Nỗi lo về trách nhiệm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ba hôm trước, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương kêu với truyền thông nơi đây đang thiếu thuốc gây tê trong điều trị nha khoa. Giám đốc này lý giải mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng từ 700 đến 1.500 người đến khám, điều trị và mỗi tuần bệnh viện sẽ phải sử dụng từ 1.000 - 1.500 ống thuốc gây tê.

Thế nhưng, trong kho dược của bệnh viện hiện chỉ còn 500 ống thuốc loại này.

Cũng cách đây mấy ngày, Bệnh viện Bạch Mai than thiếu thuốc giải độc. Thông tin đưa ra cho thấy, hiện có đến hàng chục loại thuốc giải độc nhưng gần như loại nào cũng bị thiếu hoặc không có. Vì thế, bệnh nhân được đưa vào cấp cứu buộc phải nằm chờ thuốc, trong đó có những ca cấp cứu nặng, việc thải độc cần cấp bách.

Tại một số bệnh viện, các ca phẫu thuật yêu cầu người nhà tự lo vật tư đã không còn là chuyện hiếm. Việc bệnh nhân phải tự mua thuốc khi bệnh viện không có thuốc cung ứng cũng trở thành chuyện… bình thường. Thực trạng này, theo các chuyên gia là đáng báo động, cấp bách nhưng ngành y vẫn loay hoay, không có phương án giải quyết thoả đáng. Một bác sĩ còn ví von rằng, “ngay cả việc tưởng như đơn giản nhất là đau răng, cũng không được nhổ chỉ vì thiếu thuốc gây tê thì rất buồn cười”.

Để giải thích cho tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư, nhiều người vẫn đưa ra lý do chung chung là nguồn cung không đáp ứng được. Nhiều nơi cố tình nói mãi nguyên nhân do COVID-19 khiến cho thuốc men khan hiếm, trong khi thế giới đã không còn lệnh giãn cách và trở lại bình thường từ cuối năm 2021.

Một bác sĩ khác khi được hỏi về vấn đề này đã cho biết, chuyện thiếu thuốc hay vật tư y tế trong các bệnh viện thực tế không phải đến bây giờ mới xảy ra, nó vẫn thiếu âm ỉ bao nhiêu năm qua. Tình trạng nóng lên do gần đây diễn biến trầm trọng hơn vì công cuộc “đốt lò” chống tham ô, tham nhũng trong lĩnh vực y tế mạnh lên, khiến cho các bệnh viện không dám chủ động. “Tệ nhất là hình như ai cũng sợ làm sai nên có suy nghĩ tốt nhất là không làm gì”, vị này phát biểu.

Tương tự, các chuyên gia trong ngành dược cũng cho rằng, thiếu thuốc là tình trạng đã được báo trước, khi câu chuyện đấu thầu và trách nhiệm trở thành vấn đề quan ngại.

Phó Giáo sư Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Dược học Việt Nam cũng chỉ ra nguyên nhân là tâm lý sợ sai sót của nhân viên y tế trước những sự cố gần đây liên quan thanh kiểm tra, điều tra về đấu thầu, mua sắm.

Mới đây, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19, Thủ tướng Chính phủ phát biêủ rằng: không thể để thủ tục hành chính và các vướng mắc quy định dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế kéo dài, ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng người dân. Ai không làm được thì đứng sang một bên cho người khác làm.

Cho dù chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ là vậy, thế nhưng trong các quy định, thông tư liên quan đến đấu thầu thuốc vẫn còn nhiều lỗ hổng khiến người đứng đầu các bệnh viện, thậm chí cơ quan quản lý không dám triển khai phương án.

Ai cũng chờ một cơ chế, chính sách, quy định rõ ràng rồi mới dám thực hiện. Nếu cứ đợi chờ như thế, cuộc sống, sức khỏe của người dân ai sẽ lo, chịu trách nhiệm?

MỚI - NÓNG