Ông Putin tiết lộ lý do không dự hội nghị hạt nhân tại Mỹ

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Barack Obama. (Ảnh minh họa: Reuters).
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Barack Obama. (Ảnh minh họa: Reuters).
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua đã tiết lộ lý do không tới dự Hội nghị thượng đỉnh hạt nhân lần thứ 4 diễn ra tại Washington tuần trước mặc dù đích thân Tổng thống Mỹ Barack Obama đã mời.

Điện Kremlin trích dẫn lời Tổng thống Putin tại Diễn đàn truyền thông khu vực diễn ra ở St. Petersburg tuần này nói rằng: “Vâng, tôi đã được mời, người đồng cấp Obama đã đích thân mời tôi. Nói thật tôi không ngại tham dự, nhưng các chuyên gia của chúng tôi về lĩnh vực hạt nhân và Bộ Ngoại giao đã khuyến nghị tôi không nhất thiết phải tham dự”.

Ông Putin đã đưa ra 2 lý do cho việc từ chối lời mời. Thứ nhất là vì ông không hài lòng với vai trò thứ yếu của Nga tại một sự kiện "không chính thức" của Mỹ. Ông Putin nói: “Theo tôi, nội dung hội nghị được chia thành 5 nhóm, nhưng Nga chỉ được mời tham dự 1 nhóm. Một cường quốc hạt nhân như Nga không thể tham dự hoặc làm nền cho một sự kiện như vậy. Chúng tôi đã nói với các đối tác một cách trực tiếp và cởi mở về điều này từ cách đây rất lâu”.

Thứ hai là do Washington đã không phá hủy kho plutonium như thỏa thuận, ông Putin cho biết. “Chúng tôi đã ký kết hiệp định và nhất trí rằng những vật liệu này cần phải được phá hủy ở quy mô công nghiệp và phải xây dựng cơ sở hạ tầng chuyên biệt. Chúng tôi đã hoàn thành nghĩa vụ của mình, nhưng Mỹ thì không”, ông nói.

Theo thỏa thuận năm 2000 và Nghị định thư sửa đổi năm 2010, Mỹ và Nga cam kết sẽ phải tiêu hủy ít nhất 34 tấn plutonium. Vào thời điểm ký kết, Nhà Trắng ước tính, cơ sở để tiêu hủy vật liệu này của Mỹ dự kiến sẽ hoạt động vào năm 2016. Tuy nhiên do chi phí phát sinh buộc Ủy ban an toàn hạt nhân quốc gia Mỹ phải lùi tiến độ dự án.

Hội nghị thượng đỉnh hạt nhân toàn cầu lần thứ 4 diễn ra hôm 31/3 và 1/4 tại Washington của Mỹ với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao tới từ 52 quốc gia, Liên hợp quốc, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Liên minh châu Âu và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.