Níu giữ thanh niên 'bất ly hương' - cách nào?

Các bạn trẻ khởi nghiệp với mô hình dưa lưới công nghệ cao ở An Giang. ẢNH: HÒA HỘI
Các bạn trẻ khởi nghiệp với mô hình dưa lưới công nghệ cao ở An Giang. ẢNH: HÒA HỘI
TP - Tình trạng thanh niên rời quê đi làm ăn xa ở các tỉnh ĐBSCL đã có những ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của tổ chức Đoàn - Hội và các phong trào thanh niên. Đâu là giải pháp giúp các bạn trẻ có thể lập nghiệp, làm giàu ngay chính trên mảnh đất quê hương và tích cực tham gia công tác Đoàn- Hội?

Khó tập hợp thanh niên

Trong chuyến làm việc của đoàn công tác T.Ư Đoàn do Bí thư T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy dẫn đầu tại các tỉnh ĐBSCL mới đây, nhiều cơ sở Đoàn từ xã đến tỉnh đã nêu thực trạng thanh niên rời bỏ quê đi làm ăn xa ảnh hưởng đến công tác Đoàn- Hội.

Tại Cà Mau, đoàn công tác của T.Ư Đoàn đến xã vùng sâu Việt Thắng (huyện Phú Tân), cách trung tâm thành phố Cà Mau hơn 60km. Anh Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Đoàn xã Việt Thắng cho biết, hiện toàn xã có 415 thanh niên nhưng có đến 220 thanh niên bỏ quê đi làm ăn xa (chiếm 53%). Theo anh Hiếu, công tác tập hợp thanh niên trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do phần lớn đã rời quê đi làm thuê ở Bình Dương, TPHCM. Hoạt động hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp có triển khai nhưng còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng nhu cầu thanh niên. Trong khi tỷ lệ lao động trong độ tuổi qua đào tạo nghề còn thấp, thanh niên thiếu việc làm dẫn đến họ không mặn mà tham gia phong trào.

Chị Phan Thị Kim Phượng, Bí thư Huyện Đoàn Năm Căn (Cà Mau) cho biết, hiện ở địa phương thanh niên chủ yếu làm vuông nuôi tôm, cua. Tỉnh có đào tạo nghề may, sửa điện tử, điện lạnh... cho thanh niên nông thôn nhưng không phát huy được buộc họ phải đi Bình Dương làm thuê. "Có chi đoàn chỉ có 5 - 7 đoàn viên bởi phần lớn bỏ xứ đi làm ăn xa, vì thế phải sáp nhập một số chi đoàn gần nhau lại để hoạt động. Đồng thời, cho đoàn viên chi đoàn cơ quan xã về sinh hoạt tại chi đoàn khóm, ấp nơi mình ở để tạo không khí sôi động hơn trong hoạt động", chị Phượng cho biết.

Anh Nguyễn Hoàng Đạo, Bí thư Tỉnh Đoàn Cà Mau thẳn thắn nhìn nhận, hiện do áp lực về mặt kinh tế là nguyên nhân chính khiến không chỉ cán bộ đoàn cơ sở mà thanh niên ít tha thiết về tham gia các hoạt động đoàn. Ngoài ra, vấn đề đầu ra cho cán bộ đoàn, điển hình như bí thư Đoàn xã hết tuổi không bố trí được phải nghỉ việc nên anh em "tâm tư". Bên cạnh đó, nguồn vốn hỗ trợ cho thanh niên nông thôn phát triển kinh tế còn hạn chế, thanh niên không có việc làm, thu nhập bấp bênh, từ đó dẫn đến họ đi làm ăn xa khá nhiều, gây khó khăn trong công tác quản lý, tập hợp thanh niên vào tổ chức.

Truyền cảm hứng khởi nghiệp

Anh Lâm Thành Sỹ, Bí thư Tỉnh Đoàn An Giang cho biết, thực tế trên địa bàn tỉnh thanh niên đi ra ngoài làm thuê rất nhiều. Hiện tỉnh đang nghiên cứu giải pháp nhưng vẫn chưa có giải pháp nào tối ưu. Tình trạng này không chỉ riêng An Giang mà các tỉnh khác cũng như thế.

Theo anh Sỹ, đối với bí thư chi đoàn ấp, mức phụ cấp chỉ vài trăm nghìn đồng mỗi tháng, nếu gia đình không có kinh tế vững họ cũng sẽ bỏ đi. Từ đó, Tỉnh Đoàn tạo điều kiện cho các bạn vay vốn để khởi nghiệp và bao tiêu đầu ra, khi đó họ mới gắn bó với địa phương và công tác Đoàn. Đồng thời, thông qua đó họ lan tỏa tấm gương để thanh niên khác học tập. “Các bạn bí thư chi đoàn ấp được hỗ trợ và khởi nghiệp thì nói lớp trẻ mới nghe. Bản thân họ khởi nghiệp mới gắn bó với công tác Đoàn và lan tỏa, truyền cảm hứng khởi nghiệp”, anh Sỹ nêu giải pháp.

Chị Nguyễn Phượng Thư, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh An Giang cho biết thêm, khoảng 2 năm nay trung tâm đã hỗ trợ cho vay 28 dự án với nguồn vốn 2,4 tỷ đồng. Đồng thời, các sản phẩm của thanh niên khi đưa vào cửa hàng của trung tâm bán, bước đầu được khách hàng ưa chuộng và đang tiếp tục mở rộng. 

Anh Bùi Quang Huy, Bí thư T.Ư Đoàn cho rằng, vấn đề khởi nghiệp đòi hỏi cán bộ đoàn phải hiểu về nó, triển khai hệ sinh thái khởi nghiệp bao gồm nhiều yếu tố như: Vốn, tài chính, văn hóa, cơ chế chính sách... nhằm thực hiện 2 mục tiêu chính là sản sinh ra doanh nghiệp sáng tạo và thúc đẩy doanh nghiệp sáng tạo hơn. “Vấn đề then chốt hình thành các không gian sáng tạo chính là trong cơ sở đoàn. Đây là nơi sản sinh ra các ý tưởng khởi nghiệp nên cố gắng hình thành trong các trường, đối tượng mà mình phát huy được", anh Huy nhấn mạnh.

Trước thực tế thanh niên rời quê đi làm ăn xa ở nhiều nơi, Bí thư T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy đề nghị các địa phương kiên trì và đẩy mạnh phong trào sáng tạo trong thanh thiếu niên. Đặc biệt, xây dựng hình mẫu giá trị cho thanh niên để tuyên dương, nhân rộng điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi, cán bộ đoàn xuất sắc. 

MỚI - NÓNG