Nông sản hết thời 'ăn xổi'

0:00 / 0:00
0:00
DN, hợp tác xã cần xây dựng vùng trồng chất lượng, tiêu chuẩn, không thể làm kiểu "ăn xổi" như trước
DN, hợp tác xã cần xây dựng vùng trồng chất lượng, tiêu chuẩn, không thể làm kiểu "ăn xổi" như trước
TP - Theo các chuyên gia, trong bối cảnh dịch bệnh, các thị trường siết chặt tiêu chuẩn nhập khẩu nông sản. Để tránh việc các lô hàng bị trả về, doanh nghiệp cần chuyển nhanh sang việc xây dựng các vùng trồng chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, không thể “ăn xổi” như trước.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Sở Công Thương tỉnh Sơn La cho biết, năm 2021 tổng diện tích nhãn trên địa bàn toàn tỉnh đạt hơn 19.200 ha với sản lượng ước đạt khoảng 113.000 tấn. Trong đó, có khoảng 2.200 ha nhãn được cấp mã số vùng trồng, đảm bảo đủ các tiêu chuẩn về chất lượng cho xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, châu Âu (EU) Mỹ, Úc…

Theo vị này, thời gian qua, Trung Quốc siết chặt các quy định nhập khẩu làm ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu nông sản. Để gỡ đầu ra cho nông sản, Sơn La xác định tìm các thị trường mới thay thế. Vừa qua một số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu thanh long ruột đỏ sang Liên bang Nga. Dù thị trường này còn mới, nhưng cũng là tín hiệu tốt để nông dân yên tâm sản xuất, nhất là trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sản lượng rau quả của Việt Nam đạt tiêu chuẩn GlobalGap, VietGap vẫn còn thấp. Nhiều loại nông sản chưa được quản lý từ gốc về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, phân bón, mã vùng trồng nên vẫn khó xuất bán khi thị trường biến động.

Đối với nhãn, vào cuối tháng 7, tỉnh này đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn Sơn La” để hướng tới các thị trường xuất khẩu khó tính. Đến thời điểm này, Sơn La xuất khẩu được khoảng 156 tấn nhãn sang thị trường EU và Mỹ. Các DN trên địa bàn tỉnh tăng thêm công suất để chế biến, đơn đặt hàng tương đối nhiều, nhờ vậy giá bán nhãn ở mức tương đối cao.

Ông Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở NN&PTNT Hưng Yên cho biết, năm nay, Hưng Yên có khoảng 4.800 ha nhãn với sản lượng ước đạt 50.000 - 55.000 tấn. Đến nay, toàn tỉnh có 15 vùng trồng nhãn xuất khẩu; trong đó có 2 vùng trồng nhãn được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Mỹ; 13 vùng được cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc. Ngoài ra, tỉnh này còn có khoảng 3.800 ha cây có múi, 2.400 ha chuối…được trồng theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap.

Theo ông Tuân, hiện giá thu mua nhãn tại vườn để phục vụ xuất khẩu ở Hưng Yên khoảng 25 - 30 nghìn đồng/kg.

Ông Vũ Ngọc Cảnh, Giám đốc Cty Cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Fusa cho biết, vừa qua, công ty bắt đầu xuất khoảng 60 tấn nhãn sang thị trường châu Âu, EU, Vương quốc Anh và được khách hàng đánh giá rất tốt.

Không thể “ăn xổi”

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, tiềm năng xuất khẩu nông sản của Việt Nam…hiện vẫn rất lớn. Trong 7 tháng đầu năm, bất chấp khó khăn do dịch bệnh, giá xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 2,3 tỷ USD (tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái).

Trong đó, xuất khẩu rau quả tới thị trường Trung Quốc đạt 1,3 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu lớn tiếp theo là Mỹ đạt 134 triệu USD; Hàn Quốc đạt 96,2 triệu USD; Nhật Bản đạt 93,6 triệu USD...

Theo ông Nguyên, trong bối cảnh hàng loạt các hiệp định thương mại tự do vừa có hiệu lực, các doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội từ các thị trường…

Để tận dụng được cơ hội, các doanh nghiệp, hợp tác xã, địa phương… phải chuyển mình thực sự. Dịch COVID-19 khiến các thị trường có thể thay đổi tiêu chuẩn bất cứ lúc nào. Sản lượng rau quả của Việt Nam đạt tiêu chuẩn GlobalGap, VietGap vẫn còn thấp. Nhiều loại nông sản chưa được quản lý từ gốc về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, phân bón, mã vùng trồng nên vẫn khó xuất bán khi thị trường biến động.

“Vừa qua, thị trường Trung Quốc siết chặt các tiêu chuẩn nhập khẩu, nhiều lô hàng Việt Nam không đáp ứng được là vì thế. Chúng ta cần chuyển nhanh sang việc xây dựng các vùng trồng chất lượng, tiêu chuẩn, không thể làm kiểu ăn xổi như trước”, ông Nguyên nói.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhận định, qua việc kết nối cung ứng, tiêu thụ nông sản hiện nay tại các tỉnh, thành phố phía Nam, hầu hết nông sản có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP hay các chứng nhận chất lượng tương đương hoặc cao hơn khi đăng ký nguồn cung qua tổ công tác đều được kết nối tiêu thụ thành công. Thậm chí, nhiều mặt hàng có chứng nhận chất lượng VietGAP còn không đủ hàng để bán. Do vậy, các địa phương cần nhanh chóng xây dựng vùng trồng đạt chứng nhận chất lượng trong nước và quốc tế.

MỚI - NÓNG