Nữ già làng hiếm hoi ở Tây Nguyên

Nữ già làng hiếm hoi ở Tây Nguyên
TP - Nữ già làng Y Xúc bất chợt... đỏ mặt: “Từ bé tới giờ có bao giờ mình nghĩ sẽ lại làm già làng đâu, ngôi vị già làng phải dành cho cánh đàn ông chớ! Vậy mà dân làng vẫn nhất quyết bầu mình...”.
Nữ già làng hiếm hoi ở Tây Nguyên ảnh 1
Nữ già làng Y Xúc

Các buôn làng gần xa của người Ba Na, Xê Đăng, Gia Rai, Brâu hay Giẻ Triêng thuộc tỉnh Kon Tum cực bắc Tây Nguyên hầu hết đều có nhà Rông văn hóa nằm ngay chính giữa làng, bao bọc xung quanh nhà Rông là nhà ở của người dân.

Nhà Rông là điểm vui chơi sinh hoạt, hội họp... Mái nhà Rông có hình lưỡi rìu chọc thẳng lên bầu trời cao nguyên, dáng vóc vững vàng bề thế như là sự che chở cho các tộc người, cư dân vùng sơn cước...

Gắn với mỗi buôn làng đều có một vị già làng đầy uy tín, cuộc đời họ thường gắn với nhiều chiến công hiển hách, giỏi giang hơn người và được người làng nể trọng, tôn vinh...

Tôi đã đi hầu khắp các buôn làng ở tỉnh Kon Tum, già làng mà tôi gặp đều là đàn ông. Đàn ông luôn hiện thân cho sức mạnh, lòng quả cảm, không chỉ trong quan niệm của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, mà còn ngay cả với người Kinh.

Với các tộc người Tây Nguyên, già làng thường là những bậc cao niên, hiểu biết rộng, uyên thâm, am hiểu về phong tục tập quán và là tấm gương sáng, mẫu mực để mọi người học tập, noi theo.

Nhưng lần đầu tiên trong đời tôi bất ngờ và may mắn được gặp một... nữ già làng! Đó là già làng Y Xúc ở làng Vắk Y Nhoong, xã Đăk Ring, huyện Kon PLông, tỉnh Kon Tum.

Cho đến thời điểm hiện nay, bà Y Xúc là người phụ nữ đầu tiên nắm giữ chức “già làng” mà tôi biết được.

Theo chân ông A Dũng - Bí thư Đảng ủy xã Đăk Ring, tôi đến nhà nữ già làng Y Xúc. Đường đi phải trèo qua núi, mây mù giăng kín lối đi. Chúng tôi sốt ruột ngồi chờ mãi, tới tận khi trời đã nhá nhem tối, gà đã vào tổ, nữ già làng Y Xúc mới lọ mọ từ trên đỉnh núi về.

Không như tưởng tượng ban đầu của tôi về một vẻ nghiêm nghị, nữ già làng mặc chiếc váy dân tộc truyền thống, nở nụ cười đôn hậu, gương mặt hiền từ, đôi mắt sáng vẻ đầy thẳng thắn cương trực.

Tôi nóng lòng hỏi ngay về “bảng thành tích” mà già làng có được. Già làng khiêm tốn: “Thành tích có gì đâu! Cũng như nhiều người con của dân tộc K’Dong ở Đông Trường Sơn này, thời chống Mỹ đều tình nguyện xung phong lên đường nhập ngũ, làm liên lạc, vận tải lương thực, vũ khí, đạn dược cho bộ đội. Tròn 14 tuổi, mình tham gia cách mạng, được phân công làm cán bộ phụ vận tại huyện H29 (nay là huyện Kon PLông)...” .

Dừng một lúc, già làng nhìn vào cánh rừng xa xăm đã bao phủ  màn đêm, rồi nhỏ giọng kể tiếp: “Chồng mình là A Hòa hy sinh năm 1967 tại ngọn núi kia kìa. Sống với nhau được 7 năm, có với nhau 3 mặt con. Anh ấy là người dân tộc H’Rê, ở làng Nước Lò, xã Đăk Ring này luôn...”.

Nữ già làng hiếm hoi ở Tây Nguyên ảnh 2

Bỗng già làng quay sang tôi: “Đánh giặc khó thật đấy, nhưng nếu gan dạ, khôn khéo và quyết tâm thì cũng đánh thắng thôi. Cái bụng đói, siêng năng, cần cù lao động sẽ có cái ăn thôi...

Còn học cái chữ sao già thấy khó quá đi mất! Bây giờ tụi trẻ con trong làng làm gì cũng làm được, nhưng tụi nó vẫn “sợ” học cái chữ nhất.

Hôm trước họp làng, già tuyên bố: “Tụi trẻ con, thanh niên phải tích cực học cái chữ, không đứa nào được phép bỏ học, gia đình nào để con cái nghỉ học làng sẽ phạt... Tụi nhỏ sợ bị phạt nên đi học đều lắm, không dám tự ý nghỉ học như trước đây.

Muốn để lũ làng nghe và làm theo mình, thì mình phải gương mẫu cái đã, chính từ đó già nuôi dạy ba người con ăn học nên người. Con trai đầu là A Đích hiện đang là Trưởng Công an xã, nó đảng viên rồi đó! Con gái Y Đông đang làm cán bộ phụ nữ xã...”.

Nghe tôi đề cập về cái “chức” già làng được người dân bầu chọn, già làng bất chợt... đỏ mặt: “Từ bé có bao giờ mình nghĩ sẽ lại làm già làng đâu. Ngôi vị già làng phải dành cho cánh đàn ông chớ! Vậy mà dân làng vẫn nhất quyết bầu mình.

Họ còn bảo, mình bầu Xúc làm già làng vì Y Xúc là bộ đội Cụ Hồ mà! Cái chân đi nhiều nơi, cái bụng hiểu biết nhiều thứ, cái miệng nói có tình, có lý nên cái tai cũng muốn nghe điều hay lẽ phải mà Xúc nói... nên bầu Xúc làm già làng thôi!”.

Già làng Y Xúc kể tiếp: “Ban đầu lo lắm, nhưng cái bụng nghĩ sao mình làm vậy, mình phải công bằng, phải làm gương. Điều trước hết là kiên quyết không để gia đình thiếu đói, phải tích cực lao động và còn phải biết hướng dẫn bà con trong buôn làng biết cách thức làm ăn..."

Già làng giơ cái đốt tay nhẩm tính: “Vậy là mình đã làm già làng Vắk Y Nhoong này tới 15 năm rồi đấy!”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Xuân Truyền - Chủ tịch UBND huyện Kon PLông nhận xét:

“Già làng Y Xúc là một người có năng lực, có khả năng tuyên truyền vận động người dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước rất tốt, nhất là giải quyết hài hòa, thấu tình đạt lý khi nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp trong làng. Già là người có công lớn trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và định canh, định cư...”

MỚI - NÓNG