Ô nhiễm sông Cầu

Ô nhiễm sông Cầu
TP - Sông Cầu nói chung và đoạn chảy qua tỉnh Thái Nguyên nói riêng đang báo động về tình trạng ô nhiễm môi trường. Con sông nên thơ trước đây, nay đang “nghẹt thở” bởi vẫn phải hứng chịu nước thải công nghiệp, y tế, sinh hoạt.

Nước thải đổ ra sông

Theo Sở Tài nguyên & Môi trường Thái Nguyên, lưu vực sông Cầu chảy qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên dài khoảng trên 60km. Trong đó, đoạn qua thành phố Thái Nguyên đang bị ô nhiễm, bởi các nhà máy, xí nghiệp xả nước thải ra sông.

Một trong những “thủ phạm” làm cho nguồn nước sông Cầu bị ô nhiễm là các cơ sở luyện kim, cán thép, chế tạo thiết bị máy móc trên địa bàn, với tổng lượng nước thải hơn 16.000 m3/ngày. Riêng khu công nghiệp gang thép Thái Nguyên mỗi năm có hơn 1,3 triệu m3 nước thải được đổ ra sông Cầu. Nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất gang thép chứa nhiều chất ô nhiễm độc hại như dầu mỡ, phenol, xianua...

Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, lưu vực sông Cầu bị ô nhiễm nặng bởi trên 2.000 doanh nghiệp sản xuất hoá chất, luyện kim, chế biến thực phẩm, xây dựng… thuộc các tỉnh, thành như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội. Khoảng 200 làng nghề nấu rượu, sản xuất đồ gốm, mạ kim loại, sản xuất giấy, tái chế phế thải…; hằng trăm cơ sở khai khoáng, tuyển quặng cũng xả nước thải ra sông. Chất lượng nước hệ thống sông Cầu ở hầu hết các địa phương đều không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Nước sông đục, màu đen và có mùi. Đoạn sông chảy qua khu công nghiệp gang thép Thái Nguyên chất rắn lơ lửng (SS), vượt tiêu chuẩn cho phép.

Lưu vực sông Cầu đoạn chảy qua TP Thái Nguyên còn bị ô nhiễm bởi nước thải sinh hoạt, y tế và dầu thải của các tàu cuốc khai thác cát trái phép. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND phường Quang Vinh (TP Thái Nguyên), do đặc thù phần lớn diện tích phường được bao bọc bởi sông Cầu và suối Mổ Bạch nên người dân ở đây chịu tác động trực tiếp bởi ô nhiễm môi trường và biến đổi dòng chảy.

Giải pháp nào?

Nhằm giải quyết thực trạng trên, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu (viết tắt là Ủy ban sông Cầu) (do Chủ tịch UBND của một trong 6 tỉnh: Bắc Cạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương làm Chủ tịch luân phiên) đã được thành lập.

Trong 3 năm qua, Sở TN-MT Thái Nguyên đã xử lý xong 8 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tiếp tục đưa một số cơ sở mới vào danh sách đen. Đồng thời, tổ chức Hội nghị “Doanh nghiệp, doanh nhân với dòng sông quê hương” nhằm tôn vinh, khen thưởng những đơn vị có thành tích trong công tác bảo vệ môi trường.

Theo số liệu quan trắc trong quý I năm 2011, chất lượng nước sông Cầu hiện nay đã tương đối được cải thiện, tuy nhiên nguy cơ gia tăng ô nhiễm vẫn cao. Hiện nay, tiến độ xây dựng Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt (tại Gia Sàng, TP Thái Nguyên) còn chậm so với kế hoạch đề ra. Khi nhà máy này đi vào hoạt động sẽ thu gom và xử lý được trên 50% lượng nước thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố. Ông Dương Văn Khanh - Giám đốc Sở TN-MT Thái Nguyên cho biết: “Tới đây, chúng tôi tiếp tục thực hiện các chương trình, kế hoạch của Ủy ban sông Cầu, trong đó nhiệm vụ chủ yếu là tập trung vào công tác thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh trên lưu vực sông. Đặc biệt là tập trung xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Từ 1/7/2024, áp quy định giá tối đa sách giáo khoa
Từ 1/7/2024, áp quy định giá tối đa sách giáo khoa
TPO - Bộ GD&ĐT vừa có chỉ đạo về việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo đối với năm học mới 2024 -2025. Trong đó thông tin, đơn vị đang phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu quy định giá tối đa sách giáo khoa để thực hiện từ ngày 1/7/2024.