Lời chào tạm biệt của chủ nhà Nhật Bản đã được truyền đi thông qua Lễ bế mạc Olympic Tokyo kéo dài trong gần 4 tiếng. Giống như Lễ khai mạc, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chương trình được đơn giản hóa, với số lượng hạn chế người tham dự và không mở cửa cho khán giả. Với chủ đề của Lễ bế mạc là “Worlds We Share”, Ban tổ chức (BTC) đã nêu cao tinh thần Olympic và thể hiện ý tưởng rằng “mỗi người đều sống trong thế giới của riêng mình. Chúng ta sẽ chia sẻ điều đó, cùng nhau đoàn kết lại, cùng vượt qua khó khăn”. “Lúc này đây, tôi nghĩ chúng ta đã có thể tự tin nói rằng, chúng ta đã trải qua một kỳ Thế vận hội rất thành công… Tôi cho rằng đây là thời điểm thích hợp để một lần nữa, chúng ta đoàn kết lại, mang đến niềm tin và hy vọng không chỉ cho cộng đồng Olympic mà còn cho toàn thế giới”, Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach chia sẻ.
Bảng xếp hạng huy chương Olympic Tokyo (tốp 10 nước đứng đầu) |
Từ khi Olympic Tokyo chính thức khởi tranh ngày 23/7, khoảng 11.000 VĐV đến từ hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới tranh tài với những quy định khắt khe về phòng chống dịch COVID-19, như xét nghiệm hằng ngày, hạn chế di chuyển… Bên ngoài Làng VĐV Olympic, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, với số lượng ca mắc ở mức cao kỷ lục 5.048 người được ghi nhận vào ngày 6/8, tăng hơn gấp đôi so với thời điểm trước khi Thế vận hội bắt đầu. Trong khi đó, BTC báo cáo chỉ có tổng cộng 430 trường hợp mắc COVID-19 liên quan đến Olympic, trong đó có 29 VĐV. Ông Bach nói: “Tôi chưa bao giờ nghi ngờ về công tác chuẩn bị của nước chủ nhà, BTC và người dân Nhật Bản. Tokyo là thành phố đăng cai có sự chuẩn bị tốt nhất từ trước tới nay và thực tế diễn ra đã cho thấy điều này là đúng”.
Sau khi Chủ tịch IOC tuyên bố bế mạc Olympic Tokyo, BTC trao cờ đăng cai Thế vận hội cho Pháp. Kỳ Olympic kế tiếp sẽ diễn ra vào năm 2024 ở Paris.
Những cuộc tranh tài đặc biệt
Olympic Tokyo 2020 phải đối mặt nhiều khó khăn và thách thức từ đại dịch COVID-19 và nhiều yếu tố khác, nhưng để lại nhiều dư vị khó quên. Kỳ Thế vận hội đặc biệt trong lịch sử đã diễn ra với nhiều cuộc tranh tài đặc biệt.
Chúng ta đã chứng kiến những nữ VĐV chuyển giới đầu tiên thi đấu tại Olympic. Đó là Laurel Hubbard (New Zealand - cử tạ), tiền vệ Quinn (Canada - bóng đá). Siêu sao TDDC Simone Biles rút lui khỏi nhiều nội dung cá nhân làm dấy lên tranh cãi về sức khỏe tinh thần của các VĐV. Tay vợt số 1 thế giới người Serbia Novak Djokovic đã thất vọng đập vợt, sau thất bại trong việc giành HCV Olympic đầu tiên, qua đó bỏ lỡ cơ hội trở thành tay vợt đầu tiên trong lịch sử giành được Golden Slam. Sự khác biệt lớn nhất trong kỳ Thế vận hội lần này là hầu hết các cuộc thi được tổ chức mà không có khán giả cổ vũ, nhưng điều đó cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến tinh thần thi đấu của các VĐV. Nhà vô địch thế giới 7 môn phối hợp Katarina Johnson-Thompson dính chấn thương và gục ngã trên đường chạy 200m, nhưng từ chối chăm sóc y tế để tập tễnh tiến về đích. Bên cạnh đó, còn có những sự yêu thương, sẻ chia nêu cao tinh thần cao thượng của Olympic. Hai VĐV điền kinh Isaiah Jewett (Mỹ) và Nigel Amos (Botswana) cùng dìu nhau đứng dậy sau khi va chạm nhau và ngã ở bán kết 800m. Hai VĐV nhảy cao Gianmarco Tamberi (Italy) và Mutaz Barshim (Qatar) ôm nhau ăn mừng vui sướng và đồng ý chia sẻ tấm HCV, một tình huống hy hữu trong lịch sử Olympic.
Olympic là đấu trường tôn vinh sức trẻ, với sự xuất hiện của các thiếu niên như VĐV bơi 15 tuổi người Mỹ Katie Grimes, nhà vô địch trượt ván 13 tuổi Nhật Bản Momiji Nishiya hay HCV nhảy cầu 14 tuổi Quan Hongchan của Trung Quốc. Bên cạnh đó, bất chấp tuổi tác, nhiều VĐV vẫn thi đấu mạnh mẽ, cống hiến và đầy khát vọng, miệt mài theo đuổi giấc mơ giành huy chương. Đó là VĐV 66 tuổi ở môn cưỡi ngựa Mary Hanna (Australia), VĐV TDDC 46 tuổi Oksana Chusovitina (Uzbekistan)... Và chắc chắn, trong ngày hội thể thao lớn nhất thế giới, không thể không nhắc đến những màn trình diễn máu lửa, những cá nhân xuất sắc cùng với những kỷ lục được thiết lập. Trên đường đua xanh, nam kình ngư Mỹ Caeleb Dressel thi đấu 6 nội dung, giành 5 HCV, phá 4 kỷ lục Olympic và 2 kỷ lục thế giới. Ở nội dung của nữ, Emma McKeon của Australia giành 4 HCV, trong đó có 2 HCV cự ly hấp dẫn là 50m và 100m tự do. Tại môn thể thao nữ hoàng, Thompson-Herah (Jamaica) giành tới 3 HCV ở những nội dung hấp dẫn nhất của điền kinh: 100m, 200m và tiếp sức 4x100m. Chân chạy Sifan Hassan (Hà Lan) lập cú đúp HCV ở 10.000m và 5.000m, cùng với đó là HCĐ 1.500m nữ.
Đây cũng là kỳ Thế vận hội của những ngôi sao đã thành danh như Allyson Felix (Mỹ - điền kinh), Katie Ledecky (Mỹ - bơi), Sydney McLaughlin (Mỹ - điền kinh), hay “ông hoàng” marathon Eliud Kipchoge (Kenya - điền kinh)... bổ sung huy chương vào bộ sưu tập đồ sộ của mình.
Kết thúc ngày thi đấu cuối cùng, hôm qua, Mỹ giành ngôi nhất toàn đoàn với 39 HCV, 41 HCB và 33 HCĐ. Đây là lần thứ 10 trong lịch sử và là lần thứ 3 liên tiếp Mỹ nhất toàn đoàn tại một kỳ Olympic. Dù vậy, số HCV mà Mỹ giành được ở Olympic 2020 vẫn kém xa 2 kỳ Thế vận hội gần nhất, cùng 46 HCV ở Olympic 2016 và 2012. Đoàn thể thao Việt Nam đã khởi hành về nước ngày 4/8 và đang cách ly y tế. Đây là kỳ Thế vận hội mà đoàn thể thao Việt Nam không giành được huy chương nào.