Vai diễn phảng phất ký ức tuổi thơ
Dù chốt lịch hẹn cuối buổi sáng, nhưng khi tôi đến Nhà hát Kịch Việt Nam vẫn phải đợi tới xế trưa mới gặp được diễn viên Trung Anh. Hôm đó, anh tham gia vai chính trong vở diễn tốt nghiệp lớp đạo diễn của một đồng nghiệp trong Nhà hát. “Đã nhận lời với đồng nghiệp từ trước nên tôi không thể tham dự Liên hoan phim lần này. Thấy rất tiếc, nhưng việc của đồng nghiệp không thể dừng được nên đành chịu”- diễn viên Trung Anh cho biết.
Trung Anh xưa nay luôn giữ chữ tín trong công việc. Khi được hỏi: “Anh có bất ngờ khi đoạt giải lần này?”, Trung Anh cười: “Cũng có chút bất ngờ vì trước Liên hoan có một số vai diễn của đồng nghiệp cũng được đánh giá cao”. Tuy nhiên, qua trò chuyện, mới hay vai diễn Thập trong phim “Những đứa con của làng” đưa Trung Anh tới giải thưởng nam diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim 19 là xác đáng. Nhân vật Thập trong phim có số phận, tính cách gai góc, hiện là trưởng một ngôi làng của miền Trung. Trong ông luôn bị ám ảnh bởi câu chuyện diễn ra năm 1965, khi tên xã trưởng bất ngờ dẫn lính nguỵ về đánh sập cầu rồi giết một nửa dân làng mình trên một khúc sông. Nhiều năm sau, cây cầu được xây lại, nhưng bị dở dang vì thiếu tiền. Đúng lúc đó, con trai tên xã trưởng năm xưa về làng, tình nguyện bỏ nốt kinh phí để làm lại cây cầu, nhưng ông Thập không đồng ý. Từ đó, câu chuyện xây tiếp hay bỏ dở cây cầu luôn ám ảnh ông Thập...“Tôi thích cái tứ của phim, là nên hay không việc khép lại quá khứ, vì tương lai? Để chuyển tải ý tưởng này, nhân vật Thập rất quan trọng, vì làm thế nào thuyết phục được người xem là điều không đơn giản”- NSƯT Trung Anh cho biết.
“Có thứ nghiện hay, có thứ nghiện dở. Bản thân tôi thì nghiện sân khấu”.
Nghệ sỹ Trung Anh
Vì thế, khi nhận vai Thập, Trung Anh yêu cầu phải có thời gian để chuẩn bị. Trong 3 tháng, anh tập hút thuốc rê, nói tiếng miền Trung, cách đi khập khiễng của nhân vật... Trước khi phim bấm máy nửa tháng, Trung Anh vào Quảng Trị trước để làm quen với bối cảnh, người dân trong đó. Trong quá trình quay, anh gầy và đen hơn, trông càng thêm khắc khổ. Khi quay xong, xem lại các cảnh, có chỗ Trung Anh vẫn chưa hài lòng về mình. Đó là lý do khiến anh có đôi chút bất ngờ khi nhận giải thưởng Liên hoan phim năm nay.
Trò chuyện với Trung Anh, tôi thấy chuyện đời của ông Thập có chút gì đó phảng phất giống một phần đời thực của nam diễn viên. Đó là vào năm 1968, khi Trung Anh 7 tuổi, một trận bom Mỹ ném xuống Hà Tĩnh đã giết chết mẹ, dì ruột và chị gái của anh. Trung Anh khi đó nằm dưới hầm nên thoát chết. Anh cho biết: “Lúc đó, do còn quá nhỏ nên tôi chưa thể hiểu nhiều về bi kịch của gia đình. Thấy nhiều người đến nhà, tôi ra ngoài đứng trên một quả đồi rồi nhìn mọi người vào viếng mà chưa nhận thức rõ đó là viếng những người thân yêu nhất của mình”. Rồi Trung Anh kể, sau đám tang, anh mới thấy xung quanh mình không còn ai vì khi đó bố đang công tác tại Hà Nội. Hồi đó, việc báo tin là rất khó khăn nên Trung Anh quyết ra Hà Nội tìm bố. Anh theo một số người trong họ ra Hà Nội, giờ nghĩ lại không thể nhớ mình đã đi tới nơi như thế nào, mất bao nhiêu thời gian. Trong ký ức, anh nhớ nhất hai chuyện trên đường đi. Thứ nhất, khi vượt sông La, thuyền anh ngồi bị lật, may được các chú bộ đội cũng vượt sông tới cứu kịp. Thứ hai, một lần đi trên đường, Trung Anh gặp một đoàn bộ đội hành quân cùng chiều. Một chú lại gần hỏi chuyện, rồi cúi xuống cõng Trung Anh. Khi mỏi, chú bộ đội lại chuyền cho đồng đội cõng, và cứ thế những người lính chuyền lưng cõng Trung Anh cả đoạn đường dài, tới một ngã rẽ mới để anh xuống. “Cả đời tôi không quên được chuyện buồn diễn ra năm 1968 khi người thân mình mất. Đến khi đọc kịch bản “Những đứa con của làng” với cuộc thảm sát rùng rợn khiến tôi rất xúc động, như thấy phảng phất chuyện buồn của mình trong đó”- NSƯT Trung Anh cho biết.
Tranh: Nguyễn Xuân Hoàng.
Những vai khắc khổ đa chiều
Ngày đó, bố Trung Anh làm hành chính tại Nhà hát kịch Việt Nam. Sống cùng bố, Trung Anh được thoải mái xem kịch. Năm 1978, có người bảo Trung Anh: “Sắp tới Nhà hát tuyển diễn viên đấy, cháu thi xem sao”. Thấy nghề diễn cũng hay nên Trung Anh quyết định thi. Bố anh biết chuyện đã ngăn không cho con dự tuyển. Chẳng là thời đi học Trung Anh rất nghịch ngợm, nên bố anh sợ con trai trúng tuyển sẽ mang cái hư vào Nhà hát. Sau khi được một số diễn viên Nhà hát khuyên cứ để Trung Anh thi, bố anh nghiêm khắc nói với con trai: “Nếu được tuyển vào Nhà hát thì đừng làm xấu mặt bố”.
Trung Anh chia sẻ, tuy được xem kịch từ bé rồi nộp đơn thi, nhưng bảo khi đó mình đã yêu kịch chưa thì nói thực là chưa. Tất cả lúc đó chỉ là muốn phá cách ở tuổi 17. Nhưng câu nói trên của bố đã có tính quyết định để Trung Anh thay đổi. Hơn nữa, giám khảo khi đó đều là những diễn viên nổi tiếng của Nhà hát như Thế Anh, Đoàn Dũng, Bích Thu, Trọng Khôi... nên không thể thiếu nghiêm túc khi thi. Đến khi trúng tuyển, Trung Anh học tập chăm chỉ, và bắt đầu yêu sân khấu, yêu nghề diễn. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp được hơn một tuần, Trung Anh đã cùng với một số bạn đồng môn như Quốc Khánh, Đỗ Kỷ, Trọng Trinh được gọi nhập ngũ. Sau hai năm ở biên giới trở về Nhà hát, anh có đôi chút hụt hẫng vì chưa bắt kịp trở lại với nghề. Khi đó, Trung Anh đã định đi xuất khẩu lao động, nhưng rồi ma lực của ánh đèn sân khấu đã níu anh lại.
Đến nay, gắn bó với sân khấu đã hơn 30 năm, Trung Anh có nhiều vai diễn hay như Kép Đinh trong vở “Kiếp đoạn trường”, Trần Cảnh trong “Mỹ nhân và anh hùng”... Anh được phong NSƯT cách đây đã chục năm. Tuy nhiên, Trung Anh vẫn chưa được nhiều người biết đến vì sân khấu miền Bắc ít khán giả. Phải đến khi anh tham gia một số phim truyện nhựa, đặc biệt là phim truyền hình thì Trung Anh mới trở thành một gương mặt thân quen. Anh thường được các đạo diễn mời đóng các vai có đời sống khắc khổ, có chiều sâu nội tâm. “Khi lên hình, các vết nhăn trên mặt tôi trở nên rõ nét hơn. Các đạo diễn thấy điều đó nên cứ vai diễn nào khắc khổ lại mời tôi tham gia”- Trung Anh cho biết. Tuy nhiên, dù nhận vai chính hay phụ, Trung Anh đều đọc kỹ kịch bản, hình dung rõ tính cách nhân vật để có diễn xuất phù hợp. Anh quan niệm, nhân vật có thể thay đổi về hành động trong khoảnh khắc nào đó, nhưng tính cách phải nhất quán. Trong phim “Những công dân tập thể”, thấy nhà thơ Xuân Ngô do mình thủ vai thiếu nhất quán về tính cách, anh đã góp ý với đạo diễn để nhân vật có tính điển hình hơn. Trong phim “Hôn nhân trong ngõ hẹp” được phát sóng gần đây, Trung Anh cũng góp ý với đạo diễn để vai ông Minh bớt nhỏ nhen, nhất quán hơn. Thế nên, dù đóng đinh với những vai diễn khắc khổ, nhưng các nhân vật của Trung Anh không giống nhau, có số phận.
Diễn viên Trung Anh và Thanh Quý trong phim “Hôn nhân trong ngõ hẹp”.
Dù tham gia phim trường, nhưng Trung Anh vẫn coi sân khấu là nguồn cội, là nơi anh thuộc về. “Trước đây, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn có viết vở kịch “Ma tuý trong mỗi người”, đề cập trong mỗi chúng ta đều có thứ nghiện. Có thứ nghiện hay, có thứ nghiện dở. Bản thân tôi thì nghiện sân khấu” - Trung Anh nói. Vì thế, những năm qua, dù sân khấu gặp nhiều khó khăn nhưng Trung Anh vẫn không từ bỏ. Thậm chí, có thời gian do không hài lòng với Ban giám đốc cũ, Trung Anh đã từ bỏ vai trò quản lý trong Nhà hát, nhưng vẫn không chuyển đi nơi khác mà ở lại làm diễn viên thường.
Có một “tuổi thơ dữ dội”, lại chuyên đóng vai khắc khổ, nhưng cuộc sống hiện nay của Trung Anh rất hạnh phúc. Anh lập gia đình muộn, hai con giờ chưa tốt nghiệp phổ thông, nhưng nhờ sự đảm đang của người vợ mà gia đình luôn yên ấm. “Hồi mới quen nhau, có lần sang nhà chơi, tình cờ tôi thấy cô ấy lưu giữ một số bài báo, hình ảnh của mình. Làm khác nghề, nhưng vợ tôi đồng cảm với công việc của chồng, luôn quán xuyến mọi việc trong gia đình để tôi có thể yên tâm theo đuổi nghiệp diễn”- NSƯT Trung Anh cho biết.
Đóng cặp với những “bà chị”
Gặp Trung Anh ngoài đời, thấy anh trẻ hơn nhiều so với trên phim. “Cứ lên hình là tôi lại bị già, nên có một số đạo diễn để tôi đóng cặp với những diễn viên lớn tuổi hơn” - Trung Anh cho biết. Đến nay, anh đã đóng cặp với những diễn viên đàn chị như Minh Châu, Diệu Thuần, Thanh Hiền, và gần đây là Thanh Quý. Trong phim “Nếp nhà”, diễn viên Minh Châu dù hơn tới dăm tuổi nhưng trông vẫn trẻ trung, còn Trung Anh lại già hơn. Còn ở “Hôn nhân trong ngõ hẹp”, thấy mình đóng cặp vợ chồng với Trung Anh, Thanh Quý nói: “Tôi hơn tuổi, nhập vai sợ bị lệch”. Trung Anh cười: “Chị yên tâm, lên hình em sẽ già hơn cho mà xem”. Đến khi quay thử, xem lại thấy Trung Anh già hơn thật, Thanh Quý mới yên tâm vai diễn không bị vênh. “Khó ai có thể diễn vai vợ ông Minh tốt hơn Thanh Quý. Chị diễn có hồn, nhập vai rất ngọt”- Trung Anh nói.