Rong ruổi tìm khách
Một buổi trưa đầu tháng 8, tình cờ gặp ông Võ Văn Tám (64 tuổi) ngồi bên hiên tiệm cơm gà trên đường Võ Văn Kiệt (quận 8) đang cặm cụi mài những chiếc dao, kéo sáng loáng. “Chú mài cho con mấy con dao luôn nhé!”, “Cô ở gần đây không? Chờ chút tôi sắp xong chỗ này rồi chạy theo nghen” - ông Tám đáp khi nghe tôi hỏi.
Bằng những đồ nghề thô sơ, ông Võ Văn Tám đã lo cho cả gia đình bằng nghề mài dao dạo ở TPHCM gần 20 năm qua |
Nhận mấy con dao tôi đưa, ông Tám chọn được bãi đất trống bên hông chung cư rồi dọn mớ đồ nghề trên xe đạp xuống rồi bắt đầu công việc. Đồ nghề của ông Tám là bộ ngựa bằng gỗ bạc phếch, bên trên có gắn cục đá mài và chiếc giũa, cây gọt. Đặt một chân lên bộ ngựa để có điểm tựa, một tay ông bắt đầu quay tròn viên đá mài, tay kia đưa lưỡi dao vào sát viên đá. Những tiếng kêu rẹt rẹt, đôi khi còn phát ra tia lửa… Chốc chốc, ông đưa lưỡi dao lên kiểm tra độ sắc bén để xem có cần mài thêm nữa hay không.
Đoán chừng đã vừa ý, ông dùng cây gọt cà nhẵn hai bên bề mặt lưỡi dao. Sau đó tiếp tục dùng đá nhám rồi tới đá bùn để mài con dao đến khi sáng loáng. Thỉnh thoảng, người thợ dùng miếng mút đã thấm nước lau qua lưỡi dao, với lời giải thích làm cho dao trơn láng, bén lâu hơn. Chưa đầy 15 phút, 5 con dao lớn nhỏ đã lột xác như mới. “Dao này giờ có thể cạo râu luôn đó” - ông Tám cho hay.
Khoe tài sản là chiếc xe đạp chàng ngang có từ thời bao cấp, “quăng đi không ai thèm lấy” - ông Võ Văn Tám dí dỏm nói : “Hồi mùa dịch là chết dí luôn ở quê, tôi chỉ mới vào lại thành phố hồi đầu năm nay thôi. Giờ còn khỏe, còn làm được nghề, kiếm được đồng ra đồng vào mừng lắm”.
Thấy có thợ mài dao, chị Năm, người hàng xóm chung dãy nhà với tôi, cũng đem thêm 5 con dao, 2 chiếc kéo sút cán ra tân trang. Ông Tám mừng rơn: “Nay trúng mánh rồi!”. Mài dao đã khó, mài kéo còn khó hơn vì mài dao là mài cả hai mặt, còn mài kéo thì chỉ mài một mặt và phải mài sát lưỡi. Để kiểm tra độ sắc bén của dao, ngoài nhìn bằng mắt, người thợ còn dùng ngón tay quẹt nhiều lần lên lưỡi dao. Với kéo, phải dùng một miếng vải vụn để cắt nhằm kiểm tra độ bén ngọt.
Người đàn ông có dáng người nhỏ thó, mặc bộ đồ công nhân này quê tận Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, sống bằng nghề mài dao kéo này ở TPHCM đã hơn 20 năm. Nhìn đôi bàn tay đầy gân guốc, đen nhẻm quệt giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, ông Tám kể mình mồ côi từ nhỏ, nhà nghèo không được học hành nên chỉ có thể lao động tay chân để kiếm sống. Rồi ông lấy vợ, sinh liền 3 người con. Mảnh ruộng quê không đủ nuôi 5 miệng ăn, ông quyết định theo mấy người cùng quê vào TPHCM với hy vọng đổi đời.
Trên chiếc xe đạp cọc cạch, những người mài dao dạo rong ruổi cả trăm km/ngày để tìm khách |
Đang trò chuyện, ông gặp đồng nghiệp tên Bình (43 tuổi) đang rảo tìm khách trên đường. Biết đồng nghiệp sáng giờ chưa có mối nào, ông bèn chia phân nửa số dao đang mài dở cho bạn. “Chúng tôi cùng quê, cùng nghề, lại cùng xóm trọ… đói no gì cũng san sẻ, đùm bọc nhau” - ông Tám vui vẻ nói.
Anh Bình cũng đã kiếm cơm bằng nghề “đứt tay như chơi” này gần 15 năm. Theo anh, muốn có khách phải chịu khó chạy rong. Mỗi con dao cái kéo mài xong tiền công chỉ tầm 10.000 đồng/cái, nhưng nếu số lượng nhiều thì mỗi ngày cũng có thể kiếm được đôi, ba trăm ngàn đồng; hàng tháng đều gửi về quê tầm 5 triệu đồng cho vợ con.
Làm nghề bằng chữ tín
Bằng kinh nghiệm nhiều năm làm nghề, ông Trần Văn Huynh (67 tuổi) thường hành nghề dạo ở khu vực quận Tân Bình cho biết, làm cho cây dao, chiếc kéo sắc bén tưởng chừng đơn giản nhưng nghề nào cũng đòi hỏi công phu, kinh nghiệm. Việc mài dao kéo thủ công không phải bằng máy móc hiện đại nên đòi hỏi phải mài giũa tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Những con dao mua ở siêu thị, cửa hàng được làm công nghiệp nên rất cứng, phải mài bằng máy, còn dao mua ở các lò rèn thì chỉ cần mài bằng đá mài. Mỗi chiếc dao lại phù hợp với từng loại đá mài khác nhau. Dao mỏng lưỡi khác dao dày lưỡi, dao đã dùng lâu ngày hay dao mới mua vài ba tháng... cần lực mài khác nhau sao cho phù hợp.
“Làm nghề nào cũng vậy, chữ tín phải đặt lên hàng đầu. Người làm nghề này chẳng có gì đặc biệt cả. Bao đồ nghề cũng quanh quẩn với những dụng cụ tự chế thường thấy. Khác chăng là đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, cẩn thận và không được làm qua loa để lấy tiền. Với dao, kéo thì phải căn cứ vào chất thép để mài cho đúng lực. Mài sắc ngọt thôi chưa đủ mà phải tính toán làm sao để dao lâu bị cùn” - ông Huynh nói.
Khi được hỏi về sự vất vả của nghề, ông Huynh chỉ cười. Với ông, bất cứ nghề nghiệp nào cũng có vất vả riêng nên đã chọn nghề thì tất nhiên phải chấp nhận. Đưa tôi xem vết tích của những lần gặp tai nạn nghề nghiệp, người thợ mài dao có gương mặt khắc khổ vẫn nở nụ cười tươi: “Bị đứt tay hoài à, mỗi lần bị lại mua chai dầu mù u nhỏ vài giọt, băng lại rồi lại tiếp tục làm chứ không thuốc men gì”.
Lân la hỏi chuyện nhà cửa, ông Đỗ Dư cũng là thành viên “biệt đội” mài dao dạo cho biết, đang sống cùng với mấy người đồng hương ở khu Bờ Xe Lam (khu vực Vòng xoay An Lạc, quận Bình Tân). Đó là khu xóm trọ giá rẻ được nhiều dân lao động thuê ở từ rất lâu. Căn phòng chật chội, nóng nực này được ông Dư đứng ra thuê có giá 1,5 triệu đồng/tháng, rồi chia đều cho từng người. “Đàn ông không mà, chỉ cần có chỗ ngả lưng mỗi đêm là được rồi. Càng rẻ càng có tiền dành dụm gửi về quê”- ông nói.
Còn với ông Đinh Văn Út (55 tuổi, ngụ quận Tân Bình) mỗi ngày đều đạp xe gần cả trăm cây số, rong ruổi đến nhiều khu xóm, nhóm chợ ở thành phố Thủ Đức để hành nghề. Theo ông, người Quảng Ngãi chuyên làm nghề mài dao, kéo vì địa phương này có rất nhiều lò rèn. Trước đây, dao, rựa, cù quéo, lưỡi liềm... hầu hết, đều xuất phát từ những lò rèn ở Quảng Ngãi, được phân phối đi khắp nơi. Nghề rèn ở quê hiện không còn thịnh hành nên những người mài dao, kéo trước đây hoặc con cháu của họ ngày nay ly tán khắp nơi kiếm sống, trong đó phần lớn chọn đến TPHCM tiếp tục nghề mài dao kéo. Vài ba người tập họp lại thành nhóm thuê chung một phòng ở để đỡ tốn kém tiền bạc.
Khó khăn, thiếu thốn đủ bề nhưng với những người làm nghề mài dao kéo dạo gần như không có chuyện cạnh tranh, phá giá để giành khách. Mọi người đều biết địa bàn, mối mang của nhau, thậm chí họ còn chia sẻ công việc cho nhau để ai cũng có cơm ăn.
Một số người có điều kiện thì đi bằng xe máy, nhưng nhiều người vẫn đạp xe rong ruổi cất lời rao tìm khách cần mài dao khắp các ngóc ngách phố phường. Dù ngày mưa hay nắng, họ vẫn cần mẫn rong ruổi vì sau lưng họ là cả gia đình, là hạnh phúc của người thân và tương lai các con.
(Còn nữa)