Nơi ngắm vũ trụ cho giới trẻ ở Nha Trang

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đài Thiên văn Nha Trang là điểm ngắm vũ trụ lý tưởng cho giới trẻ ở phố biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Xây dựng từ năm 2014 tại vị trí đẹp nhất trên đỉnh đồi Hòn Chồng, Đài Thiên văn Nha Trang (thuộc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) là nơi vừa để nghiên cứu khoa học vừa phổ biến kiến thức về thiên văn và công nghệ vũ trụ cho du khách. Đến đây, du khách không chỉ được tận hưởng cảnh đẹp cùng bầu không khí trong lành mà còn được thỏa sức khám phá mọi điều về vũ trụ rộng lớn. Hiện TP. Nha Trang đã đưa Đài thiên văn Nha Trang vào lịch trình tour du lịch của phố biển này.

Nơi ngắm vũ trụ cho giới trẻ ở Nha Trang ảnh 1
Tinh vân Tridfid (M20 hoặc NGC 6514) là một vùng khí hydro II nằm trong vùng đang hình thành sao, thuộc cánh tay khiên Scutum - nhân mã của Dải ngân hà. Ảnh chụp từ Đài Thiên văn Nha Trang.

Đài Thiên văn Nha Trang bao gồm một tòa tháp thiên văn với chiếc kính thiên văn quang học phản xạ được đặt trên tầng cao nhất để thuận lợi cho việc quan sát bầu trời. Tại đây, mái vòm điều khiển tự động sẽ được mở ra mỗi khi quan sát để khách tham quan tìm hiểu Mặt Trăng, các vì sao, chòm sao và nhiều thiên thể khác. Đài bao gồm một kính thiên văn quang học có đường kính 0,5 m, một nhà chiếu hình vũ trụ 60 chỗ ngồi và một phòng trưng bày vũ trụ diện tích 200 m2. Kính thiên văn của Đài là kính thiên văn quang học phản xạ, được trang bị một máy ảnh và một bộ phân tích phổ có độ phân giải hình ảnh, quang phổ cao trong vùng bước sóng rộng.

Nơi ngắm vũ trụ cho giới trẻ ở Nha Trang ảnh 2

Hoạt động ngắm vũ trụ của các bạn học sinh bằng kính thiên văn tại Đài Thiên văn Nha Trang

Có nhiều chương trình tìm hiểu vũ trụ hấp dẫn, nhưng Đài Thiên văn Nha Trang vẫn còn là địa điểm du lịch còn khá mới mẻ đối với những bạn trẻ thích tìm hiểu về vũ trụ. Hiện Đài đang có chương trình trải nghiệm khám phá vũ trụ cho đoàn từ 40 người dành cho trẻ từ 6 tuổi trở lên và các chương trình cố định theo ngày dành các những ai yêu thích thiên văn học.

Nơi ngắm vũ trụ cho giới trẻ ở Nha Trang ảnh 3

Các bạn nhỏ tham gia chương trình Bảo vệ Trái đất do Đài Thiên văn Nha Trang tổ chức.

Chị Nguyễn Thị Ninh (nhân viên hướng dẫn của Đài Thiên văn Nha Trang) cho biết: “Khoảng thời gian quan sát tại đài đẹp nhất từ tháng 2 đến tháng 9. Khi đến đây mọi người không chỉ được quan sát qua kính thiên văn mà còn được tham gia các hoạt động xem phim với các bộ phim khoa học tài liệu về vũ trụ, hành tinh, lịch sử hình thành trái đất… trong nhà chiếu hình vũ trụ. Tuy nhiên, điểm đặc biệt của nhà chiếu là được thiết kế với màn hình dạng mái vòm như một rạp chiếu phim 3D tạo nên cảm giác chân thực khi xem.”

Nơi ngắm vũ trụ cho giới trẻ ở Nha Trang ảnh 4

Tinh vân Ô-mê-ga (M17 hoặc NGC6618) là một vùng mây phân tử khí hydro II trong chòm sao cung thủ. Ảnh chụp từ Đài Thiên văn Nha Trang.

Tại đây còn có các chương trình thiên văn cộng đồng hoàn toàn miễn phí, với chương trình này các bạn trẻ có thể leo núi cô Tiên (TP. Nha Trang) và cùng quan sát bầu trời đêm bằng kính thiên văn ngay trên đỉnh núi.

Bạn Lê Tấn Hoàng Trung (21 tuổi, ở TP. Nha Trang) cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên ở Nha Trang nhưng trước giờ không biết ở đây cũng có đài thiên văn này. Mới đây được người giới thiệu nên có đến tham quan, tôi đã được ngắm những hành tinh qua chiếc kính thiên văn lớn. Khi chị hướng dẫn viên giới thiệu sẽ có chương trình ngắm sao trên núi, tôi rất háo hức được tham gia cùng các bạn trẻ khác.”

Nơi ngắm vũ trụ cho giới trẻ ở Nha Trang ảnh 5

Tinh vân Orion (M42 hay NGC 1976) là tinh vân phát xạ có vị trí biểu kiến nằm ở dải Ngân Hà, dưới thắt lưng của chàng thợ săn Orion trong chòm sao thợ săn Orion. Ảnh chụp từ Đài Thiên văn Nha Trang.

PGS.TS Phạm Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, cho biết: Đài thiên văn Nha Trang có nhiệm vụ thực hiện nghiên cứu cơ bản về vật lí thiên văn quang học và phổ biến kiến thức về khoa học vũ trụ tới cộng đồng. Bên cạnh đó, Đài còn hỗ trợ đào tạo, giảng dạy và nâng cao chất lượng nhân lực trong lĩnh vực vật lí thiên văn và vũ trụ; hợp tác nghiên cứu với các nhóm nghiên cứu cùng lĩnh vực ở trong nước và nước ngoài.
MỚI - NÓNG