Nữ Trưởng đài triệu phú

Chị Lợi (bên trái) chăm sóc đàn gà công nghiệp thương phẩm mới 5 ngày tuổi. Ảnh: Duy Ngợi.
Chị Lợi (bên trái) chăm sóc đàn gà công nghiệp thương phẩm mới 5 ngày tuổi. Ảnh: Duy Ngợi.
TP - Ngoài công việc của một Trưởng đài phát thanh xã, chị Nguyễn Thị Lợi, sinh năm 1987 ở thôn Đồng Bồ, xã Đông Xuân (Quốc Oai, Hà Nội) tận dụng thời gian nhàn rỗi để xây dựng mô hình trang trại tổng hợp với doanh thu nửa tỷ đồng mỗi năm.

Dám nghĩ, dám làm

Là người con của bản Mường ở huyện Lương Sơn, Hòa Bình nghèo khó, tốt nghiệp THPT, Lợi thi vào Khoa Văn hóa, Trường CĐSP Hòa Bình. Ra trường năm 2008, chị về làm cán bộ phụ trách văn hóa ở Phòng Văn hóa huyện Lương Sơn. Cũng trong năm ấy, xã Đông Xuân sáp nhập về huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội. Từ một cán bộ văn hóa huyện, chị Nguyễn Thị Lợi được chuyển công tác trên cương vị của một trưởng đài phát thanh xã.

Thời gian đầu, chị Lợi gặp không ít khó khăn nhưng qua những lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ và tính ham học hỏi nên dần dần chị đã làm quen và hoàn thành nhiệm vụ của một trưởng đài.

Năm 2009, chị Lợi xây dựng gia đình. Nhận thấy công việc của một trưởng đài xã cũng tương đối nhàn rỗi và sẵn có đất đai rộng, lại được tham quan, học hỏi một số mô hình làm giàu của bạn bè, chị Lợi bàn với chồng gom hết vốn liếng, vay Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 100 triệu đồng để mở trang trại nuôi gà công nghiệp thương phẩm.

Xã Đông Xuân là một xã miền núi xa xôi nhất của huyện Quốc Oai với đa phần người Mường sinh sống, điều kiện bà con còn gặp nhiều khó khăn nên khi thấy vợ chồng chị Lợi xây dựng mô hình trang trại nuôi gà, không ít người ái ngại, lạ lùng. 

Chị Lợi cho biết: “Ban đầu, bố mẹ chồng của mình cũng có 40 con bò sữa nhưng hồi đó, giá sữa tụt thê thảm nên phải bán rẻ đàn bò sữa. Sau khi học hỏi kinh nghiệm và tìm hiểu thị trường, tập tính sinh học của từng vật nuôi, mình quyết định nuôi gà công nghiệp thương phẩm”.

Hiện giờ, chị Lợi đang tiến hành trồng 6 sào rau sạch thử nghiệm, nuôi dê sinh sản và đào ao thả cá. Trong thời gian tới, cùng với chăn nuôi gà thương phẩm, trồng rừng, vợ chồng chị còn mở rộng diện tích trồng rau sạch, nuôi lợn thịt để tăng thu nhập và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Bắt tay vào việc, kinh nghiệm chưa có nên thời gian đầu chị phối hợp với một công ty tư nhân để có nguồn giống, thức ăn và ổn định được đầu ra. Theo chị, giống gà này đạt trọng lượng nhanh, vòng đời ngắn, 50 ngày có thể xuất chuồng nên trong một năm có thể nuôi được 5 - 6 lứa. Và đặc biệt, thị trường tiêu thụ gà công nghiệp rất lớn từ hộ gia đình, sinh viên, trường học, khu công nghiệp nên chị rất tự tin về đầu ra cho sản phẩm của mình. Chị Lợi cho biết, nuôi gà quan trọng là phải chăm sóc rất kỹ lưỡng, nhất là 20 ngày đầu vì thời gian này gà rất dễ mắc bệnh. Muốn gà phát triển tốt, thịt ngon cũng cần chú ý đến liều lượng thức ăn qua từng giai đoạn sinh trưởng. Lứa gà đầu tiên nuôi 4.000 con thành công, có doanh thu đáng kể nhưng vợ chồng chị nhận thấy vẫn phải phụ thuộc vào công ty cung ứng quá nhiều, lại thụ động về con giống, đầu ra nên sau một năm hợp tác, chị quyết định làm độc lập. “Ra làm ngoài, mình tự tìm con giống, thức ăn. Hơn nữa, qua một năm phối hợp làm cùng công ty, mình cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm và tìm được nhiều bạn hàng để đảm bảo được đầu ra cho sản phẩm”, chị Lợi khẳng định.

Niềm tự hào của bản Mường

Chăn nuôi gà công nghiệp thương phẩm cho lãi cao, nhận thấy đất rừng gia đình rộng, khi bón phân gà thấy cây phát triển nhanh, chị lại mua thêm nhiều cây giống gồm keo, tre, luồng, quế về trồng. Hiện giờ, vợ chồng chị đã phủ xanh được 6,5 ha đồi trọc. Nhờ có diện tích rừng này, vợ chồng chị không phải lo lắng về lượng phân thải khi nuôi gà.

Chị Lợi chia sẻ: “Mỗi lứa gà nuôi tầm 5.000 con, dịp cao điểm lên tới 7.000 con nên lượng phân gà thải ra rất lớn, mình đã dùng lượng phân gà để bón cho cây rừng, vừa giúp cây sinh trưởng tốt, lại giảm được ô nhiễm môi trường”.

Với mô hình trang trại tổng hợp này, trừ chi phí mỗi năm vợ chồng chị Lợi thu lãi 500 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với thu nhập 3 triệu đồng/tháng cùng nhiều lao động thời vụ. Ngoài công việc của một trưởng đài phát thanh xã, chị Lợi còn là ủy viên Ban thường vụ Đoàn xã nên song song với việc tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, tư vấn con giống, vay vốn cho thanh niên chị còn giới thiệu các mô hình phát triển kinh tế giỏi của đoàn viên, thanh niên trong cả nước trên đài phát thanh để thanh niên và bà con nhân dân trong xã cùng học tập. 

Nhiều năm liền, gia đình chị Nguyễn Thị Lợi được nhận danh hiệu “Hộ sản xuất, kinh doanh giỏi” cấp huyện. Đặc biệt, tháng 9 vừa qua, chị vinh dự được là một trong 9 nhà nông trẻ xuất sắc của thành phố Hà Nội được nhận giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng.

Anh Bùi Văn Sâm, Phó Bí thư Đoàn xã Đông Xuân chia sẻ: “Bên cạnh trách nhiệm của trưởng đài phát thanh xã, chị Lợi còn có nhiều sáng kiến để đưa phong trào đoàn của địa phương ngày một đi lên. Với mô hình trang trại tổng hợp, chị đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương và luôn chia sẻ kinh nghiệm giúp nhiều đoàn viên, thanh niên trong xã có hướng đi đúng đắn trong việc xây dựng, phát triển kinh tế”.

MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.