Năm nay, các địa phương khu vực phía Đông Nam có diện tích khoai lang lớn nhất của tỉnh Gia Lai. Trong đó, lớn nhất là huyện Phú Thiện với hơn 3.400 ha, huyện Ia Pa 324ha, thị xã Ayun Pa 32ha. Thay vì tâm lý phấn khởi như mọi năm, người trồng khoai lang vụ này ai cũng nhăn mặt, lo lắng vì mất mùa, mất giá.
Nông dân Phú Thiện lo lắng vì khoai rớt giá thê thảm. |
Cái nắng chói chang khiến khuôn mặt anh Mã Văn Tới (thôn Thắng Lợi 1, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) đã buồn lại càng thêm khắc khổ. Anh kể năm ngoái, gia đình trồng 5 ha, sau khi trừ chi phí, thu lợi nhuận gần 200 triệu đồng/ha.
Phấn khởi, năm nay, anh Tới thuê thêm 3 ha nữa để trồng khoai lang với hy vọng đổi đời. Anh Tới nhẩm tính, tiền thuê đất 30-40 triệu đồng/ha cùng tiền đầu tư giống, phân bón, nhân công 80 triệu đồng/ha, nếu mức giá và năng suất như hiện tại 4.000 đồng/kg sẽ không có lãi, thậm chí lỗ nặng.
“Thời tiết năm nay bất lợi, đất bạc màu nên năng suất chỉ đạt tầm 17 tấn/ha, giảm hơn rất nhiều so với năm ngoái. Đã thế, giá khoai lang còn khoảng 4.000 đồng/kg, trong khi giá vụ trước dao động từ 11.000-13.000 đồng/kg. Giờ còn lo cả đầu ra nữa”, anh Tới ngậm ngùi.
Anh Phạm Văn Hoàn - một thương lái ở tỉnh Đắk Lắk - có nhiều năm qua Gia Lai thu mua khoai lang đánh giá, so với những năm trước, củ khoai năm nay bị sùng nhiều nên anh phải nhờ người thu gom chọn lọc kỹ lưỡng. Mỗi ngày, anh Hoàn huy động 3 xe trọng tải 27 tấn/chiếc thu mua khoai lang tại khu vực phía Đông Nam tỉnh. Đối với củ loại 1, anh Hoàn mua với giá khoảng 6.000 đồng/kg, còn củ loại 2 (củ quá to) chỉ được khoảng 4.000 đồng/kg. Anh Hoàn cho rằng hiện thị trường tiêu thụ khoai lang trong cả nước vẫn ổn định, tuy nhiên do diện tích tăng cao, thu hoạch ồ ạt, cung vượt cầu nên giá giảm sâu.
Năng suất khoai lang giống Nhật năm nay ở Gia Lai không cao. |
Ông Mai Ngọc Quý - Phó phòng NN&PTNT huyện Phú Thiện - cho biết, 2 năm qua, việc Trung Quốc chấp nhận cho khoai lang của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch đã khiến giá mặt hàng này tăng cao, lợi nhuận cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa. Đây là nguyên nhân chính khiến người dân trong huyện đổ xô trồng khoai lang trong vụ Đông Xuân 2023-2024. Đầu ra không ổn định, trong khi diện tích tăng nhiều nên thương lái ép giá.
Về năng suất khoai lang giảm, ông Quý giải thích: “Nhiều người dân chưa có kinh nghiệm chăm sóc, không xử lý đất kỹ, không bón vôi, ngâm ruộng diệt côn trùng gây hại nên khoai bị sùng. Đặc biệt có một số hộ thấy giá xuống thấp nên không chú trọng đầu tư chăm sóc nữa”.
UBND huyện Phú Thiện cho biết ước tính tổng sản lượng khoai lang vụ Đông Xuân 2023-2024 khoảng 68.800 tấn. Đến hiện tại, diện tích khoai lang đã thu hoạch 2.064 ha (khoảng 60%), diện tích còn lại dự kiến đến 30/4 sẽ thu hoạch xong.
Theo UBND huyện, thương lái thu mua cầm chừng và có chiều hướng giảm số lượng, gây khó khăn trong việc tìm đầu ra cho khoai lang, trong khi đó diện tích còn lại đang đến kỳ thu hoạch rất lớn. Bởi vậy, UBND huyện đã đề xuất UBND tỉnh quan tâm kêu gọi các doanh nghiệp tiêu thụ cho bà con, kêu gọi đầu tư các nhà máy chế biến, tiêu thụ sản phẩm khoai lang trên địa bàn tỉnh gắn với việc đưa các giống có chất lượng, sạch bệnh, cho năng suất cao để người dân an tâm sản xuất.
Cũng tình trạng tương tự ở Phú Thiện, năm nay, theo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, địa phương đưa ra kế hoạch sản xuất 5.141 ha khoai lang, sản lượng ước 76.578 tấn, tăng 3.167 tấn so với năm 2023. Năng suất khoai của người dân tỉnh Đắk Nông đa phần ở mức cao, tuy nhiên, hiện thương lái cũng chỉ mua với mức giá 7.000 đồng/kg loại 1 và 3.000 đồng/kg loại 2.
Vụ đông xuân năm nay, huyện Lắk (Đắk Lắk) trồng 730 ha khoai lang, tập trung chủ yếu tại các xã Đắk Liêng, Đắk Nuê, Buôn Triết và Ea R’bin. Trong thời gian chờ thị trường Trung Quốc “thông quan”, chính quyền địa phương cũng đã đưa ra một số khuyến cáo, cũng như đề xuất để người dân hạn chế thiệt hại".