'Ông vua tiền cổ' xứ Kinh Bắc và kho tàng đồ sộ

Những đồng tiền xu cổ quý được anh Thạo giữ gìn rất cẩn thận.
Những đồng tiền xu cổ quý được anh Thạo giữ gìn rất cẩn thận.
Đang là một kỹ sư ngành thủy lợi, anh Nguyễn Văn Thạo (TP Bắc Ninh) quay ngoắt sang việc sưu tầm tiền cổ. Sau hơn 20 năm tìm kiếm, sưu tầm, anh Thạo đã sở hữu một khối lượng tiền cổ khổng lồ nặng gần 6 tấn.

Bộ tiền của anh như một cuốn sử thể hiện qua các thời kỳ của đất nước. Chẳng thế mà người ta vẫn gọi anh là "ông vua tiền cổ" đất Kinh Bắc.

Mê mẩn tiền cổ

Gặp anh Thạo "đại gia tiền cổ" chẳng bao giờ là dễ cả. Có những lúc anh khóa chặt cửa tỉ mẩn cả ngày chọn lọc tiền cổ trong nhà, khi lại lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm để săn tiền cổ. Nhiều lúc người ta lại bắt gặp anh trong bộ quần áo lao động đi tới các cửa hàng đồng nát hỏi mua tiền xu cũ.

Cơ duyên đến với tiền cổ của anh Thạo cũng thật tình cờ. Một lần vô tình đến làng Quan Đình, Quan Độ (thuộc huyện Yên Phong, Bắc Ninh), anh thấy rất nhiều người buôn đồng nát hì hụi cân tiền xu chất liệu bằng đồng bán. Hỏi ra mới biết những đồng tiền xu được người ta gom lại để bán sang Trung Quốc, loại nào xấu sẽ được dùng để đúc xoong.

Dù chưa hiểu gì về tiền cổ nhưng anh Thạo thấy tiếc, nếu không ai giữ lại chắc chắn những thế hệ sau không ai biết cha ông mình tiêu loại tiền gì. Lúc đó anh đã mua chỗ tiền xu ấy và còn dặn những chủ cửa hàng đồng nát nếu có nữa thì báo cho anh để anh mua. Cứ như vậy, ước mơ giữ gìn tiền cổ lớn dần lên trong anh. Anh bắt đầu thu mua hết các loại tiền xu mà các cửa hàng đồng nát bán.

Anh Thạo kể lại: "Cũng là may mắn với tôi, khi đó tiền xu rất rẻ, chỉ 10 đến 20 nghìn đồng/kg thôi. Tôi dặn dò những người thu mua đồng nát, cứ có là gọi tôi. Họ thường xuyên gọi bởi tôi trả giá cao hơn giá họ bán sang Trung Quốc". Anh bắt đầu thấy yêu, thấy sướng khi nhặt được trong đống tiền xu mua được những đồng đẹp, ưng ý. Niềm đam mê tiền cổ quá lớn, đang là kỹ sư ngành thủy lợi anh Thạo quyết định bỏ giữa chừng rong ruổi khắp nơi kiếm tìm tiền cổ. Khắp các tỉnh có nền văn hóa lâu đời, hễ nghe đâu có tiền cổ là anh tới. Từ Tây Bắc, Đông Bắc đến các vùng biển xa xôi không nơi nào anh không đặt chân tới.

Chẳng dễ dàng để từ bỏ một công việc thu nhập ổn định để chuyển sang cái nghề mà chẳng ai gọi là nghề lúc bấy giờ. Anh kể: "Đúng là để bỏ nghề lúc đó không phải đơn giản, bao nhiêu người trong gia đình ngăn cản, họ cho rằng tôi bị điên. Nhưng đã đam mê rồi thì không ai cản được".

Chiếc Minsk dã chiến được bọc xích theo anh khắp chốn, lần theo những đồng xu gỉ màu thời gian. Có lần nghe tin ở một bản của người Mông (Hà Giang) có người đào được chum tiền cổ, anh Thạo lên tìm cho kỳ được. Do lộ trình quá dài, lên đến nơi, trong người anh chỉ còn vài đồng bạc lẻ và dăm ba cân cá mắm mang theo. Anh Thạo chết mê chết mệt với chum tiền cổ mà già bản đào được. Anh nói khéo rồi năn nỉ trả giá nhưng đều nhận được cái lắc đầu. Biết rằng sở hữu được hũ tiền đó không phải là dễ, anh Thạo đành biếu nốt số cá mắm mang theo rồi trở về xuôi nghĩ cách. Biết bà con miền núi thích cá mắm, một tuần sau anh mang theo rất nhiều, mục đích để biếu và đổi lương thực ăn dần.

'Ông vua tiền cổ' xứ Kinh Bắc và kho tàng đồ sộ ảnh 1

Ngoài tiền xu cổ, anh Thạo còn sở hữu bộ sưu tập tiền giấy.

Thấy được tấm chân tình của anh Thạo, già bản đã gọi anh tới rồi nói tặng anh hũ tiền đó. "Lúc đó tôi không tin vào tai mình nữa. Tôi sung sướng đến nỗi không kiềm chế nổi, lao vào ôm chầm lấy già bản. Sau đó già bản giải thích lý do cho không tôi chỗ tiền ấy là vì thấy được sự chân tình và niềm khao khát của tôi. Bõ công những ngày tháng tôi miệt mài trèo đèo lội suối".

Một lần khác tại huyện Sơn Động (Bắc Giang), một gia đình đào móng làm nhà phát hiện chum tiền cổ. Chỉ nghe tin như vậy anh Thạo phi một mạch tới hỏi mua. Khi tới thì hũ tiền đó đã vỡ vụn, tiền xu trong đó cũng mất hết, chỉ rơi vãi vài đồng xung quanh. "Tôi đến đó thấy mà tiếc ngẩn ngơ, đành xin gia chủ nhặt mấy mảnh vỡ và dăm ba đồng xu còn rơi rớt. Chỉ vài đồng thôi cũng đủ quý lắm rồi. Đó là tiền xu quý thời loạn lạc triều nhà Mạc, loại đó cũng khó kiếm lắm".

Tiền cổ được mua về không phải loại nào anh cũng ưng ý, có thể trong một hũ tiền có rất nhiều loại khác nhau. Có những đồng anh đã có trong bộ sưu tập, có đồng còn đang tìm kiếm. Đêm nào anh cũng thức từ 23h giờ đêm cho tới 3h sáng để phân loại tiền. Có những loại anh biết nhưng cũng có những đồng tiền anh chưa nhìn thấy bao giờ. Những lúc ấy anh lại mang sách ra tra cứu hoặc gần đây thì lên mạng lần mò. Anh chia sẻ: "Hơn 20 năm nay, gần như ngày nào tôi cũng thức như thế để lọc tiền xu. Thời gian đó là yên tĩnh nhất để mình tập trung. Có khi trong cả tạ tiền mua về cũng không tìm được một đồng mình đang cần. Nói chung bây giờ chơi cũng có hội nên mình không có mà anh em khác có lại trao đổi với nhau. Chứ trước kia ít người chơi, khó khăn lắm".

Anh Thạo cười: "Nếu kể kỷ niệm hơn 20 năm rong ruổi "tìm tiền" thì không biết bao nhiêu ngày cho hết". Nhìn vào bộ sưu tập đồ sộ lên tới 6 tấn tiền xu cổ đủ các loại mệnh giá của từng triều đại từ thời nhà Đinh tới thời Bảo Đại đủ thấy công sức và tiền của anh Thạo bỏ ra hơn 20 năm qua lớn đến mức nào.

'Ông vua tiền cổ' xứ Kinh Bắc và kho tàng đồ sộ ảnh 2

Chiếc bình gốm cổ đựng số tiền xu quý được anh Thạo kỳ công sưu tầm.

Bộ sưu tập đồ sộ

Ngôi nhà khang trang tại thành phố Bắc Ninh của anh Thạo được ví như một kho tiền. Thế nhưng tiền lại được anh bày biện khắp nhà và chẳng mấy khi cần khóa cả. Anh đùa rằng, tiền của tôi chẳng tiêu được, chỉ chơi được thôi. Ai thích chơi tiền thì cứ vào. Trong giới chơi tiền cổ, anh Thạo được mệnh danh là "ông vua tiền cổ" xứ Kinh Bắc, với số lượng 6 tấn và gần như đầy đủ qua các thời kỳ từ Thái Bình Hưng Bảo (đồng tiền đầu tiên của triều nhà Đinh) đến Bảo Đại Thông Bảo của nhà Nguyễn. Không chỉ vậy, bộ sưu tập của anh Thạo còn thể hiện những nét khái quát bức tranh kinh tế xã hội của nước Việt qua các triều đại phong kiến cũng như trong giai đoạn xây dựng đất nước đến nay.

Anh Thạo chia sẻ: "Người sưu tập tiền phải có kiến thức về lịch sử. Bộ sưu tập ấy phải là một cuốn lịch sử, nhìn vào đó người ta sẽ hiểu được dòng chảy lịch sử của đất nước".

Từ một kỹ sư ngành Thủy lợi chuyển sang chơi tiền cổ, anh Thạo gặp không ít khó khăn. Theo như anh Thạo, thì hiện nay không có một hội đồng nào thẩm định giá trị hay thời kỳ của các đồng tiền cổ. Anh và hội chơi tiền cổ gần như là những người đầu tiên tìm hiểu về nó. Để hiểu được những đồng tiền ấy thuộc thời kỳ nào, giai đoạn nào ắt hẳn phải hiểu được chữ trên đó. Anh Thạo chia sẻ: "Chữ trên tiền cổ hầu hết là chữ Hán cổ, nhiều người học chữ Nho không đọc được. Tôi phải tự mày mò, tham khảo rất nhiều sách mới có thể dịch được chữ trên đó. Thế rồi còn phải nghiên cứu tài liệu, lịch sử mới có thể khẳng định được đó là tiền của thời kỳ nào".

Mới đây anh Nguyễn Văn Thạo được tổ chức Kỷ lục Việt Nam đề xuất kỷ lục "Người giữ và bảo vệ kho tiền cổ lớn nhất Việt Nam qua các thế kỷ". Bộ sưu tập đồ sộ này được thống kê có đầy đủ các mệnh giá tiền theo dòng chảy lịch sử Việt Nam từ những đồng tiền đầu tiên Thái Bình Hưng Bảo của triều đại nhà Đinh (968 - 980) đến đồng Bảo Đại Thông Bảo của vua Bảo Đại triều nhà Nguyễn (1926 - 1945), ông vua cuối cùng của thời kỳ phong kiến Việt Nam.

Không chỉ sưu tầm những loại tiền xu cổ thông thường lưu hành trong mỗi thời kỳ mà anh Thạo còn sưu tầm được cả những loại tiền vua ban thưởng. Đặc thù của những đồng xu đó là to hơn những đồng xu thông thường. Nó không chỉ có thể quy đổi ra tiền thông thường mà giá trị quy đổi còn rất cao. Bộ sưu tập tiền cổ của anh Thạo không chỉ dừng lại ở những đồng tiền xu mà nó còn tiếp tục kéo dài tới những đồng tiền giấy của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa những ngày đầu thành lập. Những hóa đơn, tem phiếu cũng được anh Thạo sưu tầm và in ép cẩn thận. Thậm chí những mệnh giá tiền bạc trong quân đội mới được phát hành mà chưa qua sử dụng cũng được anh sưu tầm. Anh Thạo chia sẻ: "Tôi dự định sắp tới sẽ hiến tặng một số mẫu tiền quý hiếm để trưng bày ở Bảo tàng tiền cổ Việt Nam khi bảo tàng này hoàn thành".

Bộ sưu tập của anh Nguyễn Văn Thạo được thống kê có đầy đủ các mệnh giá tiền theo dòng chảy lịch sử Việt Nam từ những đồng tiền đầu tiên Thái Bình Hưng Bảo của triều đại nhà Đinh (968 - 980) đến đồng tiền Bảo Đại Thông Bảo của vua Bảo Đại triều nhà Nguyễn (1926 - 1945), ông vua cuối cùng của thời kỳ phong kiến Việt Nam. Ngoài ra, bộ sưu tập của nhà sưu tầm Nguyễn Văn Thạo còn có bộ tiền giấy qua các thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thời kỳ chống Mỹ và bộ tiền thẻ, tiền thỏi bằng vàng, bạc quý giá khác.

Theo Phong Anh

Theo Cảnh Sát Toàn Cầu
MỚI - NÓNG