Đổi mới giáo dục:

Phải đào tạo lại đội ngũ giáo viên ngay từ bây giờ

Để đáp ứng chương trình SGK mới, theo TS Trịnh Ngọc Thạch cần phải đào tạo lại đội ngũ giáo viên ngay từ bây giờ
Để đáp ứng chương trình SGK mới, theo TS Trịnh Ngọc Thạch cần phải đào tạo lại đội ngũ giáo viên ngay từ bây giờ
TP - “Nếu theo lộ trình đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) được Quốc hội thông qua cuối năm nay thì cần phải đào tạo lại đội ngũ giáo viên ngay từ bây giờ”.

Trao đổi với Tiền Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTN và NĐ) của Quốc hội, TS Trịnh Ngọc Thạch nhấn mạnh như vậy.

Đào tạo sư phạm đã lỗi thời lắm rồi

Việc đào tạo lại đội ngũ giáo viên sẽ phải thực hiện ra sao để đáp ứng yêu cầu chương trình SGK mới (lộ trình thực hiện từ 2017), thưa ông?

Dự kiến tháng 10 này Quốc hội thông qua nghị quyết về đổi mới chương trình SGK, vậy nên năm 2015 phải khởi động ngay. Chúng ta chỉ có hai năm chuẩn bị, các trường sư phạm phải vào cuộc đào tạo lứa sinh viên mới, nhất là lứa sắp ra trường. 

Chương trình đào tạo cần có sự bổ sung để các em có thể bắt nhịp ngay với SGK mới. Nhưng chúng tôi băn khoăn là sinh viên ra trường có vào được biên chế không vì biên chế cũ vẫn phải duy trì, không thể thay mới hoàn toàn. Cho nên đào tạo để thay thế đội ngũ hiện tại là rất khó. 

Phải đưa đội ngũ giáo viên hiện nay vào các trường sư phạm đào tạo lại. Vấn đề là tổ chức như thế nào thôi. Có lẽ khi thông qua nghị quyết là phải đưa lần lượt giáo viên đi đào tạo lại, theo kiểu cuốn chiếu, đồng thời bảo đảm việc dạy học tại các trường diễn ra bình thường. 

“Lâu nay có tình trạng người tốt nghiệp đúng chuyên ngành nhưng không có việc làm còn những người ngồi trong trường lại không đúng chuyên môn. Tỷ lệ ấy không phải là ít. Phải mạnh dạn thanh lọc bằng cách nào đó cho hợp lý, hợp tình”.

TS Trịnh Ngọc Thạch

Vậy nguồn lực tại các trường sư phạm hiện nay có đáp ứng được yêu cầu đào tạo lại hàng triệu giáo viên trong thời gian ngắn như vậy không?

Chắc chắn có nhiều khó khăn. Có thể nói cách đào tạo hiện nay tại các trường sư phạm đã lỗi thời lắm rồi. Các trường vẫn đào tạo theo truyền thống. Để đáp ứng yêu cầu mới, các trường phải cải tổ hệ thống tổ chức, chương trình đào tạo. Bắt tay đào tạo lại giáo viên theo yêu cầu mới là khó chứ không dễ. Phải cơ cấu lại chương trình đào tạo 4 năm thì sinh viên ra trường mới bắt nhịp được ngay với chương trình SGK mới. 

Chính các trường cũng phải tự mình thay đổi cả chương trình và cách dạy mới. Nhưng nhìn chung hệ thống các trường sư phạm còn manh mún. Vừa rồi, chúng ta lại cho nâng cấp hàng loạt trường cao đẳng sư phạm thành đại học đa ngành, đào tạo cả ngân hàng, tài chính, kinh doanh, du lịch. Tức là ta coi các ngành khác là chính, chạy theo đáp ứng yêu cầu của xã hội, vì mục tiêu kinh tế, coi nhẹ sư phạm.

Phải mạnh dạn thanh lọc

Về lâu dài, nên đào tạo cán bộ giáo viên ngành giáo dục theo hướng nào để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện?

Phải đào tạo được một lớp cán bộ, giáo viên để họ từng bước thay thế đội ngũ cán bộ, giáo viên ở trong các trường phổ thông hiện nay đã già cỗi; thứ hai là tăng cường đội ngũ giáo viên nòng cốt đúng chuyên môn, đúng trình độ. 

Một thời gian dài, chúng ta đã sử dụng rất nhiều giáo viên không đủ trình độ, cứ tuyển dụng, cho đi đào tạo theo kiểu chắp vá rồi về sử dụng. Tôi nghĩ để nâng cao chất lượng giáo dục cần có sự đào thải. Đây là một bài toán khó nhưng phải dám làm. Phải mạnh dạn thay máu ở những chỗ cần thiết. Vì mấu chốt là phải có người thực hiện chương trình, SGK mới. 

Là cơ quan thẩm tra, Ủy ban VHGDTNTN và NĐ có đề xuất nào để giải quyết những khó khăn đó?

Thực ra khi thẩm tra đề án này chúng tôi thấy rất băn khoăn, lo lắng và chúng tôi rất chia sẻ với cơ quan soạn thảo. Có lẽ, phải thực hiện đề án từng bước nhưng chắc chắn theo cách gối đầu, tức là phải đào tạo lại đội ngũ giáo viên từng phần kiểu cuốn chiếu vì không đào tạo ngay một lần được. 

Cùng đó, phải có sự thanh lọc giáo viên. Những ai không đáp ứng được phải cho chuyển ngành, chuyển việc khác. Phải thay thế đội ngũ giáo viên giỏi được đào tạo bài bản ở các trường sư phạm vào. 

Lâu nay có tình trạng người tốt nghiệp đúng chuyên ngành nhưng không có việc làm còn những người ngồi trong trường lại không đúng chuyên môn. Tỷ lệ ấy không phải là ít. Phải mạnh dạn thanh lọc bằng cách nào đó cho hợp lý, hợp tình. 

Nhìn lại những cuộc thi tuyển giáo viên tại một số địa phương thời gian qua, ông có suy nghĩ gì?

Những cuộc thi tuyển giáo viên cũng có tiêu cực, thân quen mới vào được. Có ứng viên giỏi đào tạo nước ngoài hẳn hoi nhưng không vào được. 

Đấy là những cái phải thay đổi, phải vượt qua. Đừng đặt ra những tiêu chuẩn để tuyển người X, Y nào đó còn người giỏi bị chặn từ vòng ngoài. Bây giờ tuyển giáo viên phải rất tinh lọc, tuyển người làm thật chứ không à ơi được. 

Tuyển giáo viên để đứng lớp, đây là lao động khoa học, nặng nhọc, phải tuyển thật sự khách quan, công tâm, nếu không sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ. 

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Đoạn đường Nguyễn Trãi bên cạnh hầm chui Thanh Xuân mênh mông nước tối 7/9. Ảnh: Thái An.
Mưa tối ngập đường Hà Nội, xe chết máy, rác trôi đầy
TPO - Tối nay (7/9), thêm nhiều cây xanh đổ gãy trên đường phố Hà Nội, nhưng người đi đường sợ hơn cả vẫn là tình trạng ngập nước ở một số nơi. Xe chết máy, nhiều người bì bõm, hì hục dắt xe cả đoạn phố dài, trong khi rác sinh hoạt, phế thải xây dựng lững lờ trôi…