PGS Trần Thành Nam nói về tình yêu đồng giới, nghiện game trong học sinh

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Học sinh không chỉ phải đối diện với áp lực về điểm số mà còn gặp phải rất nhiều áp lực khác như định kiến xã hội về giới, tình yêu đồng giới, lựa chọn nghề nghiệp và thậm chí cả áp lực khi bị nghiện game.

Trong một buổi tọa đàm Kết nối và Sẻ chia do Phòng Giáo dục Hoàn Kiếm, Hà Nội tổ chức, khi được bày tỏ những bức xúc cũng như những cảm nhận của mình trong môi trường sống, môi trường học tập, rất nhiều học sinh đã phát biểu những ý kiến khiến người lớn phải giật mình.

PGS Trần Thành Nam nói về tình yêu đồng giới, nghiện game trong học sinh ảnh 1

Một học sinh cho biết học càng giỏi thì áp lực kỳ vọng của cha mẹ càng cao như phải đạt điểm 9 môn Toán, điểm 10 môn Văn hay phải lọt top 5 của lớp. Nếu không đạt được như kỳ vọng, học sinh sẽ phải đối diện với 2 áp lực là từ bố mẹ và sự dè bỉu từ bạn bè. Theo học sinh này, khi con cái muốn bộc lộ quan điểm hay cảm xúc, người lớn thường giữ lập trường “ bố mẹ luôn đúng”. Chính điều này dẫn đến tình trạng học sinh bị trầm cảm hoặc có thể nặng hơn là tìm đến cái chết để giải thoát.

Chia sẻ với học sinh, PGS. TS Trần Thành Nam, trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, một chuyên gia về tâm lý cho biết các em cũng cần hiểu rằng chính bố mẹ cũng áp lực; nếu con không đạt được kỳ vọng, bố mẹ cũng cảm thấy chưa hoàn thành trách nhiệm.

PGS Trần Thành Nam nói về tình yêu đồng giới, nghiện game trong học sinh ảnh 2

PGS Trần Thành Nam

Dành lời khuyên cho phụ huynh, PGS Trần Thành Nam khẳng định bố mẹ nên lắng nghe các con. Trong cuộc nói chuyện giữa bố mẹ và con cái, bố mẹ phải là những người tinh ý nhận ra điều con muốn chia sẻ và sẵn sàng lắng nghe. Đồng thời, chuẩn bị tâm lý để thể hiện quan điểm với con, không phải là cảm xúc tiêu cực, thái quá hay là bất ngờ khiến con sợ hãi, không dám chia sẻ.

Đồng thời tuân thủ nguyên tắc 4 “không”: không hỏi, không chỉ trích, không phủ định, không cắt ngang chất vấn.

Trong khi đó, một học sinh của Trường THCS Chương Dương cho hay đã từng rất thích chơi game đến mức nghiện. Em từng bỏ nhà, bỏ học đi chơi, bố mẹ phải tìm về. Thế nên lỡ một năm học vì vậy có đôi khi, em vẫn ám ảnh từ những sai lầm của quá khứ.

PGS Trần Thành Nam khuyên em học sinh không nên trách sai lầm từ quá khứ. Đó là trải nghiệm đáng nhớ nhưng cũng là cơ hội để có bài học thành công hơn. “Nếu các em có đam mê đến công nghệ, hay games đều có ngành nghề trong tương lai giúp phát triển. Nhưng mục tiêu phải rõ ràng, cần xem xét từng loại games định hướng tương lai như thế nào, thời gian chơi bao lâu. Nhưng để thành công không phải chỉ chơi games mà còn nhiều kỹ năng khác”, PGS Nam thông tin đồng thời nhắn nhủ con đường mà em học sinh đã đi qua là câu chuyện nên chia sẻ nhiều hơn nữa cho các bạn cùng lứa tuổi.

Một nữ học sinh Trường THCS Lê Lợi chia sẻ bố mẹ em luôn muốn kiểm soát điện thoại của em. Em chấp nhận mở điện thoại cho bố mẹ xem hoạt động của mình nhưng bố mẹ còn muốn biết mật khẩu điện thoại để có thể vào kiểm tra bất cứ lúc nào.

Cũng theo học sinh này, thậm chí bố mẹ còn can thiệp khá thô bạo khi vào đổi hết cài đặt của em trong điện thoại khiến em rất khổ sở, phiền phức vì không được sử dụng điện thoại của mình theo đúng ý.

PGS Nam cho hay bố mẹ muốn “kiểm soát” điện thoại của con chính là muốn tốt cho con. Vì phía sau đó là sự quan tâm của bố mẹ, sợ con bị thiệt thòi. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng việc kiểm soát thô bạo như đòi biết mật khẩu, cài đặt lại thông tin trên điện thoại của con là không nên.

Ông Nam gợi ý các bậc phụ huynh có thể cài đặt các phần mềm cảnh báo vào điện thoại của bố mẹ khi con mình đang vào các trang thông tin xấu, độc để ngăn chặn kịp thời.

Lo lắng khi yêu đồng giới

Nhiều câu hỏi về tình yêu tuổi học trò cũng được học sinh đặt ra tại buổi tọa đàm. Đặc biệt là vấn đề tình yêu đồng giới. Một bạn nữ học lớp 7 chia sẻ, em đã đợi rất lâu để có nơi đặt câu hỏi này: làm thế nào để xóa bỏ định kiến của người lớn về tình cảm đồng giới? Làm thế nào để bố mẹ hiểu con cái hơn khi khoảng cách thế hệ quá lớn?

Một nữ sinh khác chia sẻ câu chuyện của một người bạn rằng bạn ấy có tình cảm với một bạn nữ khác và đang rất hoang mang, không biết có phải mình đang mắc một vấn đề gì về bệnh lý hay không?...

Một nữ sinh lớp 6 thì băn khoăn: em đang ở trong “quan hệ yêu đương” nhưng kết quả học tập thì lại chưa tốt. Vậy, em có nên tiếp tục tình cảm này không hay dừng lại?

PGS Nam cho rằng, việc các em có cảm xúc như tình yêu với bạn đồng giới hay khác giới đều đáng được tôn trọng. Các em cũng nên trân trọng cảm xúc của chính mình thay vì lo sợ đó là bệnh lý hay vấn đề gì về tâm lý.

Về tình yêu đồng giới, ông Nam nhấn mạnh, thời xa xưa, khi chưa có tìm hiểu, nghiên cứu kỹ thì người ta mới coi đây là một loại bệnh và tìm cách chạy chữa. Nhưng hiện nay thì đó là một xu hướng, sở thích cần được tôn trọng như tình cảm khác giới.

Dù khuyến khích học sinh trân trọng cảm xúc thực của mình nhưng ông Nam cũng cho rằng các em không nên dành quá nhiều thời gian, tâm trí cho tình yêu mà xao nhãng việc học hành, rèn luyện, vui chơi... phù hợp với lứa tuổi của mình.

Cũng liên quan đến vấn đề giới tính nhưng lại ở khía cạnh khác, một nữ sinh giới thiệu là học sinh lớp 6 Trường THCS Ngô Sỹ Liên, bày tỏ bức xúc khi người lớn hay phân biệt con trai, con gái. “Mỗi dịp em về quê, mọi người lại hay hỏi mẹ có sinh bé trai không. Tại sao đến giờ vẫn có tư tưởng cổ hủ “trọng nam khinh nữ như vậy?”, nữ sinh này bức xúc.

Bà Nguyễn Thị Hà, Phó hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương chia sẻ, đây cũng là tâm lý và khác biệt giữa các thế hệ. Bản thân bà cũng từng rơi vào hoàn cảnh này vì nhà có 5 chị em gái, không có anh, em trai.

Bà Hà khuyên học sinh không bức xúc hoặc phản ứng lại các câu hỏi của mọi người về việc bố mẹ không sinh con trai mà động viên bố mẹ nhiều hơn, cố gắng học thật tốt trong khả năng của mình, làm được nhiều việc giúp đỡ bố mẹ để mọi người thấy đều thấy “Có con gái thật tuyệt!”.

Ngoài ra, các phụ huynh cũng lo lắng về việc làm thế nào để có thể nhận biết được con đang trầm cảm. Các chuyên gia cho rằng với việc thi vào lớp 10, bố mẹ kỳ vọng con vào trường tốp đầu là mong muốn chính đáng nhưng để giảm áp lực cho các con và chính bản thân thì bố mẹ cần cùng con đặt ra nhiều phương án khác nhau thay vì chỉ có một lựa chọn khiến các con căng thẳng.

Về điểm số, ông Nam cho rằng, thay vì áp đặt con phải có điểm cao thì cần biết chấp nhận trẻ để trẻ càng cố gắng và vượt lên chính mình. Trong cuộc sống, học tập các con sẽ phải đối diện với nhiều áp lực khác nhau ở mỗi giai đoạn khác nhau. Điều quan trọng là trang bị cho các con kỹ năng cân bằng để có thể đối diện và vượt qua những khó khăn, thử thách.

Dành lời chia sẻ riêng cho học sinh chuẩn bị thi vào lớp 10 trong quận, bà Vương Hương Giang, Trưởng phòng Giáo dục Quận Hoàn Kiếm hy vọng cánh cửa trường THPT sẽ mở ra đối với tất cả các em. Tuy nhiên, các em cũng nhớ rằng nếu cánh cửa này đóng lại, sẽ có muôn vàn cánh cửa khác được mở ra. Chỉ có điều các em có bình tĩnh để cho mình đón nhận một cơ hội hay không.

MỚI - NÓNG