Nước sao Hỏa có thể giải mã nguồn gốc sự sống Trái Đất

Phát hiện mới về nước trên sao Hỏa được hy vọng sẽ cung cấp manh mối về sự sống trên Trái Đất. Ảnh: NASA.
Phát hiện mới về nước trên sao Hỏa được hy vọng sẽ cung cấp manh mối về sự sống trên Trái Đất. Ảnh: NASA.
Nghiên cứu chất lỏng ở bề mặt sao Hỏa có thể giúp các nhà khoa học giải mã nguồn gốc hình thành sự sống trên Trái Đất. 

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) hôm 28/9 tuyên bố có dòng nước mặn chảy trên bề mặt sao Hỏa dựa trên bằng chứng về sườn đồi bị xói mòn do dòng nước muối chảy qua vào mùa nóng, cùng sự biến mất và xuất hiện trở lại của chúng theo các thời điểm khác nhau trong năm.

Thông tin và kiến thức về khoáng vật học trên sao Hỏa được đánh giá là bước đột phá lớn trong nghiên cứu khoa học vũ trụ. Các kết quả này có thể chứng tỏ rằng môi trường trên hành tinh này từng rất ẩm ướt và thuận lợi cho sự sống của vi khuẩn, mở ra cơ hội tìm kiếm manh mối về quá trình hình thành sự sống trên Trái Đất, theo Newsweek.

Nước sao Hỏa có thể giải mã nguồn gốc sự sống Trái Đất ảnh 1

Dòng nước chảy theo mùa trên sao Hỏa. Ảnh: NASA.

Hiểu biết của con người về nguồn gốc sự sống trên Trái Đất rất hạn chế, bởi hoạt động địa chất trên hành tinh của chúng ta luôn diễn ra mạnh mẽ thông qua các mảng kiến tạo. Những loại đất đá cổ xưa có thể mang bằng chứng về sự hình thành của vi khuẩn trên Trái Đất đều đã bị biến dạng và chịu tác động hóa học của các quá trình kiến tạo.

Các chuyên gia cho rằng cho cơ hội khám phá sự sống trên Trái Đất có thể bắt đầu từ những kết quả nghiên cứu sao Hỏa. Bằng chứng về nước trên sao Hỏa cổ đại chỉ ra rằng cách đây hàng tỷ năm, Trái Đất và hành tinh đỏ có nhiều điểm tương đồng. Tuy nhiên trên sao Hỏa, mảng kiến tạo ngưng hoạt động rất sớm và các loại đá từ thời kỳ này đều giữ nguyên cho đến ngày nay.

Việc kiểm tra chúng một cách chi tiết có thể tiết lộ bằng chứng sự sống trên sao Hỏa. Nhưng dù sự sống có từng hình thành trên hành tinh này hay không, các dấu vết hóa học trên đá sao Hỏa cũng sẽ mở ra manh mối về các quá trình hóa hữu cơ đầu tiên trên Trái Đất.

Các nhà khoa học biết rằng sao Hỏa từng trải qua thời kỳ rất thuận lợi cho sự sống phát triển, nhưng nó đã biến thành một hành tinh lạnh giá, đất khô cằn từ cách đây khoảng ba tỷ năm, biến nước thành dạng băng vĩnh cửu. Với phát hiện mới của NASA, chúng ta biết rằng trên bề mặt sao Hỏa có những khu vực ẩm ướt chứa nước mặn, và rất có thể chúng đã tồn tại qua thời kỳ đóng băng của sao Hỏa.

Những nghiên cứu về môi trường cổ đại và mẫu vật thu về từ sao Hỏa có thể giúp chúng ta trả lời câu hỏi về việc sự sống từng thực sự tồn tại trên hành tinh này hay không. Nếu các vi sinh vật đơn giản từng xuất hiện, chúng rất có thể vẫn tồn tại trong nguồn nước mặn dưới bề mặt đến ngày nay.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG