Nông nghiệp 2023 'được mùa, được giá'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đánh giá về kết quả của ngành Nông nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, năm nay nông nghiệp đã xoay chuyển tình thế từ lúng túng, bị động, bất ngờ, sang chủ động, tự tin, kịp thời, sáng tạo, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, vượt qua các thách thức để đạt kết quả cao. Nông nghiệp được mùa, được giá, bội thu.

Chiều 3/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 triển khai kế hoạch năm 2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT). Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương, đánh giá cao những kết quả đã đạt được của ngành Nông nghiệp trong năm qua. Trong bối cảnh khó khăn, thách thức, ngành Nông nghiệp đã "vượt cơn gió ngược" thu được nhiều kết quả tích cực, đóng góp lớn vào việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng chung cả nước, giúp nước ta đạt mức tăng trưởng cao trên thế giới.

Dẫn chứng từ cơn sốt gạo trong năm nay, Thủ tướng cho biết, thời điểm đó nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên hạn chế xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực. Nhưng chúng ta vẫn quyết tâm xuất khẩu gạo tối đa và cuối cùng đạt mức kỷ lục, bởi Việt Nam quan niệm là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Báo cáo về kết quả trong năm 2023, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; đặc biệt khó khăn về thị trường xuất khẩu lâm sản và thủy sản, toàn ngành vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện; thể hiện nổi bật ở nhiều mặt và lĩnh vực. Xuất khẩu nông sản đạt mức 53 tỷ USD, với xuất siêu đạt kỷ lục 12,07 tỷ USD, tăng 43,7% so với năm ngoái. Năm 2024, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3-3,5%, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 54-55 tỷ USD.

Đặc biệt, thời điểm ngành Nông nghiệp tham mưu tổ chức cuộc đối thoại giữa Thủ tướng với doanh nghiệp ngành gỗ, thủy sản, lúc đó bối cảnh rất bi quan vì kết quả xuất khẩu giảm sâu.

“Năm nay nông nghiệp đã xoay chuyển tình thế từ lúng túng, bị động, bất ngờ, sang chủ động, tự tin, kịp thời, sáng tạo, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, vượt qua các thách thức để đạt kết quả cao. Có thể thấy nông nghiệp có năm được mùa được giá, bội thu. Vai trò, vị thế của ngành Nông nghiệp ngày càng được khẳng định, xứng đáng là trụ đỡ của nền kinh tế”, Thủ tướng nói.

Có được kết quả này, Thủ tướng cho rằng, ngành Nông nghiệp đã có sự điều hành linh hoạt, có tư duy mới như công nghiệp hóa nông nghiệp, tri thức hóa nông dân, tích cực phát triển mở cửa thị trường, tăng cường chuyển đổi số và hợp tác chặt chẽ giữa các bộ, ngành.

Phát triển thị trường tín chỉ carbon

Nông nghiệp 2023 'được mùa, được giá' ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngành Nông nghiệp tiếp tục bình tĩnh, sáng suốt vượt qua những “cơn gió ngược”. Ảnh: Tùng Đinh

Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng lưu ý ngành Nông nghiệp không được chủ quan, tự mãn. Thủ tướng cho rằng ngành Nông nghiệp còn nhiều vấn đề tồn tại, cần khắc phục. Trong đó điển hình là Nghị định 67 liên quan đến việc hỗ trợ ngư dân nâng cấp tàu cá, vấn đề gỡ thẻ vàng thủy sản vẫn chưa thực hiện được...

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu ngành Nông nghiệp thời gian tới cần kế thừa, phát huy thành quả đã đạt được; triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thực hiện phương châm chỉ đạo, điều hành năm 2024 của Chính phủ là “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”.

Thủ tướng nhấn mạnh, toàn ngành phải thực sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm hành động cao nhất để thích ứng linh hoạt, hiệu quả với bối cảnh, tình hình mới; thực hiện thắng lợi mục tiêu trong năm 2024 là tăng trưởng đạt từ 3,5-4%.

“Ngành Nông nghiệp cần tập trung đổi mới sáng tạo, đặc biệt đẩy mạnh chuyển đổi số, tập trung phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, coi đây là động lực mới xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nông nghiệp sinh thái. Đây cũng là đòi hỏi khách quan, lựa chọn đúng đắn, ngành cần ưu tiên nguồn lực. Trong đó, trước mắt tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển thị trường tín chỉ carbon”, Thủ tướng yêu cầu.

MỚI - NÓNG
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
TPO - Trong 3 tháng đầu năm, các Sở Giao thông vận tải đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với hơn 6.800 phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000km trở lên trong tháng, đồng thời nhắc nhở đối với 85.600 phương tiện có vi phạm quá tốc độ, quá thời gian lái xe và không truyền dữ liệu.