Ông Putin muốn giúp Mỹ theo dõi tình hình Afghanistan?

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh hoạ: Sputnik
Ảnh minh hoạ: Sputnik
TPO - Việc Mỹ và NATO vội vã rút khỏi Afghanistan đã làm dấy lên lo ngại ở Moscow về tình hình an ninh của các đồng minh Trung Á trong bối cảnh Taliban tiếp tục “thừa thắng xông lên”.

Tờ Kommersant của Nga đưa tin Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden “đã thảo luận về khả năng trao đổi thông tin về cuộc xung đột ở Afghanistan” trong cuộc gặp thượng đỉnh ngày 16/6 ở Geneva.

Trong cuộc thảo luận, ông Putin được cho là đã đề xuất sử dụng các căn cứ của Nga ở Tajikistan và Kyrgyzstan để cung cấp cho Mỹ những thông tin thu được bằng máy bay không người lái.

Theo một nguồn tin, Mỹ "hiện vẫn chưa đưa ra câu trả lời rõ ràng".

Tờ Kommersant không cung cấp thêm thông tin về bất kỳ "sự phối hợp" nào khác có thể có giữa hai nước về vấn đề Afghanistan.

Bình luận về thông tin này, thư ký báo chí của Tổng thống Nga - Dmitry Peskov xác nhận với RBC rằng tình hình ở Afghanistan đã được hai lãnh đạo thảo luận trong hội nghị thượng đỉnh tháng Sáu. Tuy nhiên, ông Peskov không bình luận về việc liệu cuộc thảo luận có bao gồm đàm phán về các căn cứ ở Trung Á của Nga hay không.

Đại diện của Mỹ tại Afghanistan - Zalmay Khalilzad cũng không đưa ra bình luận nào về báo cáo này.

Nga có sự hiện diện quân sự dày đặc ở Tajikistan, một trong những nước láng giềng phía bắc của Afghanistan. Tajikistan là thành viên Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO, có trụ sở tại Moscow, Nga).

Thủ đô Dushanbe của Tajikistan là nơi đặt căn cứ quân sự số 201. Căn cứ này có ít nhất 7.000 quân, vài trăm xe tăng, xe thiết giáp chở quân, ít nhất một tiểu đoàn máy bay không người lái trinh sát Orlan-10, hệ thống phòng không S-300 và hơn một chục máy bay, bao gồm cả trực thăng và máy bay tấn công mặt đất.

Trong khi đó, tại căn cứ Không quân Kant ở Kyrgyzstan, có khoảng 500 binh sĩ Nga, máy bay Su-25, trực thăng Mi-8 và đội máy bay không người lái Orlan-10. Kyrgyzstan có biên giới với Tajikistan nhưng không có biên giới chung với Afghanistan.

Sputnik trước đó đã đưa tin về kế hoạch của Mỹ, trong đó Washington mong muốn được đưa quân và thiết bị sơ tán từ Afghanistan đến một quốc gia láng giềng - có thể là một trong những nước cộng hòa Trung Á. Uzbekistan, không phải là thành viên của CSTO, nhưng vẫn duy trì quan hệ an ninh với Moscow, đã chỉ ra rằng họ sẽ không cho phép quân đội Mỹ đóng quân tại nước này. Tajikistan đã không tiếp nhận quân đội Mỹ kể từ năm 2001. Ở phía nam Afghanistan, đồng minh truyền thống của Mỹ là Pakistan cũng đã loại trừ việc triển khai các lực lượng Mỹ.

Tuần trước, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho biết Mỹ vẫn đang "ráo riết" và "hăng hái" tìm kiếm các phương án về nơi đóng quân để giải quyết các mối đe dọa tiềm tàng từ Afghanistan. Ông Kirby tiết lộ nếu không làm được việc này, Mỹ sẽ tận dụng các thiết bị hiện đại để thực hiện các cuộc tấn công từ xa.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng Moscow có kế hoạch hợp tác với Bắc Kinh và Washington để giải quyết xung đột Afghanistan thông qua các cuộc đàm phán, bao gồm cả với Taliban.

Một phái đoàn của Taliban đã đến thăm Moscow vào đầu tháng này, và nói với các phóng viên rằng nhóm này sẽ không cho phép bất kỳ hành động khiêu khích nào nhằm vào các nước láng giềng Trung Á.

Taliban hứa sẽ kiềm chế hoạt động buôn bán heroin của Afghanistan và nhấn mạnh Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sẽ không được phép hoạt động trong những khu vực mà Taliban kiểm soát.

Theo Sputnik
MỚI - NÓNG