ông Lành) bảy mươi ba tuổi, mang trọng bệnh, nhưng lạ, vẫn viết đều. Ông là ĐB chính thức của Đại hội, đi dự Đại hội với niềm hưng phấn, mà hình như luôn tươi nhất trong cánh già? Nhìn ông, nhiều người khi biết chuyện đều rưng rưng xúc động, muốn chia sẻ nỗi niềm.
Cuối buổi chiều đã thấy ông sau khi bỏ phiếu bầu Ban Kiểm tra, đi xuống tầng một, dáng đi khó khăn của một thương binh chống Mỹ. Người ngoài mấy ai biết ông là tác giả của gần một chục tập thơ, tập gần nhất viết trong những ngày điều trị ung thư trong bệnh viện.
Có lẽ người vịn câu thơ mà đứng dậy?
Hà Nội, đêm 10 tháng 7 năm 2015
Đại hội Đại biểu Hội Nhà văn lần thứ 9 sẽ bế mạc sáng 11/7/2015 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Lê Hồng Phong, Hà Nội.
Nhà thơ Hữu Thỉnh sẽ đọc báo cáo tổng kết nhiệm kỳ VIII (2010- 2015) phương hướng nhiệm vụ phát triển văn học nhiệm kỳ IX (2015- 2020). Lãnh đạo Đảng Nhà nước sẽ đến dự và phát biểu.
Đồng thời Hội nghị sẽ có những tham luận và công bố kết quả phiên họp đầu tiên của BCH Hội Nhà văn khóa IX.
(Nguồn Hội Nhà văn Việt Nam)