Duyên với nghề hủ tiếu gõ
Lấy hết sức đẩy chiếc xe hủ tiếu gõ ra vỉa hè đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp), bà Võ Thị Hà bộc bạch: “Cách đây chục năm, khu này toàn người Quảng vào bán hủ tiếu. Giờ chắc chỉ còn tầm vài người bám nghề, còn lại chuyển hướng bán chè, bún hoặc về quê...”. Bà Hà quê ở Đức Phổ, Quảng Ngãi, hiện đang ở tuổi 62. Từ hơn 20 năm trước, bà Hà vào TPHCM mưu sinh với nhiều nghề, rồi sau đó gắn với nghề bán hủ tiếu gõ đến giờ. "Thấy nhiều người cùng quê vào Sài Gòn làm ăn nên bà cũng bám theo chứ lúc đó cũng chưa biết sẽ làm gì nơi đất khách", bà Hà nhớ lại. “Ở quê khổ quá, làm việc quần quật mà cũng không đủ cơm no. Tôi nhắm mắt đưa chân rồi tới đâu tính tới đó. Lúc thì bán vé số, nhặt ve chai, có lúc phụ nấu cơm công nhân… Sau đó thấy nhiều người lao động làm việc về khuya thường ghé vào ăn hủ tiếu, cháo lòng bình dân lót dạ, tôi mới tự mày mò nấu hủ tiếu bán trong xóm, rồi đẩy ra mặt đường vỉa hè mưu sinh tới nay” - bà Hà kể.
Là “tín đồ” hủ tiếu gõ khi còn ngồi giảng đường đại học, đến giờ anh Đặng Quốc Thành (30 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) vẫn là khách hàng thân thiết của nhiều quán hủ tiếu gõ vỉa hè. “Đây là món “cứu đói” của chúng tôi suốt thời sinh viên. Hồi ấy, chỉ cần 10.000 đồng ăn tô hủ tiếu là no cả ngày, có sức học hành. Mỗi khi nhìn các cô, chú tần tảo mưu sinh trong đêm, tôi lại nhớ cha mẹ ở quê cũng buôn thúng bán bưng, lo cho chúng tôi ăn học nên người” - anh Thành bồi hồi tâm sự.
Vừa đậy nồi thịt heo đã xắt lát mỏng, chị Nương (43 tuổi, thuê trọ gần khu chế xuất Linh Trung, TP Thủ Đức) vừa kể về quãng đời đã qua. Khi mới 15 tuổi, chị đã theo cha mẹ vào TPHCM bán hủ tiếu gõ. Lập gia đình, hai vợ chồng tự sắm xe hủ tiếu riêng, lấy vỉa hè cạnh khu chế xuất làm “bãi đáp” mỗi buổi chiều vì nơi đây đông công nhân. Làm ăn được, chị rủ thêm mấy người ở quê vào cùng làm. “Địa bàn hoạt động của hủ tiếu trước đây khá rộng, như xe hủ tiếu của tui có bán kính hoạt động ba cây số. Nhưng đó là chuyện trước đây gần mười năm, còn bây giờ nhiều xe quá, địa bàn hẹp lại. Giờ bán cũng ế hơn ngày xưa” - chị Nương tâm sự bằng chất giọng đặc sệt xứ Quảng.
Bà Lê Thị Dậu gắn với nghề hủ tiếu gõ gần nửa đời để nuôi gia đình |
Theo chị Thanh Tâm (quê Quảng Trị), lúc mới vào thành phố, gia đình gặp nhiều khó khăn, hằng ngày phải đi làm thuê sống đắp đổi qua ngày. Sau một thời gian trôi nổi, cuối cùng chị chọn nghề bán hủ tiếu gõ mưu sinh. “Trước đây, ngày hay đêm, tôi đẩy xe hết hẻm này tới hẻm khác gõ lốc cốc kiếm khách, bây giờ thì nghỉ đi rồi, ai ăn thì tới chứ không đẩy xe đi lòng vòng, không gõ lốc cốc tìm khách nữa” - chị nói thêm.
Theo chân bà Lê Thị Dậu (57 tuổi, quê Phổ Cường, Quảng Ngãi), tôi về xóm hủ tiếu trong con hẻm 606 đường 3/2 (quận 10) một chiều mưa bay. Nơi đây đa số người lao động nghèo từ miền Bắc, miền Trung vào thuê trọ để buôn gánh bán bưng. Muốn vào phòng trọ của bà Dậu, tôi phải lách mình vào con đường nội bộ chủ nhà ngăn làm lối riêng chỉ vừa đủ một người đi, phía trước còn án ngữ cột điện nên lách mình vào càng khó hơn.
Hủ tiếu gõ - cứu cánh của nhiều người tha phương vào TPHCM lập nghiệp |
Mở nồi nước lèo nghi ngút khói, thơm phưng phức đang sôi ùng ục trên bếp dầu, bà Dậu kể, bà đã có hơn nửa đời bán hủ tiếu gõ ở vỉa hè đường Lữ Gia, gần trường đua Phú Thọ (quận 11). “Tôi bán hủ tiếu từ khi giá chỉ có 2.000 đồng/tô, nay đã lên tới 25.000 đồng. Khách hàng chủ yếu là người lao động, mấy em sinh viên, cô lao công… có món ăn ấm bụng mà lại vừa túi tiền” - người phụ nữ có nụ cười rất hiền, nói.
Một cái xe hủ tiếu gõ với lỉnh kỉnh các món, nào là thùng nước lèo đang được hâm nóng bằng củi lửa bên dưới; hộc dưới bên cạnh là chỗ để đựng tô và muỗng đũa để lấy ra cho tiện; phía trên là những nguyên vật liệu căn bản để làm nên một tô hủ tiếu gõ bình dân… Ngoài hủ tiếu, bà Dậu còn có thêm hủ tiếu mì, mì gói, mì tươi, hoành thánh, nui… để khách đổi vị, chống ngán.
Nhọc nhằn mưu sinh
Để kịp đẩy xe hủ tiếu ra đường lúc 6 giờ sáng, bà Vũ Thị Hương (gần 65 tuổi, ngụ khu vực ngã tư Bốn Xã, quận Bình Tân) phải dậy từ 3 giờ đi chợ, rồi về sơ chế, nấu nướng. “Làm nghề này ngủ ít lắm!” - bà Hương vừa nói vừa cười thân thiện. Một ngày bà bán hai ca trưa và chiều. Hơn 11 giờ khuya, bà vẫn còn cặm cụi chà rửa nồi nước dùng và xe hủ tiếu sau một ngày mưu sinh. “Hôm nào cũng ngả lưng khi đồng hồ điểm 0 giờ. Mỗi ngày tôi ngủ vỏn vẹn khoảng 3 tiếng đồng hồ. Mình già rồi, sức khỏe yếu nên làm cũng chậm chạp hơn. Nhưng nếu không làm thì không có tiền thuê trọ, lo thuốc thang cho chồng” - bà Hương nói.
Hỏi bà sao không thuê một mặt bằng cố định bán cho khỏe, chứ già rồi làm sao đẩy nổi cái xe không chỉ có nồi nước lèo, hủ tiếu, rau thịt mà còn cả củi lửa bên dưới. Uống ngụm nước đá cho đỡ mệt, bà Hương hướng ánh mắt nhìn xa xăm, khẽ lắc đầu: “Thuê nhà sợ bán hàng không được, tiền đâu mà trả. Bán rong thế này dù có ế hay đắt cũng không nặng gánh tiền thuế. Cũng có khi bị trật tự đô thị thu bàn ghế, do vậy phải vừa bán vừa quan sát, thấy có cơ quan chức năng đi tuần là dọn sát vào bên trong hoặc rong xe đi chỗ khác liền”.
“Khách hàng đều là người lao động nghèo nên phải lấy giá rẻ thì họ mới đến ăn. Những bữa bán hết hàng lời được gần 500.000 đồng/ngày, còn bình thường chỉ đôi ba trăm. Nghề này lấy công làm lời nhưng vẫn phải ráng sức chứ ở quê chỉ với vài sào ruộng thì không có tiền lo cho con ăn học...” - chị Trần Thị Bình (quê Bình Định) có 5 năm bán hủ tiếu gõ trước khu công nghiệp Tân Bình tâm sự.
Bùi ngùi khi nhắc về công việc mưu sinh, chị Bình cho hay, tô hủ tiếu gõ của chị giữ giá bền vững 15.000 đồng/tô từ nhiều năm qua. Thế nhưng tới giờ chị đã “hết hơi” cầm cự bởi nguyên liệu leo thang chóng mặt. “Giá đã lên 20.000 đồng/tô nhưng mình bán đầy đặn hơn, bánh nhiều hơn để khách đến luôn no bụng có sức đi làm. Cũng nhờ vậy nên khách thương và ủng hộ” - người phụ nữ mới 31 tuổi nhưng có đến 3 mặt con trải lòng.
Xe hủ tiếu gõ cũng đơn giản chứ không cầu kỳ như trong cửa hàng. Hủ tiếu gõ là món có thể ăn vào bất kỳ lúc nào, ở nơi đâu khi cảm thấy đói. Khác với món hủ tiếu được bán trong hàng quán có đầy đủ thịt, xương, lòng, sọ heo... giá từ 45.000-50.000 đồng/tô, hủ tiếu gõ chỉ vỏn vẹn vài lát thịt mỏng, một trứng cút, một viên bò viên chẻ đôi. Và đương nhiên, giá cũng chỉ bằng phân nửa hàng trong quán. Thế nhưng hủ tiếu gõ lại là món ăn không chỉ giúp người ăn no mà còn mang đến cho người thưởng thức cảm giác thân quen, gần gũi.