Chúng tôi không nói tất cả những địa phương xây dựng nông thôn mới đều xảy ra tiêu cực, tham nhũng. Việc này là trách nhiệm giám sát của các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội của địa phương. Nhưng lý giải ra sao với con số nợ đọng trên 15.200 tỷ đồng của cả nước (chưa tính Đồng Nai vì chưa báo cáo) trong việc xây dựng cơ bản theo chương trình nông thôn mới?
Lý giải ra sao với sự hăm hở “chạy đua” nông thôn mới của lãnh đạo nhiều địa phương (thậm chí có nơi như ở Bạc Liêu, cán bộ còn mang tiền tỷ trong nhà đi cho “ngân sách” vay để “làm” nông thôn mới).
Cả nước huy động được khoảng 263.130 tỷ đồng từ các nguồn lực để thực hiện chương trình nông thôn mới, trong đó ngân sách trung ương bố trí trên 7.370 tỷ đồng. Có nghĩa là tiền huy động từ các nguồn khác, trong đó có phần quan trọng là đóng góp từ người dân và các doanh nghiệp. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói “cười ra nước mắt” khi xem xét cung cách “làm nông thôn mới” ở một số xã, huyện.
Không thể không cười ra nước mắt khi có nơi, lãnh đạo còn xin “nợ tiêu chí” để được công nhận xã nông thôn mới trước, để rồi “phấn đấu sau”. Lý giải sao đây với thực tế này?Người dân địa phương liệu có cảm thấy một danh hiệu xã nông thôn mới là sát sườn, là niềm tự hào, khao khát cao đến mức phải “xin” được “ứng trước”như vậy không? Câu hỏi này quá dễ tìm câu trả lời: cứ gặp dân địa phương là rõ ngay.
Vì sao nợ đọng xây dựng cơ bản lại cao? Có phải vì lãnh đạo các địa phương đều ưu tiên cơ sở hạ tầng, là những thứ cái đập vào mắt, thấy nhãn tiền, là “phần cứng”? Và cũng là cái “có làm mới có ăn”? Còn những thứ khác như nâng cao thu nhập, bảo đảm môi trường, an toàn thực phẩm... đều là những thứ thuộc dạng “phần mềm”, nhưng người dân quan tâm nhiều nhất, mang lại lợi ích thiết thực nhất, sát sườn nhất thì ở đâu cũng kêu khó đạt.
Mà kể cả đạt tiêu chí thì cũng không có nghĩa là mọi chuyện đã xong. Nhà văn hóa, trạm xá, trường học xây lên có thể hư hại sau ít năm, đường có thể xuống cấp sau vài mùa, môi trường hôm nay ổn nhưng mai có thể bị ô nhiễm.
Nông thôn mới là chủ trương đúng đắn, nhưng đang rất cần những cách làm mới, để nông thôn thực sự mới.