Doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn
Theo báo cáo của Chính phủ, so với kế hoạch năm 2014, có 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Trong năm 2014 có 9.501 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,2% so với năm trước. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động là 15.419 doanh nghiệp, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2013. Theo đánh giá của Chính phủ, đây là con số đáng khích lệ, cho thấy tín hiệu tốt của nền kinh tế đã tạo thêm cơ hội đầu tư, kinh doanh cho những doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Tuy nhiên một khó khăn lớn năm 2014 gặp phải là tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, bất ổn, đặc biệt trên Biển Đông. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã kiên trì chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, kiên quyết đấu tranh bằng các biện pháp ngoại giao, bảo vệ chủ quyền. Mặt khác, tiếp tục duy trì môi trường hòa bình ổn định. Chủ động tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, cũng như giữa đối ngoại với quốc phòng và an ninh.
Những tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục được Chính phủ chỉ ra là việc triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế còn chậm, chất lượng, hiệu quả chưa có cải thiện nhiều. Cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, cơ cấu chi ngân sách chưa hợp lý. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là về thị trường tiêu thụ và khả năng cạnh tranh. Chất lượng nguồn nhân lực cải thiện chưa thật rõ nét, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao...
Sang Quý I/2015, tăng trưởng GDP khoảng 6,03% - mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua (cùng kỳ 2011: 5,9%; 2012: 4,75%; 2013: 4,76%; 2014: 5,06%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,14%; khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 8,35%; khu vực dịch vụ ước tăng 5,82%... Số doanh nghiệp trước gặp khó khăn, ngừng hoạt động nay quay lại hoạt động là 6.316 doanh nghiệp, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2014. Theo đánh giá của Chính phủ, đây là tín hiệu tốt của nền kinh tế, tạo thêm cơ hội đầu tư, kinh doanh cho những doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Bức xúc tình trạng được mùa mất giá
Ngoài những kết quả đạt được, báo cáo đánh giá bổ sung việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển KTXH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cũng cho rằng, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, vẫn xảy ra tình trạng được mùa mất giá, khó khăn tiêu thụ sản phẩm... gây thiệt hại và bức xúc cho người dân.
Mặc dù có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc ban hành các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhưng vẫn còn lúng túng, vướng mắc trong việc tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động. Việc nhân rộng các mô hình sản xuất, quản lý thành công trong thực tiễn, nhất là mô hình liên kết chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nông nghiệp còn chậm.
Bên cạnh đó, Ủy ban Tài chính cũng chỉ rõ, công tác quản lý, sử dụng đất đai ở các công ty nông, lâm nghiệp quốc doanh thời gian qua chưa thực sự chuyển biến. Quá trình cổ phần hóa chậm và cũng đã bộc lộ những điểm bất hợp lý. Tình trạng lấn chiếm, giao khoán sử dụng sai mục đích, đối tượng dẫn đến thất thoát, lãng phí tài nguyên đất còn khá phổ biến... Theo ông Giàu, nguyên nhân chính do mô hình quản lý, quản trị doanh nghiệp chưa hiệu quả, trách nhiệm quản lý của các công ty và chính quyền địa phương có nơi còn buông lỏng.
“Đời sống một bộ phận người lao động, hộ nghèo, gia đình chính sách còn nhiều khó khăn, còn có chênh lệch lớn về mức sống và an sinh giữa các vùng, nhóm dân cư, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, kết quả giảm nghèo ở một số nơi chưa thực sự bền vững” – ông Giàu cho hay.