“Ông vua truyện ngắn” sẽ lại viết tiểu thuyết

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
TP - Trong năm, nhân tập tiểu luận “Giăng lưới bắt chim” của Nguyễn Huy Thiệp tái bản, trong nhiều câu chuyện văn chương, người ta thích nhắc đến ông, đặc biệt là những người viết trẻ. Họ gọi ông là “Thiệp”: tại sao Thiệp viết thế này? Tiểu thuyết mới của Thiệp có ba xu tiếp không?

Nguyễn Huy Thiệp trở lại?

Hồi tháng 9, nhà văn Nguyễn Trương Quý thông báo: “Bác Thiệp đồng ý làm tọa đàm nhân “Giăng lưới bắt chim” tái bản. Bọn này ngạc nhiên lắm! Bao nhiêu năm nay, năm nào cũng mời nhưng bác đều từ chối!”.

Nguyễn Trương Quý không phải là người duy nhất ngạc nhiên vì tác giả “Tướng về hưu” lần nữa đồng ý ngồi đối thoại với độc giả. Nhiều năm nay, ông tuyên bố “rửa tay gác kiếm”. Sự kiện gần đây nhất ông xuất hiện trước đám đông là từ năm 2012, khi đó tập chèo “Vong Bướm” ra mắt.

Trong buổi tọa đàm “Nhà văn có nên viết phê bình”, nhiều người lâu không gặp Nguyễn Huy Thiệp lao xao hỏi nhau: sao ông ấy lại để râu? Nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp đem cả câu hỏi này lên sân khấu. Ông lảng sang chuyện khác không trả lời. Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu khi về nước cũng thở than: bác Thiệp để râu là thất sách!

Gặng nhiều lần, ông cười cười bảo: để cho các cô khỏi trêu, để đi đâu cũng cảm thấy đứng đắn lên!

Nguyễn Huy Thiệp hay gọi những người hâm mộ nữ quá khích của mình là các “ma nạn”. “Lắm người cũng rồ dại”, ông kể thế! Từng có fan mỗi ngày cầm một bó hoa đứng trước cổng nhà ông cả tháng trời. Rất khó xử! Hỏi ông xử thế nào, ông bảo, họ chán thì thôi!

Nhiều năm nay Nguyễn Huy Thiệp không viết gì “đứng đắn” (chữ của ông). Năm ngoái ông bị tổn thương nặng ba động mạch vành nhưng không đặt stent mà điều trị bằng thuốc. Lúc đó, ông từng nói: “Không viết lách đi lại hội hè gì nữa. Hết đời thằng cáo!”. Lúc tinh thần khá hơn, ông bảo: “Lại lêu lổng rồi”! Kiểu “lêu lổng” của Nguyễn Huy Thiệp là ngồi cà phê Hàng Hành nghe Nguyễn Việt Hà và Nguyễn Bảo Sinh nói chuyện trên giời dưới bể. Chủ quán cũng là một người hâm mộ của ông. Cưới con trai út nhà văn, chủ quán tình nguyện làm lái xe chở một đoàn văn nghệ sĩ đi từ ba giờ sáng lên tận Lào Cai đón dâu.

Đã từng gói ghém cuộc đời

Khoảng nửa năm đổ lại đây, bạn bè Nguyễn Huy Thiệp nhận xét “khí sắc” của ông ổn hơn. Nhà văn khoe là vì đang tập một môn khí công tu “chân thiện nhẫn”.

Hai năm trước, Nguyễn Huy Thiệp từng kinh qua một đoạn khủng hoảng tinh thần, đến mức ông nghĩ đến việc dọn dẹp cuộc đời, chuẩn bị đi đến một nơi không ai biết, chết một cái chết không phiền lụy ai.

Trong lúc đang gói ghém đồ đạc thì có hai vị khách nữ đến thăm. Ông bảo, chả có lòng dạ nào tiếp khách nhưng lúc ấy trời đột nhiên mưa, thế là đành giữ họ lại. Một trong hai người phụ nữ ấy tặng ông một cuốn kinh truyền tay và bảo ông nhất định phải đọc. Cô kể bản thân từng bị lao nặng, mỗi ngày duy trì sự sống bằng một vốc thuốc. Mắt kém đến mức, muốn đọc cuốn kinh phải nhờ người in chữ thật to rồi dùng kính lúp dò từng chữ. Nhưng sau một thời gian tập theo những bài giảng trong sách, cô không cần uống thuốc nữa, mắt trở lại thị lực bình thường.

Tiễn khách về, Nguyễn Huy Thiệp bảo, chỉ là tiện tay ngồi lật, thì đọc một mạch hơn ba tiếng. Đọc chưa hết bài giảng thứ nhất, ông đã cảm thấy đó là một cuốn sách kỳ lạ. Nó giải thích được những câu hỏi mà ông trên con đường tìm đạo vẫn băn khoăn, những vấn đề mà ông vẫn ngờ ngờ không hiểu. Tại sao lại thế, tại sao mình sống trong đời này, tại sao vợ như thế, con như thế?

Sau đó ông bỏ vé và dùng khoảng hai tuần đọc hết chín bài giảng, cảm thấy trước nay mình sai bét rồi, mình bị mê mà không biết.

Sau nữa, ông bắt đầu “tu luyện”.

Bài thực hành rất đơn giản. Tu tức là tu tâm tính, theo nguyên lý của vũ trụ: chân thiện mỹ chân thiện nhẫn. Không phải so bản thân với người nọ người kia. Không so đạo đức của mình với ai đó. Tu tâm từ việc nhỏ đến việc to. Từ những thói quen trong sinh hoạt hàng ngày cho đến quan hệ với con người. Hướng đến sự tử tế, cái đẹp, đồng thời nhẫn với mọi người.

Về luyện: sách dạy có tám vạn bốn ngàn cách khác nhau. Người tập yoga, người đi bơi, người chạy bộ, nhưng cái quan trọng nhất là hít thở: từ bách hội đến đan điền, êm, chậm, sâu, đều.

Tối nào ông cũng chọn lúc cực kỳ tĩnh lặng để thiền, mỗi ngày hai cữ, mỗi cữ 40-60 phút. Hơn một năm sau ông bắt đầu cảm thấy thay đổi. Bệnh tật vô sự tự thông. Ý chí kiên cường hơn. Mắt nhìn rộng hơn. Và khả năng chấp nhận cao. Ông tổng kết: “Nhà tôi loạn lắm, nhà con loạn, mình cũng loạn, nhưng bình tĩnh rồi, nhẫn rồi thì cũng đâu vào đấy”.

Có vài thú vui

Nói chuyện phiếm về tình hình văn học nghệ thuật trong năm, Nguyễn Huy Thiệp bảo ông chỉ đánh giá cao “Góc phố danh vọng” và “Đêm hè sau cuối” của Nguyễn Phi Phi Anh. Nhà văn nhấn mạnh hai ý. Một: mọi người nên tôn trọng cậu ấy! Hai: nếu tôi là thủ tướng tôi sẽ cấp nhà cho Phi Anh!

Ông kể, lần đầu tiên gặp tác giả “Góc phố danh vọng”, ông chú ý vì Phi Anh khá lặng lẽ, không chủ động bắt chuyện với ai. Nguyễn Huy Thiệp đã tặng cậu cuốn kịch “Vong Bướm”.

“Ông vua truyện ngắn” sẽ lại viết tiểu thuyết ảnh 1

Các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp

Phi Anh mời ông đi xem cả hai vở, tác giả “Tướng về hưu” lưỡng lự mãi. Ông bảo đã mất hết hy vọng vào sân khấu Việt Nam. Xem những vở kịch người ta chuyển thể từ truyện của ông, “cảm thấy như bị làm nhục”.

Sau vì cả nể, nhà văn vẫn đi xem ủng hộ Phi Anh. Ông đánh giá cao “Góc phố danh vọng” vì nó có chất tự sự. Tự sự giống như hồi ký, giống như nói thật. Người có thể tự sự được là người phải chân thực, đồng thời cũng phải thông minh, khôn khéo chứ nếu chân thực quá thì mọi người sẽ cười hô hố, và thứ ba là phải tế nhị. Phi Anh có cả ba. Ông bảo: “Nhạc sĩ Dương Thụ chê “Góc phố danh vọng”, nói rằng chỉ xem tí là đi về. Bọn nhạc sĩ chỉ véo von thôi, có tự sự đâu. Tự sự đòi hỏi cái sâu hơn, cao hơn, từng trải hơn. Phi Anh mới 25 tuổi đã làm được như thế là quá giỏi”. Nguyễn Huy Thiệp cũng cho rằng, nếu có điều kiện thì kết hợp với Phi Anh, làm một cái gì đó cũng hay.

Nguyễn Huy Thiệp cho biết, sắp tới, ông sẽ viết phần hai cho cuốn tiểu thuyết “Bên rìa nước”. Cuốn thứ nhất gần 300 trang, có tinh thần thiền tông. Ông vẫn chủ trương không viết tiểu thuyết dày. Ông bảo: mọi người hay nói tu luyện đạo Phật nhưng tất cả rất mù mờ, không thiết thực. Ông sẽ viết về chuyện tu luyện theo kiểu tiểu thuyết giống như Tây Du Ký, để thông qua hình tượng người ta sẽ biết tại sao con người lại điên rồ thế này, hay thế này, buồn thế này… Và con người sống như thế là vì lẽ gì? “Cuốn sách sẽ có trẻ, có già, có cái nọ cái kia. Nhìn chung vẫn là đi tìm ý nghĩa cuộc sống. Tôi sẽ giải thích về tu, về luyện. Còn lĩnh hội được cái gì là tùy duyên của người đọc. Cũng giống như viết văn, một triệu người viết có khi chỉ có một vài người đắc đạo, cũng có khi chả có người nào”.

Nguyễn Huy Thiệp hiện có cuốn tiểu thuyết “đang chờ in” tên là “Bên rìa nước”, cuốn này đã được Édition de l’Aube (NXB tại Pháp đã dịch và in rất nhiều sách của Nguyễn Huy Thiệp) mua bản quyền.

MỚI - NÓNG