Ông Trump tiết lộ tin tình báo, chính trường Washington dậy sóng

Ảnh: AP
Ảnh: AP
TPO - Chính trường Mỹ tiếp tục dậy sóng sau khi tờ The Washington Post dẫn lời các quan chức giấu tên cáo buộc Tổng thống Mỹ Trump đã tiết lộ thông tin tình báo cho Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Đại sứ Nga tại Washington liên quan tới cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Đỉnh điểm của cuộc chiến này là gần một nửa số cử tri Mỹ muốn ông Trump phải bị luận tội. Điều này đã làm dấy lên một làn sóng đấu tranh giữa những người ủng hộ và những người phản đối ông Trump.

Những người phản đối ông Trump

Các nghị sĩ Đảng dân chủ là những người tích cực nhất trong việc kêu gọi luận tội ông Trump. Đa phần các nghị sĩ đảng Dân chủ cho rằng hành động của ông Trump là thiếu kỉ luật và cẩn trọng.

Phát biểu với báo giới, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Dick Durbin cho rằng việc Tổng thống Trump tiết lộ thông tin mật và nhạy cảm cho Nga là hành động không chỉ nguy hiểm mà còn liều lĩnh.

Nghị sĩ Durbin cho hay Tổng thống Trump có quyền được tiếp cận thông tin mật, song ông hy vọng các nghị sĩ Cộng hòa sẽ làm rõ với ông Trump rằng hành động trên đã làm tổn hại đến an ninh quốc gia. 

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ Bob Corker nhận định những cáo buộc trên là rất bất ổn nếu là sự thật. 

Nghị sĩ đảng Dân chủ Mark Warner thuộc Ủy ban Tình báo Thượng viện cho rằng việc tiết lộ các phương pháp và nguồn tin tình báo là không thể chấp nhận được, đặc biệt là với Nga. 

Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện, ông Chuck Schumer hối thúc Nhà Trắng công bố ngay lập tức nội dung gỡ băng cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và giới chức Nga với nhóm nghị sĩ đang điều tra cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm ngoái.

Đặc biệt, theo kết quả một cuộc thăm dò do công ty Public Policy Polling công bố ngày 16/5, 48% số người được hỏi nói rằng họ ủng hộ việc buộc tội Tổng thống Trump, trong khi chỉ có 41% phản đối việc này.

Ngoài ra, 45% nhận định nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump sẽ không kéo dài, trong khi 43% cho rằng ông Trump sẽ đảm đương đủ nhiệm kỳ 4 năm. Như vậy là, có tới gần một nửa số cử tri Mỹ muốn ông Trump phải bị luận tội. 

Những người ủng hộ ông Trump

Cho đến nay, chưa có nghị sĩ có tầm ảnh hưởng nào của Đảng cộng hòa lên tiếng ủng hộ việc luận tội Tổng thống Trump. Các tiếng nói ủng hộ ông Trump chủ yếu được phát ra từ chính đội ngũ cố vấn thân cận của ông.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Cố vấn An ninh Quốc gia H.R McMaster, Phó cố vấn An ninh Quốc gia về chiến lược Dina Powell đều lên tiếng khẳng định thông tin trên là sai lệch.

Ngoại trưởng Tillerson nêu rõ, trong cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Nhà Trắng hồi tuần trước, hai bên đã bàn về những nỗ lực và các mối đe dọa chung liên quan đến cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Trong cuộc trao đổi này, bản chất các mối đe dọa cụ thể đã được thảo luận, song hai bên không đề cấp đến các nguồn cung cấp thông tin hay phương thức và chiến dịch quân sự. 

Bà Powell cũng bác bỏ thông tin trên truyền thông, đồng thời nhấn mạnh Tổng thống Trump chỉ thảo luận về các mối đe dọa chung mà hai nước đối mặt.

Về phần mình, Cố vấn An ninh Quốc gia H.R McMaster, người cũng tham dự cuộc gặp trên, lại tuyên bố không hề có những nguồn tin và phương thức tình báo nào được nêu ra và Tổng thống Trump đã không bàn về các hoạt động quân sự nào chưa được công bố. 

Bên cạnh đó, các nghị sĩ đảng Cộng hòa lại quyết định chờ thêm thông tin trước khi bình luận về vụ bê bối mới nhất này của ông Trump. 

Theo đánh giá của các chuyên gia, vụ việc xảy ra trong bối cảnh Trump đang đối mặt với áp lực pháp lý và chính trị ngày càng tăng liên quan đến Nga.

Tuần trước, ông Trump bất ngờ sa thải giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) James Comey và bị nghi muốn cản trở cuộc điều tra của cơ quan này về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ.

Điều này cho thấy, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đối mặt với mộc cuộc khủng hoảng niềm tin sâu sắc ngay trong lòng nước Mỹ.

MỚI - NÓNG