Phá 'vòng kim cô' cho hợp tác xã

Máy liên hợp đang gặt lúa. Ảnh: Hòa Hội
Máy liên hợp đang gặt lúa. Ảnh: Hòa Hội
TP - Đồng Tháp là một trong những tỉnh đi đầu ở ĐBSCL trong việc phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020.

Hợp tác xã kiểu mới

Ông Đỗ Minh Tri, Phó Chánh văn phòng Điều phối thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, cho biết, sau 2 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, hiện toàn tỉnh có 203 hợp tác xã (HTX) với trên 58.000 thành viên, vốn hoạt động trên 756 tỷ đồng hoạt động ở nhiều lĩnh vực như: nông nghiệp 165 HTX (chiếm trên 82%), còn lại là lĩnh vực vận tải, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại… Ngoài ra, còn có trên 1.150 tổ hợp tác với gần 30.000 thành viên, vốn hoạt động gần 100 tỷ đồng.

Theo ông Tri, một trong những điểm nổi bật của tái cơ cấu nông nghiệp là đã hình thành được các HTX kiểu mới theo chuỗi giá trị. Cụ thể, các HTX đã tập hợp nông dân tổ chức sản xuất, liên kết với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho thành viên. 

 Giám đốc HTX Đức Huệ ở xã Mỹ Quý (huyện Tháp Mười), ông Huỳnh Thanh Thấm cho biết, HTX thành lập năm 2013 với 15 thành viên, vốn điều lệ 1,2 tỷ đồng, hoạt động chính là dịch vụ máy cày. Đến cuối năm 2014 phát triển lên 45 thành viên, vốn điều lệ tăng lên 10 tỷ đồng, phát triển lên 10 ngành nghề dịch vụ gồm: Bơm nước, giống, thuốc BVTV, tiêu thụ, làm đất... diện tích của HTX 760 ha, có hệ thống đê bao khép kín, tưới tiêu bằng trạm bơm.

Năm 2014, HTX Đức Huệ triển khai thí điểm mô hình khoán sản xuất trọn gói cho nông dân trên địa bàn xã Mỹ Quý diện tích 100 ha. Kết quả, sau 1 năm hoạt động lãi trên 535 triệu đồng.

Theo ông Thấm, điểm nhấn của mô hình này là người dân hưởng ứng tham gia mô hình tích tụ ruộng đất bằng cách người dân sẽ giao đất cho HTX đầu tư với chi phí trên 60 triệu đồng/ha/năm. HTX sẽ trả cho nông dân 21 tấn lúa/ha/năm. Từ việc cho HTX thuê đất, người dân không cần phải làm mà còn lãi 39 triệu đồng/ha/năm, trong khi nông dân cho bên ngoài thuê chỉ đạt 26 triệu đồng/năm. Đồng thời, người dân có nhu cầu thì làm thuê lại cho HTX để tăng thêm thu nhập.

Để thành công trong việc tập hợp thành viên, ông Thấm nói: “Người nông dân thấy được quyền, lợi ích của mình ở HTX nên nhiệt tình tham gia. Trước đây sản xuất manh mún, nhỏ lẻ đã làm mất sức cạnh tranh. Nay dần hình thành cánh đồng lớn sẽ có điều kiện liên kết doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu đầu ra. Từ đó, nông dân sẽ được lợi từ giảm chi phí sản xuất”. Hiện tại, HTX Đức Huệ liên kết với Cty Lương thực Đồng Tháp, Cty Giống cây trồng Đồng Tháp,  Cty Phạm Hoàng, Cty Hợp Trí và Cty An Điền để cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu đầu ra.

Một điển hình nữa của mô hình HTX kiểu mới ở Đồng Tháp là HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Cường, xã Phú Cường (huyện Tam Nông). Phó Giám đốc Huỳnh Văn Kha cho biết, HTX có 237 hộ tham gia góp vốn trên 42 tỷ đồng. Năm 2014, trừ chi phí lãi hơn 3,5 tỷ đồng. HTX hoạt động dịch vụ 12 lĩnh vực gồm: bơm tưới, nước sạch, tín dụng nội bộ, sản xuất cây giống… “Người dân hưởng lợi nhiều khi tham gia vào HTX từ hỗ trợ chi phí thuốc BVTV, bao tiêu đầu ra. Thậm chí, có nhu cầu vay vốn thì HTX sẵn sàng cho vay với lãi suất thấp hơn so bên ngoài”, ông Kha nói.

Hình thành chuỗi giá trị

Theo ông Đỗ Minh Tri, trong thời gian qua, Đồng Tháp đã thực hiện nhiều chính sách để khuyến khích HTX phát triển như: “Tích tụ ruộng đất” bằng cách hỗ trợ 50% lãi suất cho nông dân, HTX vay vốn để mở rộng diện tích trong thời gian 3 năm; hỗ trợ vay vốn san bằng đồng ruộng giảm 50% lãi suất; cánh đồng liên kết hỗ trợ chi phí thuê phun xịt thuốc bảo vệ thực vật 1 triệu đồng/ha/năm; mua máy móc thiết bị với lãi suất 0% trong vòng 3 năm. Trong năm 2015, tỉnh đã hỗ trợ HTX mua trên 200 máy nông nghiệp. Ngoài ra, tỉnh còn có chính sách đào tạo cán bộ cho HTX, cử kỹ sư ngành nông nghiệp về làm Phó Giám đốc HTX để tăng cường năng lực quản lý và phát triển sản xuất.

Ông Võ Công Minh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện nay để phát triển cần phải tổ chức lại sản xuất bằng cách sáp nhập các HTX quy mô nhỏ, lân cận nhau để thành quy mô lớn, tăng sức cạnh tranh và giảm bớt chi phí. Ông Minh cho biết thêm, để các HTX phát triển hiệu quả, bền vững thì cần xây dựng mô hình HTX tiên tiến gắn với vùng chuyên canh, xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng của Đồng Tháp như: lúa, xoài, nhãn, quýt hồng… 

Ông Nguyễn Đức Phú, cán bộ văn phòng Điều phối thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp cho biết, trước đây mô hình HTX kiểu cũ đã hạn chế quyền, lợi ích của hội viên vì hầu như làm theo cơ chế chung. Tuy nhiên, với mô hình HTX kiểu mới như hiện nay là hình thành theo chuỗi giá trị thì Nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng về chủ trương, hỗ trợ chính sách còn lại các thành viên và HTX tự chịu trách nhiệm về quyền và lợi ích của mình. Đồng thời, có trách nhiệm trong việc tổ chức sản xuất, liên kết doanh nghiệp, tìm đầu ra cho sản phẩm của mình.

MỚI - NÓNG