Nông nghiệp hữu cơ: Trót mê, khó bỏ

0:00 / 0:00
0:00
Ngày càng nhiều bạn trẻ tham gia lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ
Ngày càng nhiều bạn trẻ tham gia lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ
TP - Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, canh tác thuận tự nhiên vốn đã không dễ dàng, việc đưa sản phẩm sạch ra thị trường và được người tiêu dùng chấp nhận lại càng khó khăn hơn. Nhưng những người nông dân tâm huyết với canh tác hữu cơ, đã bắt tay vào sản xuất là không bỏ cuộc.

Điểm 10 chất lượng

Từng có dịp gặp gỡ chị Trần Thị Tuyến (32 tuổi) - chủ vườn cam sinh thái từ Nghệ An tại một chương trình gặp gỡ nông dân hồi cuối năm 2020 ở TPHCM, ấn tượng chuyện khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng với niềm đam mê nông nghiệp sạch của chị làm tôi khó quên.

Năm 2018, khi đang có công việc ổn định, vợ chồng chị Tuyến quyết định rời TPHCM, về Nghệ An để mua đất trồng cam Vinh theo hướng hữu cơ. Chị kể, lúc bắt đầu, những người chung quanh thấy cách trồng cam của vợ chồng chị rất khác nên cho rằng “ngớ ngẩn”.

Cách làm của chị là không phun thuốc trên trái mà dùng những cách dân gian để trị bệnh cho cây; khi cắt cành không đem bỏ mà vun dưới gốc; cam hư thì đào hố chôn chứ không đem nơi khác đổ bỏ… Đặc biệt, chị Tuyến “nói không” với phân, thuốc hóa học khi canh tác.

Nông nghiệp hữu cơ: Trót mê, khó bỏ ảnh 1

Chị Trần Thị Tuyến giới thiệu cam Vinh hữu cơ tại TPHCM hồi cuối năm 2020

Từ vườn cam với diện tích 1,1 ha (năm 2018), đến nay đã tăng lên 2,3 ha, sản lượng đạt khoảng 8 tấn/năm. Ngoài ra, chị Tuyến còn trồng quýt với sản lượng khoảng 20 tấn/năm; chanh đào, mít…

Anh Bùi Thái Sơn (Bình Phước) - chủ vườn cây trái tự nhiên Nature farm có 30 ha trồng cây ăn trái, trong đó có 5 ha để trồng ổi, chuối, đu đủ, mít, xoài… theo hướng thuận tự nhiên. “Mỗi lần về quê vợ ở Bến Tre, tôi thấy ở đó có nhiều cây trái không cần phun thuốc, bón phân hóa học mà vẫn khỏe mạnh. Tôi nghĩ tại sao mình không làm theo cách này để bản thân mình được ăn trái cây sạch, khách hàng cũng yên tâm khi sử dụng. Vậy là tôi thu hẹp sản xuất, không trồng đại trà nữa mà tập trung vào sản phẩm chủ lực và canh tác theo hướng an toàn cho sức khỏe” - anh Sơn chia sẻ.

Xu hướng làm nông nghiệp hữu cơ, thuận tự nhiên có muôn vàn khó khăn. Tuy nhiên, nếu đã có đam mê cùng dấn thân, đa số những “nông dân” hiện đại ít khi bỏ cuộc. Đó là câu chuyện của Happy Vegi (thương hiệu rau hữu cơ do Công ty TNHH SX TMDV Hương Đất), từng kinh qua thời kỳ lận đận mới có chỗ đứng trên thị trường như hiện nay. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Viên - thành viên sáng lập Công ty Hương Đất kể, năm 2012, khi đưa rau Happy Vegi chào hàng các cửa hàng thực phẩm, chúng tôi bị từ chối vì giá quá cao. Thời điểm đó, giá các loại rau khác có 10.000 đồng/kg, còn rau Happy Vegi là 60.000 đồng/kg mới có lợi nhuận. Phải mất thời gian dài, Happy Vegi mới thuyết phục được nhà phân phối và cả khách hàng.

Xu hướng tương lai

Chia sẻ về câu chuyện làm nông nghiệp hữu cơ, ông Nguyễn Lâm Viên - Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit bộc bạch: “Từ những năm 2017- 2018, Vinamit đã đưa sản phẩm hữu cơ ra thị trường, lúc đó phải thuyết phục, đàm phán với nhiều siêu thị bán sản phẩm hữu cơ nhưng họ rất e dè. Chỉ có Co.op Mart là đồng ý dù đi kèm với nhiều điều kiện ngặt nghèo. Thời điểm đó, chúng tôi chỉ nghĩ làm sao để người tiêu dùng tiếp cận được nông sản này nên chấp nhận tất cả các yêu cầu của siêu thị”.

Thực tế cho thấy, khi đời sống được nâng cao, vấn đề an toàn thực phẩm được quan tâm thì xu hướng nông nghiệp hữu cơ đã chứng minh hướng đi đúng đắn. Người làm nông nghiệp sạch cũng không lẻ loi khi có nhiều chuyên gia, tổ chức sẵn sàng hỗ trợ, làm “bà đỡ” để sản phẩm của họ tiến xa, “bay” sang nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo ông Nguyễn Lâm Viên, chỉ cần người tiêu dùng nhận ra được sản phẩm hữu cơ được nuôi trồng không dùng hóa chất, canh tác an toàn cho sức khỏe, khi nhận thức thay đổi thì giá nông sản hữu cơ có cao hơn nông sản thường vẫn sẽ được khách hàng chấp nhận…

MỚI - NÓNG