Nơi vùng trũng dịch sốt xuất huyết

Bệnh nhân phải nằm ghép giường trong những ngày cao điểm dịch sốt xuất huyết. Ảnh: Như Ý.
Bệnh nhân phải nằm ghép giường trong những ngày cao điểm dịch sốt xuất huyết. Ảnh: Như Ý.
TP - Tháng tám dương cũng là bắt vào nhịp âm của tiết Ngâu. Trời Hà thành âm u sũng nước. Giăng giăng vần vụ trên đầu những mảng lem luốc màu mây khói đèn.

Thoạt tiên là thằng cháu nội chặp tối hơi âm ấm đầu. Hai giờ sáng, sốt gần 40 độ. Bốn giờ sáng hạ xuống 38 độ. Bà ngoại lẫn bà nội mắt đỏ ngầu thiếu ngủ ngáp lên ngáp xuống thi thoảng lại ngó sang ông ngoại đang lóng ngóng dỗ cô cháu ngoại.

Mọi sự đang yên lành thoắt chuyển oái oăm. Cháu nội cháu ngoại ở xa nhân dịp hè về quận Đống Đa chơi với ông bà. Bố mẹ chúng bận không đi cùng.

Giật mình nghĩ ngay đến dịch sốt xuất huyết (SXH) đang hoành hành. Hôm sau vác thằng cu đang sốt sang bệnh viện Đống Đa. May. Kết quả xét nghiệm sốt vi rút chi đó. Bồng thằng cu về chưa kịp mừng thì ngó con bé sao dáng lử khử? Bà sờ đầu cháu bật rên lên. Sốt rồi. Bao nhiêu?  Cũng phải gần 39 độ.  Chắc lây thằng anh. Vi rút mà. Chườm lạnh uống kháng sinh theo đơn.

Nhưng đến tối, con bé sốt không dứt luôn ba chín độ hơn.  Đưa con bé sang bệnh viện (BV) Đống Đa thử máu.  Kết quả suýt đứng tim. Dính SXH rồi. Nhưng không cần phải nằm. Mà nằm bệnh viện cũng chả còn chỗ, phải nằm ghép. Nhà lại gần nên cho về điều trị. Bác sỹ khuyên thế.

Đêm đang chập chờn. Ai như bà nhà? Âm thanh phát ra từ cái khối ảo ảnh lù lù đầu giường tôi bị sốt rồi, ông xuống trông chúng nó…

Ba giờ sáng.  Gan ruột rối bời. Nhưng vẫn như cái máy, động tác thành thạo lẫn thoăn thoắt chườm lạnh cho cả ba bà cháu. Bà 39, thằng cu 38 độ 5. Con cháu 39. Ấy là nói độ sốt chứ không phải tuổi.

Cứ nghĩ vẩn vơ. Vài đêm mà chong chong lẫn rối bời như thế này chắc… đứt? May hôm sau, bên ngoại nghe tin tức tốc cho đón con bé từ vùng trũng SXH Đống Đa sang quận khác.

Hôm sau nữa, mẹ thằng cu cũng bay từ trong Nam ra sơ tán con khỏi vùng trũng Đống Đa, Hà thành.

Đang rối tinh rối mù có ông bạn lại rủ đi thăm Phạm Ngọc Tiến. Chợt nhớ ra nửa tháng nay tác giả Chuyện làng Nhô, Ma làng… bị tai nạn vỡ cả xương bánh chè một bên chân đương nằm ở Việt Đức. Chút ân hận rằng bữa nhà rảnh lại không tranh thủ đi thăm. Buồn bấm máy hỏi thăm… May chỗ vỡ bánh chè vừa hàn lại, đã về nhà, chỉ còn phải chăm chỉ tập lết mà thôi, nhưng theo dự đoán phải vài tháng mới nhúc nhắc đi lại được!

Chất giọng như rên lên trong máy của lão nhà văn. Lão giục như tà  là  chẳng thể thị thường với bệnh SXH được đâu bất kể ở lứa tuổi nào.  Rằng phải đưa bà lão sang ngay BV Đống Đa. Rằng lão sẽ điện ngay cho vợ mình!

Chà, bây giờ mới chợt nhớ ra.  Vợ nhà văn Phạm Ngọc Tiến làm ở BV Đống Đa.

Thú thực, tuế tóa mày tao chi tớ bù khú bao lần với lão nhà văn này nhưng vài lần chạm mặt với em Vân vợ Phạm Ngọc Tiến cứ thấy ngài ngại thế nào? Có cảm giác cô gái bề ngoài luôn toát lên vẻ thùy mị pha chút nghiêm cẩn lại làm nghề thầy thuốc bác sĩ một bệnh viên lớn mà luôn phải trông chừng đức ông chồng lắm tài và có một số tật dư lày chắc cô bác sĩ Bích Vân cũng phải vất vả lắm?

Nơi vùng trũng dịch sốt xuất huyết ảnh 1 Bác sỹ khám một ca nặng mắc bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Xuân Tùng.

… Lão nhà văn giục thế mà thiêng. Kết quả xét nghiệm chình ình con vi trùng SXH trong tủy. BS Hải trực khám (mắt đỏ ngầu vì thiếu ngủ, Hải nói đã thức trực luôn 2 đêm vì bệnh nhân đến khám quá đông) người thì vậm vạp, giọng thì nhẹ thênh nhưng có cảm giác như những quả chùy. Rằng bà nhà bị SXH nhưng trên cái nền cơ địa bị tiểu đường, tiểu cầu lại tụt nên phải nằm viện đề phòng biến chứng.

Chẳng dám hỏi thêm nhưng chắc thể nặng BV mới để nằm ở phòng cấp cứu?  May mà có các cháu người nhà trông, trực thay chứ chả đành để ông già trông vợ. Vì cũng có chút nóng ruột nên cũng đến thức cùng. Bà xã vào nằm từ chiều nhưng có cảm giác xuyên đêm ở phòng cấp cứu là nhịp của ban ngày. Luôn tấp nập bệnh nhân khám và đợi khám. Hầu như kíp trực cấp cứu không có phút nào ngưng. Hai bác sĩ và 8 y sĩ y tá luôn tay luôn chân. Quy trình nối nhau xuyên đêm ấy là tiếp nhận bệnh nhân có văn vấn vọng thiết (nghe xem, hỏi, bắt mạch) thêm nữa của y học hiện đại là thủ tục lấy máu bắt buộc cho tất cả bệnh nhân. Ca nào nặng ghép thêm với các giường đã hai hoặc ba người nằm. May mà hầu hết ca nhẹ được điều trị ngoại trú. Khiếp cho cái con trùng SXH có vẻ không trừ chẳng miễn dịch cho bất kỳ ai. Từ các cụ cao niên trung niên đến cánh thanh niên.  Ngó các trang mặt hoa da phấn không hiếm những anh chàng xăm trổ vằn vện, người thì chậm chạp lừ đừ, tốp thì vội vàng tốc táo cả xấn xổ nối nhau vào phòng cấp cứu mới cảm thấy hiệu ứng của chữ dịch nó thế nào? Mới  có cảm giác phận người mong manh ra sao trước sự điều khiển sắp đặt của con Tạo. Để ý những ca dính SXH có cảm giác máu rút ra để xét nghiệm đều có sắc xạm pha đen bất thường chứ không hồng như vẫn thấy? 4 h 20 phút sáng… BS Hải cho biết, đêm qua gần 300 bệnh nhân đã đến phòng cấp cứu này.

Một chiếc xe bán tải trờ sát cửa phòng cấp cứu. Trên thùng xe là ba hình nhân mặc áo tù. Hai anh cảnh sát dong ba anh tù nghi bị SXH xuống. Họ trông có vẻ khỏe mạnh và được tháo còng ưu tiên khám trước không phải đợi. Lấy máu xét nghiệm xong, hai anh cảnh sát được hẹn non trưa đến lấy kết quả.

Không biết kết quả xét nghiệm của ba anh tù thế nào nhưng của bà nhà tôi thì quá tệ. Tiểu cầu tụt chỉ còn 7! Loáng thoáng trong y văn tiểu cầu xuống 5 thì lập tức phải chỉ định truyền!

Đang hoang mang thì nhận được tin dữ. Tiếng khóc trong điện thoại làm tôi thêm bấn loạn. Con gái người bạn thân Lê Xuân Lan, GS.TS khoa học, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ TTTT nức nở, bố cháu đang hấp hối ở BV Việt Xô. Mấy ngày trước nghe tin Lan bị SXH sao bỗng ra cơ sự thế này? Tốc táo đến nơi chứng kiến hình ảnh ông bạn thân mồm miệng đang tràn máu không thể cầm! BS trực cho biết bệnh nhân bị SXH kèm tai biến đột ngột đêm qua, thành mạch bị vỡ nên đành bó tay.

Ám ảnh hình ảnh cuối của người bạn thân vừa ra đi, với tâm thế bấn loạn, tôi đến gặp phu nhân của Phạm Ngọc Tiến. Thì ra Ths. Bs  Nguyễn Bích Vân đã là Phó GĐ BV Đống Đa từ lâu?  Mặc dù rất bận,  Bích Vân vẫn kiên nhẫn ngồi nghe và chia sẻ cảm giác hoang mang với tôi. Rằng, tôi cứ yên tâm. Mặc dù tiểu cầu tụt nhưng chỉ số của bà nhà không phải nguy hiểm, nội tạng không bị xuất huyết. Để tăng thêm tính thuyết phục của thông tin, Bích Vân còn dẫn tôi đến gặp TS Phạm Bá Hiền, Phó GĐ BV Đống Đa, một chuyên gia về truyền nhiễm, SXH.

Tiểu cầu tụt lại lên, lên lại tụt, rồi thăng bằng.  Hệt như  TS Hiền, Ths. Vân đã dự đoán, tròn một tuần, bà xã tôi được ra viện. Nhưng tai họa vẫn chưa  tha. Một ngày sau, anh con thứ hai của tôi lại phải nhập BV Đống Đa. Lại cũng SXH với những triệu chứng và diễn biến na ná như mẹ nó. Rồi may thay, hơn tuần nằm tại BV cũng qua khỏi và xuất viện non tuần nay.

… Gia đình bé mọn của tôi dường như gặp may khi bão SXH đã, đang và tràn qua Hà thành. Như nhiều ngàn sinh linh đã được chở che, cứu giúp bởi các thầy thuốc BV Đống Đa hằng bao năm nay luôn được an phận trong khuôn viên của Giáo xứ Thái Hà. Nhớ năm 2011, thầy thuốc Bích Vân và cộng sự cùng các vị linh mục Nguyễn Văn Phượng, Nguyễn Ngọc Nam Phong… cùng phối hợp xây dựng Trạm xử lý nước thải của BV để biến dơ thành sạch, biến dữ thành lành, mang lại hồng phúc cho con chiên- bệnh nhân trong sự bằng an của Chúa.

Mới có cảm giác phận người mong manh ra sao trước sự điều khiển sắp đặt của con Tạo. Để ý những ca dính SXH có cảm giác máu rút ra để xét nghiệm đều có sắc xạm pha đen bất thường chứ không hồng như vẫn thấy?

Từ đầu năm đến ngày 10/9, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa tiếp nhận khám 10.805 lượt bệnh nhân sốt xuất huyết, tăng gấp 44 lần cùng kỳ năm 2016 (243 lượt), trong đó có 2.668 trường hợp nhập viện điều trị nội trú, tăng gấp 38 lần so với cùng kỳ  (69 trường hợp). 

MỚI - NÓNG