“Phá băng” thị trường tranh Việt

Trịnh Minh Tiến bên chân dung danh họa Trần Văn Cẩn- bức tranh ít khi lộ diện của Trần Huy Oánh- trưng bày tại Tết Art tháng 2/2014 . Ảnh: N.M.Hà
Trịnh Minh Tiến bên chân dung danh họa Trần Văn Cẩn- bức tranh ít khi lộ diện của Trần Huy Oánh- trưng bày tại Tết Art tháng 2/2014 . Ảnh: N.M.Hà
TP - Tranh Việt đang mất giá trên thị trường thế giới, trong khi những người làm nghệ thuật gần như bỏ quên thị trường trong nước. Tình hình đang thay đổi khi một số họa sĩ trẻ tạm gác việc vẽ tranh để “phá băng” thị trường trong nước. Tiền Phong trò chuyện với họa sĩ Trịnh Minh Tiến - người sáng lập và tổ chức thành công Tết Art tại Hà Nội. Sự kiện thu hút gần 90 họa sĩ và triển lãm hơn 350 tác phẩm trong 10 ngày.

Cùng tổ chức tại chợ Hàng Da, Tết Art có ảnh hưởng gì từ sự kiện Hội chợ Nghệ thuật Hà Nội Cuci trước đó?

Những người làm nghệ thuật luôn mong muốn có nhiều sân chơi hoặc luôn mong muốn giới thiệu tác phẩm nghệ thuật ra thế giới. Có những chuyện người ta nói rất nhiều nhưng không ai làm đó là tạo lập một thị trường nghệ thuật, nâng cao nhận thức của công chúng. Các gallery không làm, Nhà nước chỉ có những định hướng rất xa.

Chính nghệ sĩ phải đứng ra làm. Vì sao anh Trịnh Tuân ủng hộ tôi bằng cách bày tranh tại Tết Art. Anh Tuân sáng lập ASEAN Art Link kết nối nghệ sĩ Việt Nam với họa sĩ nước ngoài. Anh ấy thường xuyên mời các anh em họa sĩ Việt Nam đi giao lưu các trại sáng tác ở Thái Lan, Indonesia, Malaysia hoặc Singapore. Đôi khi người ta làm vì người ta nghĩ đấy là chuyện tốt đẹp cho xã hội. Chứ những việc tổ chức như thế mất rất nhiều thời gian. Đấy là cái tôi học hỏi được.

Tương lai anh sẽ tiếp tục hoạt động gì theo tinh thần này?

Tại sao nghệ thuật Việt Nam cứ tiến lại lùi. Vì nó không có mặt bằng. Đấy là điều ai cũng nghĩ, cũng thấy, cũng nói rất nhiều: Bao giờ VN mới có một thị trường tranh?!

Họa sĩ Trịnh Minh Tiến

Trước khi có sự kiện này, tôi đã làm thành công 2 chợ phiên Vintage Art, kết hợp với một số nhóm cũng làm nghệ thuật nhưng trong các mảng khác nhau. Mong muốn của tôi đưa nghệ thuật tiệm cận công chúng. Qua đó mình cũng hiểu hơn công chúng đang quan tâm nghệ thuật như thế nào. Diễn ra tháng một lần, mỗi phiên thu hút chừng 5.000 người trong vòng một ngày. Công chúng rất quan tâm, thể hiện qua việc mọi người đứng kín không gian chật chội để nghe tôi nói chuyện. Gần như rất ít người biết về nghệ thuật. Họ không hiểu đây là chất liệu gì, kỹ thuật như nào hay họa sĩ này là ai. Mình giống như người thuyết giáo…

Ngay cả tại Tết Art, phần đông người mua, người quan tâm vẫn là người Việt. Thường gallery chỉ quan tâm đến khách du lịch nước ngoài còn họa sĩ chỉ biết đến một gallery hay một số triển lãm của hội. Đó là câu chuyện của một nhóm nghệ thuật tương đối xa cách. Bản thân chợ tranh Tết Art là nơi mọi người có gặp gỡ, chia sẻ một cách tương đối thoải mái hơn. Chính người yêu nghệ thuật có khi dạy mình chứ không phải một chiều mình nâng cao nhận thức cho họ. Nhưng cái chính là những sự kiện như thế này phải xảy ra thì cả hai mới có thể chia sẻ được với nhau. 

Nói đến “chợ” thì vấn đề lợi nhuận bao giờ cũng phải đặt lên hàng đầu. Tết Art bán tranh có chạy không?

Tôi có một suy nghĩ rất đơn giản thế này. Tại sao nghệ thuật Việt Nam cứ tiến lại lùi. Vì nó không có mặt bằng. Đấy là điều ai cũng nghĩ, cũng thấy, cũng nói rất nhiều: Bao giờ VN mới có một thị trường tranh?! Chính việc mà anh Phương (họa sĩ Nguyễn Hồng Phương- gallery Cuci) và tôi đang làm là sơ khai nhất để mong muốn hình thành một thị trường nghệ thuật trong nước.

Ít nhất phải có người mua từ trong nước. Tôi phải chia sẻ với các họa sĩ: “Bạn phải cho đi trước, bạn xuống giá ở đây không phải mất đi một khoản tiền mà bạn cho bạn cơ hội, cho các tác phẩm Việt Nam ở lại với người Việt Nam. Đôi khi người Việt mua họ sẽ quay lại và đó chính là người sẽ hỗ trợ bạn trong tương lai, họ có thể giới thiệu bạn bè họ tiếp tục mua tác phẩm của bạn”.

Người mua cũng phải vượt qua giới hạn của họ đấy là họ mất thêm khoản tiền nhưng họ đang cho họ cơ hội được trải nghiệm các tác phẩm sáng tác nguyên bản của họa sĩ. Bức tranh là một tài sản, ngoài ra còn giá trị tinh thần. Một câu hỏi rất đơn giản tại sao bạn mua một bức tranh chép, tranh thêu… trong khi cho con đi học vẽ ở Cung Thiếu nhi hoặc các họa sĩ nổi tiếng. Đấy là điều trái ngược. Bố mẹ phải hiểu được giá trị nghệ thuật. Muốn xây dựng cho con cái mình một tầng văn hóa tốt hơn phải sở hữu tranh nguyên bản. 

MỚI - NÓNG