Lao động Việt Nam tại Nhật Bản gói bánh chưng đón Tết |
Thêm một lần lỡ hẹn đoàn tụ
Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, anh Nguyễn Xuân Bình (32 tuổi, Nghệ An) vẫn miệt mài tăng ca trên công trường tại một nhà máy ở tỉnh Kagoshima (Nhật Bản). Năm nay, anh dự định về quê đón Tết nhưng việc hạn chế những chuyến bay về nước khiến anh thêm một lần lỡ hẹn đoàn tụ với gia đình.
“Mấy hôm nay, mẹ tôi liên tục gọi điện sang hỏi thăm. Bà kể ở quê đang chuẩn bị đủ bánh chưng, kẹo, quất… để đón Tết rất sôi nổi. Rồi thoáng buồn khi giọng bà khựng lại - Tết này, nhà mình lại thiếu con. Dù tôi cố động viên nhưng rồi cả hai mẹ con phải gác điện thoại trong nghẹn ngào. Đây là Tết thứ 5, tôi không về quê”, anh Bình xúc động nói.
Tết năm nay, những lao động tại Nhật Bản chỉ được nghỉ 2 ngày. Không ít nhà máy trong thời điểm đầu năm ngừng hoạt động giờ phải tăng tốc để bù lại. Dù thời gian làm việc khiến tất cả đều bận rộn nhưng cảm xúc của những người con làm ăn xa quê rất bồi hồi sau một năm đầy chật vật.
“Lao động làm việc tại đây phần lớn đều từ các tỉnh như Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh,… mấy năm dịch bệnh chưa được về quê nên ai cũng trông mong. Năm nay, anh, em đang bàn tranh thủ lúc hết giờ làm chạy đi tìm mua các món ăn, bánh chưng, cờ Việt Nam để tổ chức bữa cơm tất niên. Mọi người động viên nhau cứ có bánh chưng là có mùi Tết, vui rồi. Nhưng mỗi người đều có những suy nghĩ, nỗi nhớ nhà rất riêng. Có người còn không kìm được cảm xúc gọi điện về nhà khóc nức nở”, anh Bình chia sẻ.
Cùng chung cảm xúc, chị Trần Thị Hạnh (Hà Tĩnh), một công nhân đang làm việc tại Hàn Quốc cho biết, hơn 3 năm nay, chị và em gái Trần Thị Quyên chưa được về quê sum vầy với gia đình. Năm 2021, có lẽ là năm khó khăn nhất với hai chị em, và những lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc. Vào giữa tháng 5, số ca nhiễm ở Hàn bắt đầu tăng lên rất nhanh dẫn tới nhiều nhà máy phải đóng cửa.
“Hai chị em đều bị mất việc làm. Suốt mấy tháng trời, cả hai không có thu nhập nên áp lực rất lớn. Sợ gia đình biết chuyện lo lắng, hai chị em phải nhờ sự hỗ trợ của bạn bè mới có tiền trang trải cuộc sống. Là phận con gái nơi đất khách quê người, những lúc đó nghĩ rất tủi thân”, chị Hạnh bùi ngùi chia sẻ.
Chị Hạnh cho biết, trước đây mỗi dịp tết đến xuân về, cộng đồng người Việt tổ chức rất nhiều hoạt động như gói bánh chưng, lễ Phật, hái lộc đầu xuân… để tạo không khí ấm áp, đầm ấm cho những người con xa quê. Nhưng hơn 2 năm nay, các hoạt động này vắng dần. Đến thời điểm này, số ca nhiễm tại Hàn Quốc vẫn ở mức kỷ lục, nên giờ mọi người cũng tự túc.
“Ngày cuối năm, nhìn thấy bố mẹ lủi thủi ở nhà dọn dẹp nhà cửa là thấy thương. Tết không có các con bên cạnh, chắc chắn không được vui như mọi năm. Giờ chỉ mong Hàn Quốc vãn dịch, hai chị em đi làm kiếm thêm tiền gửi về động viên bố mẹ”, chị Hạnh nói.
Nhớ Tết quê
“Trước đây, ở quê mỗi lần Tết đến, mọi người phải chuẩn bị tất bật, đôi lúc muốn bỏ bớt công việc. Nhưng giờ ai cũng thèm cảm giác bận rộn đó, những điều tưởng như bình thường nhưng giờ rất ấm áp với lao động xa quê”, chị Hạnh chia sẻ.
Anh Lê Tiến Minh (Bắc Giang) cho biết, sau hơn 4 năm sang Nhật làm việc, dù đã dần quen với thời tiết lạnh buốt với những con đường tuyết rơi trắng xóa, nhưng cứ vào những ngày Tết, vẫn không thể ngăn được xúc động bởi nỗi nhớ nhà da diết. “Thèm vô cùng cảm giác chở con đi chợ hoa mua đào, quất rồi trang trí nhà cửa. Đêm 30 cả gia đình ngồi quây quần chờ đón giao thừa, nhắn tin chúc Tết, bạn bè”.
Năm nay, Chính phủ Nhật Bản kêu gọi người dân tiếp tục ở nhà, hạn chế tập trung đông người để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan nên anh em đã có kế hoạch chia thành nhóm nhỏ cùng nhau đón Tết.
“Các công nhân người Việt được xếp chỗ ở như ký túc xá, mỗi phòng có 2, 3 người. Tất cả đều góp thực phẩm để nấu và ăn chung. Năm nay, tuy mọi người đều không mất việc, nhưng luôn phải sống trong cảnh nơm nớp vì lo có thể mất việc bất cứ lúc nào. Những lúc khó khăn thế này, anh em cũng dặn nhau cố gắng, khi trở về biết trân trọng những ngày kiếm tiền cực nhọc ở Nhật”, anh Minh chia sẻ.