Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển nói ngày 11/5, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014, những tháng đầu năm 2015. Thảo luận về bức tranh kinh tế - xã hội, nhiều ý kiến tập trung mổ xẻ, phân tích nguyên nhân khiến các mặt hàng nông sản gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.
Mua dưa ủng hộ chỉ là “giải pháp tấm lòng”
Báo cáo UBTVQH, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, lĩnh vực xuất khẩu nông sản thời gian qua còn gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài câu chuyện dưa hấu mà báo chí phản ánh, mặt hàng gạo chủ lực cũng bị ách tắc ngay tại cửa khẩu, đồng thời đang phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn. Theo Bộ trưởng Vinh, nông sản của Việt Nam kém sức cạnh tranh sẽ là một thách thức lớn cho nền kinh tế trong những tháng tiếp theo.
Trước thực trạng này, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị báo cáo của Chính phủ cần bổ sung phần đánh giá đời sống của một bộ phận người nông dân đang rất khó khăn hiện nay khi nhiều mặt hàng nông sản giá thấp, không đi vào được thị trường, xã hội phải chung tay bán dưa, hành. Tuy nhiên theo bà Mai, đó chỉ là “giải pháp tấm lòng”. Bà Mai đề nghị Chính phủ quan tâm, có giải pháp mạnh mẽ hơn, hỗ trợ nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp để có thể cạnh tranh được trên thị trường.
“Các sản phẩm nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, loanh quanh vẫn dưa hấu, thanh long tồn ứ. Giải pháp vận động mỗi người mua vài quả dưa có đúng không? Giải pháp chiến lược chung của Chính phủ thế nào? Điều quan trọng vẫn phải là các biện pháp”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu, đồng thời đề nghị báo cáo cần phân tích rõ hơn nguyên nhân, từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể, lâu dài.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, thế mạnh một số mặt hàng nông sản chủ lực, như lúa gạo, tiêu, điều, cà phê đang bị ảnh hưởng và các nông sản khác cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Nông sản làm ra nhưng không tiêu thụ được, nhiều mặt hàng thậm chí còn thua ngay trên sân nhà.
Cán bộ còn lơ mơ
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng, ở nông thôn vấn đề việc làm cho thanh niên đang rất căng thẳng từ Bắc đến Nam, từ đồng bằng đến miền núi. Trước nay chợ lao động chỉ xuất hiện ở đồng bằng thì bây giờ ở các vùng miền núi, Tây Nguyên đã xuất hiện nhiều. Người lao động không có việc làm tập trung ở đó, chờ doanh nghiệp đến thuê mướn mỗi ngày.
“Thiếu việc làm ở nông thôn đang rất căng thẳng, trong khi đó chúng ta lại chủ yếu tính thiếu việc làm ở thành thị. Tỷ lệ hộ nghèo sẽ tăng theo tiêu chí mới. Nếu cắt hỗ trợ thế này thì sẽ thành nghèo cùng cực, nghèo đa chiều. Bên cạnh đó, khoảng cách về thu nhập giữa đồng bằng và miền núi ngày càng lớn, so với người thành thị càng xa hơn, dẫn đến mức sống chênh lệch. Đó là một thách thức lớn, đẻ ra mâu thuẫn xã hội ở các vùng này”, ông Ksor Phước nêu.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, bộ máy hành chính nhà nước, cải cách hành chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Trong thời gian qua, các cơ quan nhà nước, trong đó có Quốc hội đã đẩy mạnh, tăng cường hoạch định chính sách, nhưng chính sách đó có đi vào cuộc sống hay không lại phụ thuộc vào đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên, ông Quyền cho biết, còn rất nhiều vấn đề về cán bộ không được đánh giá, xem xét cụ thể.
“Mấy hôm nay đi chấm thi chuyên viên cao cấp, tôi thấy đáng lo ngại khi trình độ ngày một đi xuống. Tôi chấm phúc tra, nhiều bài thấy rằng những cán bộ này đáng lẽ không cho đi thi, vì lòng tự trọng rất kém. Bài viết nguệch ngoạc được mấy chữ, người ta chấm dưới điểm trung bình lại còn phúc tra, không biết tự trọng. Mà đó lại toàn là những vụ trưởng, giám đốc sở, phó chủ tịch cấp tỉnh. Khi tôi hỏi thi vấn đáp, rất nhiều giám đốc sở, vụ trưởng không nắm rõ về những nội dung quản lý Nhà nước, rất lơ mơ. Đội ngũ cán bộ chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân”, ông Quyền nêu thực trạng, đồng thời cho rằng bản thân “câu chuyện dưa hấu” và nhiều vấn đề khác cũng là do đội ngũ cán bộ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, khi trình ra Quốc hội tới đây, các báo cáo phải thể hiện rõ quyết tâm cao của Chính phủ, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Quốc hội và Trung ương đặt ra, đồng thời đưa ra giải pháp kịp thời. “Năm 2015 là năm phải hoàn thành kế hoạch 5 năm, chuẩn bị bước sang giai đoạn mới, nên phải nêu ra được quyết tâm này. Tất cả các chỉ tiêu Quốc hội đề ra phải quyết tâm hơn nữa, phải đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Điều quan trọng từ nay đến cuối năm phải làm gì, phải chỉ ra nhược điểm, nguy cơ, mục tiêu nào chưa đạt thì tập trung vào chỉ đạo, tháo gỡ”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.