Khi Kasia Galazka, nhân viên marketing 31 tuổi ở Atlanta, Mỹ nghe tiếng còi xe hơi, cô có cảm giác mình đang bị ai đó chích điện. “Tôi không thường xuyên nói về điều này, bởi sẽ có ai đó nghĩ tôi phóng đại hay phàn nàn”. Nhưng thực ra Galazka không phải quá nhạy cảm, mà chỉ là mới bắt đầu cảm nhận được hậu quả của những âm thanh không mong đợi sớm hơn rất nhiều người khác.
Hủy hoại tế bào cơ thể
Tạp chí Harper’s Bazaar của Mỹ cho hay, theo một nghiên cứu về các bệnh do môi trường sống được công bố năm 2017, ô nhiễm âm thanh là mối nguy lớn thứ hai đối với sức khỏe cộng đồng, chỉ sau ô nhiễm không khí. Ô nhiễm âm thanh khiến con người bất an, lo lắng hơn và điều nguy hại tiềm tàng là ung thư, bệnh tim mạch, béo phì và nhiều bệnh khác bị tình trạng ô nhiễm âm thanh làm cho trầm trọng hơn. “Tiếng ồn có liên hệ qua lại với tình trạng căng thẳng thần kinh và điều này khiến các mô tế bào bị hủy hoại”, tiến sỹ Bart Kosko thuộc đại học Nam California, tác giả công trình nghiên cứu nói. Theo cơ chế tự nhiên, để phản ứng với những tiếng động lớn, cơ thể chúng ta tiết ra adrenalin, cortisol, và những hormone giúp giảm căng thẳng, cũng giống như khi chúng ta đánh lộn hay chạy trốn ai đó. Những hormone này được sản sinh cấp thời trong quá trình não và cơ thể căng thẳng sẽ có tác động cấu trúc lại não bộ, khiến các khối u gia tăng sự phát triển, nguy cơ tim mạch tăng cao, gây rối loại hô hấp… “Ngày nay, cơ thể chúng ta thường xuyên tiết ra các hormone căng thẳng trước tiếng còi xe hơi, tiếng chuông điện thoại, tiếng còi hụ cảnh sát, tiếng nối trên loa phóng thanh…”, tiến sỹ Kosko nói.
Có vô số các nghiên cứu trước đó củng cố lập luận của ông. Một nghiên cứu của các nhà khoa học Hy Lạp cũng được công bố trong năm 2017 cho thấy đối với những người sống gần sân bay, cứ mỗi 10 decibel tiếng ồn tăng lên khi máy bay hạ cánh vào ban đêm, nguy cơ tăng huyết áp lại gia tăng đáng kể. Tổ chức Y tế thế giới đã công bố các số liệu cho thấy sự liên hệ giữa tiếng ồn của môi trường sống với tình trạng suy giảm nhận thức, rối loạn giấc ngủ, ù tai, các bệnh về suy nhược thần kinh. Ở Đức, tiếng ồn giao thông là nguyên nhân của hơn 1.600 vụ nhồi máu cơ tim mỗi năm, theo một nghiên cứu. Vấn đề nghiêm trọng khi rất nhiều người nằm trong vòng nguy cơ: 40% dân số của Liên minh châu Âu thường xuyên phải chịu đựng tiếng ồn từ giao thông ở mức trên 55 decibel, trong khi chỉ cần ở mức 30 decibel cũng đủ khiến bạn khó ngủ hoặc không thể tập trung học tập.
Kẻ thù của hệ tim mạch
Ngoài hệ thần kinh, tiếng ồn đô thị còn tấn công hệ tim mạch của chúng ta. Tạp chí Time cho hay, nhiều nghiên cứu đã ghi nhận mối liên hệ của ô nhiễm tiếng động với chứng tăng huyết áp. Các nhà nghiên cứu của đại học Johannes Gutenberg ở Đức nói sống trong môi trường ô nhiễm âm thành khiến nguy cơ bị xơ vữa động mạch tăng cao, do cơ thể phải tiết ra kháng chất để “sống chung” với các loại tiếng động không mong muốn. (Hiện tượng này không chỉ xuất hiện ở người: các nhà khoa học Nhật Bản đã chứng minh cá khi bị bắt lên bờ, nếu bị giữ tươi sống cho đến khi làm món ăn thì trong quá trình ấy, cơ thể cá sẽ sản sinh những hoạt chất, hậu quả của tình trạng căng thẳng, khiến chất lượng thịt cá giảm đáng kể, khi chết sẽ rất nhanh bị ươn. Đó cũng là lý do ngư dân Nhật thường giết cá ngay khi vừa đánh bắt lên bờ).
Tiếng động có sức tàn phá ghê gớm dù thầm lặng. Bác sỹ Thomas Munzel, chủ nhiệm công trình nghiên cứu về tiếng ồn của đại học Johannes Gutenberg nói hệ thần kinh của chúng ta bị tàn phá vì âm thanh ngay cả khi chúng ta quen với những âm thanh ấy. Khi chúng ta ngủ, âm thanh vẫn có khả năng tác động đến hệ thần kinh dù ta không bị thức giấc hoặc nhận thấy giấc ngủ bị gián đoạn. “Người ta có thể nhắm mắt nhưng không thể bắt tai dừng tiếp nhận âm thanh, ông Munzel nói. “Cơ thể chúng ta luôn phản ứng với âm thanh, dù ta có nhận thức được điều ấy hay không”.