Cố đấm ăn xôi?

TP - Nghe những quảng cáo về xe buýt nhanh (BRT-bus rapid transit), chắc hẳn nhiều người sẽ có ý nghĩ, giá mà thành phố ta có được chúng thì hay biết mấy:

BRT có sức chuyên chở lớn, mỗi chuyến xe thường chở gấp đôi một xe buýt thông thường vì được “nối toa”, tốc độ lại cao (có thể đạt trên 20km/h) vì được vận hành trên làn đường riêng biệt, hệ thống ga đơn giản và tiện dụng, chí phí thấp hơn nhiều nếu so với việc xây dựng hệ thống tàu điện ngầm hay đường sắt trên cao. Ra đời từ năm 1974 và cho đến nay, trên thế giới đã có hơn 150 thành phố áp dụng hệ thống xe BRT.

Nói như thế để thấy rằng, BRT thực ra là chỉ mới ở ta nhưng cũ ở xứ người. Kinh nghiệm xây dựng và triển khai BRT đã có nhiều. Tuy nhiên, Hà Nội, một thành phố ngày càng trở nên đông đúc và chật chội với đủ loại phương tiện cá nhân, đã lên kế hoạch xây dựng các tuyến BRT từ hàng chục năm trước để rồi cho đến nay vẫn chưa có tuyến BRT nào hoàn thiện và được đưa vào sử dụng. 

Có dự kiến đưa vào vận hành BRT vào năm 2015 nhưng đến nay, những dấu hiệu rõ nhất chỉ là một số nhà chờ của BRT được xây dựng trên một số tuyến phố đông đúc như Láng Hạ hay Nguyễn Trãi vẫn để đó… 

Một số chuyên gia đã cho rằng nhìn vào sơ đồ bố trí các tuyến xe BRT thấy ngay sự bất hợp lý và nguy cơ BRT gây ùn tắc là rất lớn, mặc dù chúng được kỳ vọng ra đời để giải quyết ùn tắc. 

Ai đã có dịp tham quan các tuyến BRT ở Bắc Kinh hay Quảng Châu (Trung Quốc) hay thủ đô Jakarta của Indonesia, Bogota của Colombia… đều nhận thấy BRT bao giờ cũng được bố trí tại các đại lộ thoáng đãng, có đủ điều kiện để bố trí đường riêng, bến đỗ hợp lý. 

Chắc chắn những người lên kế hoạch đưa BRT áp dụng ở thủ đô Hà Nội, bao gồm không ít các chuyên gia đầu ngành giao thông - hoàn toàn biết những điều kiện cơ bản để một tuyến xe BRT ra đời. 

Họ chắc cũng hiểu khi áp những tiêu chuẩn này vào thực tế cơ sở hạ tầng giao thông ở Hà Nội nói chung và những tuyến phố dự kiến đưa BRT vào hoạt động sẽ có sự vênh, lệch, báo hiệu một rắc rối mới với phương tiện nửa buýt nửa tàu điện này. 

Nhưng vì sao các dự án với những bất cập đã được báo trước đó vẫn cứ được tiến hành? Có điều gì thực sự ở phía sau dự án BRT để những người thực hiện dự án có vẻ “cố đấm ăn xôi”? Liệu đây có phải là hậu quả của một cung cách làm ăn thiếu tầm nhìn, chắp vá hay còn lý do ngoắt ngoéo nào khác nữa?

MỚI - NÓNG
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
TPO - Đơn vị vận hành tuyến metro số 1 dự kiến từ ngày 1/1/2025 đến ngày 9/1/2025 sẽ hoàn thành tính năng đọc thẻ căn cước, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip quét thẻ tại thiết bị đầu đọc ở các cổng soát vé để đi tàu điện metro số 1 trong giai đoạn miễn phí.