Vượt qua bóng mình
Lưu Thị Quỳnh Trang (SN 2002, khoa Công nghệ Nông nghiệp, Trường ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội) chọn học ngành Công nghệ Nông nghiệp với mong ước rằng trở thành một tư vấn viên góp phần phát triển nông nghiệp sạch của địa phương. Vào học năm thứ nhất, Trang mang một nỗi sợ mỗi khi lên phòng nghiên cứu thấy “ngợp” bởi các anh chị giỏi và có “độ dày” về kiến thức.
Bạn Lưu Thị Quỳnh Trang (sinh viên khoa Công nghệ Nông nghiệp, Trường ĐH Công nghệ) coi phòng nghiên cứu như ngôi nhà thứ 2 của mình. Ảnh: Châu Linh |
“Em của ngày hôm nay là một phiên bản tiến bộ hơn nhờ sự nỗ lực ‘vượt qua bóng mình’ kể từ ngày bước chân vào phòng nghiên cứu”, Trang chia sẻ.
Để khắc phục lỗ hổng về kiến thức nghiên cứu của mình, Trang kiên trì đến phòng nghiên cứu 4 ngày/tuần. Riêng đợt nghỉ hè, cô có mặt thường xuyên. Cao điểm đợt dịch năm ngoái, Trang đã ăn, ngủ ở phòng nghiên cứu thay vì chọn về quê.
Khi đến phòng nghiên cứu, Trang thường tìm hiểu về dụng cụ thí nghiệm trước, sau đó lên mạng đọc báo khoa học có liên quan đến định hướng nghiên cứu, rồi tham gia phản biện cùng người hướng dẫn. Trong đó, nhiệm vụ mà nữ sinh “ngán” nhất là phải đọc hiểu các bài báo khoa học trong khi vốn từ tiếng Anh chuyên ngành hạn hẹp.
“Năm nhất, em chỉ có nhiệm vụ đọc hiểu về kiến thức chuyên ngành. Nhưng bắt đầu từ năm hai, em đã được trao cơ hội và bắt tay vào nghiên cứu về việc phát triển hệ thống tính toán dự báo, thu thập dữ liệu nghiên cứu sâu keo mùa thu trên cây ngô ở Việt Nam”, Trang kể.
Hiện nghiên cứu về sâu keo mùa thu trên cây ngô ở Việt Nam của Trang đã đạt được 70% tiến độ, với nhiệm vụ phát triển ứng dụng điện thoại nhằm cập nhật diễn biến sâu keo mùa thu tại các tỉnh phía Bắc. Đồng thời cung cấp những dữ liệu thời tiết liên quan đến sự xuất hiện của sâu keo mùa thu trên đồng ruộng, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững.
Rèn “tư duy mở”
Mặc dù có nhiều giải thưởng về nghiên cứu khoa học cấp trường, cấp bộ nhưng Đào Việt Anh (SN 2001, sinh viên ngành Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội) chỉ khiêm tốn nói: “Em đang học cách trở thành một người biết lắng nghe có lý trí”.
“Điều thú vị là em luôn thấy có vô số kết luận khác nhau, thậm chí đối nghịch trong phần kết quả chung. Khi tìm hiểu đủ sâu, em nhận ra rằng, còn nhiều yếu tố có thể tác động vào kết quả nghiên cứu như bối cảnh, mẫu nghiên cứu, cách thức triển khai. Do vậy, “tư duy mở” ở đây là em không ép bản thân học cách chấp nhận mà phải tiếp thu những cách tư duy trong từng bối cảnh để phát triển hướng nghiên cứu của mình sao cho mang lại giá trị học thuật”, Việt Anh chia sẻ.
Nhận thức được nhiệm vụ phải “chuyển động tư duy” mỗi ngày nên Việt Anh không quá nản khi đối mặt với vấn đề khó. Có đợt, làm đề tài nghiên cứu một mình, khâu xử lý dữ liệu đã gây khó cho cậu. Từ xấp xỉ 76.000 quan sát, cậu đã phải lọc xuống còn 1.135 quan sát có liên quan đến đề tài của mình. Kiên trì, bền bỉ, sau quá trình miệt mài với những biểu đồ, con số, cậu đã xuất sắc giành kết quả cao.
Việt Anh đã gặt hái được nhiều giải thưởng về nghiên cứu khoa học như: Giải Nhất nghiên cứu khoa học sinh viên cấp Đại học Quốc gia Hà Nội; giải Ba nghiên cứu khoa học cấp bộ; giải Nhất nghiên cứu khoa học cấp trường Đại học Kinh tế…
Đề tài Việt Anh tâm đắc và dành nhiều thời gian nghiên cứu là: “Tác động của các yếu tố cấp tỉnh và đặc tính doanh nghiệp đến năng suất nhân tố tổng hợp: Bằng chứng từ các doanh nghiệp sản xuất chế tạo ở đồng bằng sông Hồng”. Với đề tài có tính vĩ mô như trên, Việt Anh không ngại dấn thân và luôn chủ động nắm bắt cơ hội khai phá một vấn đề mới. Đây cũng là một trong những tính cách nổi bật của Gen Z - bản lĩnh, sáng tạo.
“Em không phủ nhận, Gen Z làm nghiên cứu khoa học có nhiều lợi thế hơn các thế hệ trước bởi sự phát triển của công nghệ số. Các nghiên cứu sẽ được giảm bớt phần nào chi phí và tiết kiệm thời gian, khả năng tiếp cận với khoa học thế giới. Tuy nhiên, “độ lì” trong nghiên cứu vẫn cần phải rèn luyện và soi rọi từ những thế hệ đi trước”, Việt Anh nói thêm.
Khuyến khích sinh viên mạnh dạn và táo bạo
TS. Chu Đức Hà là một trong những giảng viên của khoa Công nghệ Nông nghiệp đảm nhận vai trò chính hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học. TS. Hà luôn khuyến khích sinh viên của mình mạnh dạn và táo bạo khi lựa chọn nghiên cứu một vấn đề, giải pháp, hay ứng dụng công nghệ mới. “Nghiên cứu về nông nghiệp luôn cần sự kết hợp liên ngành với công nghệ thông tin và tự động hóa thì mới có thể giải quyết được các bài toán nông nghiệp triệt để, đa giá trị”, TS. Hà nói.
Hiện khoa Công nghệ Nông nghiệp và trường ĐH Công nghệ đang tăng cường hợp tác với các trường/viện nghiên cứu quốc tế nhằm cập nhật xu thế phát triển trong công nghệ sinh học. Đây là môi trường nghiên cứu tiên tiến ươm mầm tài năng trẻ.