Ban giám hiệu, giáo viên ngỡ ngàng trước thái độ của vị phụ huynh, nhất là việc bà mẹ lặp đi lặp lại từ “nhục” để nói về nỗ lực của con. Họ phân tích cho phụ huynh hiểu, kết quả tiên tiến phù hợp với lực học của cháu, là một điều rất đáng khích lệ.
Tuy nhiên, vị phụ huynh vẫn “đau đáu” nói rằng với danh hiệu học sinh tiên tiến, đứa con làm mình không còn mặt mũi nào để nhìn ai. Việc học của đứa bé đang rất ổn nhưng vì kết quả đó nên phụ huynh quyết tâm bắt con đi học thêm để phải đạt học sinh giỏi, xuất sắc.
Câu chuyện xảy ra tại một trường tiểu học ở Q.1, TPHCM vỡ lẽ ra rất nhiều điều về “căn bệnh” thành tích dường như đã ăn sâu vào máu của nhiều người.
Cách cho điểm theo thành tích như hiện nay dễ làm học trò ngộ nhân về khả năng của mình . |
Phụ huynh không chấp nhận khi năng lực của con được đánh giá đúng, thay vào đó cái họ cần là con phải đạt được thành tích cao nhất, để có thể “mở mày mở mặt” với mọi người, cho dù kết quả đó có phù hợp với khả năng của con hay không. Đòi hỏi này từ cha mẹ có thể tiếp tay cho đứa trẻ bất chấp mọi cách không kể đúng sai, miễn sao đạt điểm cao.
Qua câu chuyện đó còn cho thấy cách chấm điểm ở trường học của chúng ta đang rất có vấn đề. Thậm chí là vấn đề nghiêm trọng khi mà một đứa trẻ đạt học sinh tiên tiến, lẽ ra được khen ngợi, động viên thì em bị bố mẹ xem như một “nỗi nhục”. Phải chăng điều này xuất phát từ lý do hiện nay, tỷ lệ học sinh giỏi, nhất là ở bậc tiểu học quá nhiều, có lớp đến 90%, thậm chí 100% em nào cũng giỏi. Khi học sinh giỏi được xem là bình thường thì những em chỉ đạt tiên tiến sẽ trở thành “cá biệt”.
Ai cũng hiểu tỷ lệ học sinh giỏi quá nhiều như hiện nay không đúng với thực tế. Cách chấm điểm chạy theo thành tích dễ làm học trò mất đi động lực để cố gắng, các em ngộ nhận về khả năng của mình và khó biết đâu hạn chế, điểm yếu của bản thân để khắc phục.
Như lời một nhà giáo ở TPHCM chia sẻ, cách cho điểm hiện nay đang làm “hỏng” học trò: “Các em đi học toàn điểm 9, điểm 10, ai cũng là học sinh giỏi, ở bậc đại học cũng diễn ra tình trạng… “lạm phát” sinh viên giỏi. Nhưng giỏi ở đâu khi sinh viên chúng ta ra trường phần lớn không đáp ứng được yêu cầu thực tế, toàn phải đào tạo lại?”.
Theo Hoài Nam
Dân Trí