Phép thử của Triều Tiên trước Mỹ
Do biết được Tổng thống Mỹ Donald Trump rất cần cuộc gặp thượng đỉnh với Triều Tiên để củng cố niềm tin và uy tín chính trị trong nước, cũng như do thấy được ông Trump là người "đã từng có nhiều nhượng bộ" trước Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un dọa hủy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều là một nước cờ có toan tính nhằm thử phản ứng của Mỹ.
Các chuyên gia về quan hệ Mỹ-Triều cho rằng, tuyên bố dọa hủy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều được cho là phép thử của ông Kim đối với ông Trump, người mặc dù tuyên bố có khả năng giải quyết tuyệt vời nhưng lại phạm phải một trong những sai lầm cơ bản nhất của bất kỳ nhà đàm phán nào.
Trên thực tế, việc ông Trump đạt được một thỏa thuận với Triều Tiên, điều đó đồng nghĩa với một chiến thắng chính trị to lớn đối với ông, người đang mơ tưởng đến việc giành giải Nobel Hòa bình.
Mục đích của ông Kim là giúp Bình Nhưỡng có được sự nhượng bộ nào đó từ đối phương kèm theo những lợi ích kinh tế và chính trị nhưng lại chỉ đưa ra sự nhượng bộ nhỏ nhặt hoặc chỉ là lời hứa suông.
Thực ra, chính quyền Bình Nhưỡng chỉ giả vờ bất ngờ phẫn nộ đối với cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc bởi Bình Nhưỡng đã biết rằng cuộc tập trận đã diễn ra.
Trên thực tế, vào tháng 3 vừa qua, ngay sau khi thăm Bình Nhưỡng, cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc đã cho biết trong một thông báo rằng, “Ông Kim hiểu rằng các cuộc tập trận quân sự chung thường niên giữa Mỹ và Hàn Quốc phải được tiếp tục. Và ông Kim bày tỏ mong muốn gặp Tổng thống Trump càng sớm càng tốt”.
Vẫn tiếp tục tham gia thượng đỉnh tại Singapore
Dù Triều Tiên đưa ra những tuyên bố có thể đẩy cuộc gặp cấp cao dự kiến diễn ra ngày 12/6 tới với Tổng thống Mỹ Donald Trump tới nguy cơ đổ vỡ song giới chuyên gia cho rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhiều khả năng vẫn sẽ tới Singapore gặp ông Trump để bàn thảo về các vấn đề hạt nhân với Triều Tiên.
Nhà nghiên cứu về vấn đề Triều Tiên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, ông Lisa Collins cho rằng, tuyên bố của Bình Nhưỡng không phải là điều gì gây gạc nhiên. Trên thực tế, đây chỉ là một chiến thuật đàm phán của Triều Tiên. Bởi Bình Nhưỡng đã từng làm như vậy khá nhiều lần trong quá khứ để tăng vị thế của mình trước các cuộc đàm phán. Và ông Kim nhiều khả năng vẫn tới Singapore để gặp ông Trump.
Trong khi đó, ông Joel Wit, nhà nghiên cứu cấp cao hiện đang làm việc cho Viện Đông Á Weatherhead của Đại học Columbia cho rằng, động thái trên của Triều Tiên là chiến thuật gia tăng căng thẳng trước đàm phàn. Với mục đích là tăng sức ép lên Washington để buộc ông Trump phải có sự nhượng bộ nhất định trước vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Giáo sư tại Học viện Ngoại giao Hàn Quốc Kim Hyun-wook nhận định, việc Triều Tiên dọa rút khỏi cuộc gặp với Mỹ chỉ là một chiến thuật ngoại giao. Đồng thời, chiến thuật này là “chính sách bên miệng hố chiến tranh nhằm thay đổi quan điểm của Mỹ”.
Việc Triều Tiên có quyết định rút khỏi các cuộc gặp đã được dự kiến với Mỹ hay không vẫn còn phải chờ xem.
Tuy nhiên, động thái này của Triều Tiên dường như chứng tỏ chính quyền Bình Nhưỡng đang cố gắng xác định lại các điều khoản của cuộc thảo luận sắp tới xét trong bối cảnh Tổng thống Trump vừa rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran.