Duyên biển - kỳ cuối:

Những 'vỏ ốc biển' của nhạc sĩ Thế Hiển

Ca sĩ Hoàng Hiệp hát cho lính đảo nghe ngay trên bờ biển đảo Song Sử Tây. Ảnh: Trường Phong
Ca sĩ Hoàng Hiệp hát cho lính đảo nghe ngay trên bờ biển đảo Song Sử Tây. Ảnh: Trường Phong
TP - Chẳng ai ăn ốc ai đổ vỏ ở đây cả mà mấy con ốc biển của các chiến sĩ Trường Sa tặng nhạc sĩ kiêm ca sĩ Thế Hiển. Một động thái trẻ thơ khi Thế Hiển áp nó lên tai. Và điều bất ngờ đã xảy ra riêng với Thế Hiển, ca khúc vỏ ốc biển ra đời.

Vào Tam Quan dự chương trình Chung tay góp sức bảo vệ chủ quyền biển Đông tôi đụng nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha.

Lâu không gặp mà lần gần nhất thấy Thụy Kha sánh vai với GS râu dài kháu lão Văn Như Cương bình phẩm chương trình Giai điệu tự hào trên tivi.

Lại được cầm trên tay tập tuyển Trường ca kịch thơ như tố cáo cái sức làm việc hơi bị khủng của lão.

(Thụy Kha lại hát được mới ngại! Ca khúc về biển đảo có tên Bãi cát vàng, bãi cát vàng không giống như đa phần ca khúc mà lão là tác giả, Thụy Kha ngẫu hứng diễn xướng trong chương trình văn nghệ phục vụ bà con ngư dân cũng theo lối riêng đã nhận được lắm lắm cái vỗ tay?).

Cứ lẩn thẩn nghĩ, mặt bằng nhạc Việt mà tự dưng bặt đi một Thụy Kha thì có lẽ cũng hơi bị buồn? Riêng cái đoạn nắm lý lịch chi tiết cùng là trích ngang của tất tật các nhạc sĩ Việt, lão là nhất! Trên xe, lão đang oang oang điện thoại cho một ai đó ra Quy Nhơn ngay đi có chương trình Biển đảo tuyệt lắm. Không có ngón đàn của mày không xong!

Ngón đàn? Thì bộ nhớ lão này có mà vô thiên lủng các nhạc công ca sĩ găm vào. Nhưng đến khi về Quy Nhơn ngón đàn mà Thụy Kha nhắc ấy là nhạc sĩ kiêm ca sĩ Thế Hiển đang tươi cười với chiếc ghita trên tay. Khăn rằn quấn cổ, tòn ten chiếc mũ tai bèo. Một Thế Hiển thanh thoát nhang nhác một thành viên của một tốp ca khúc chính trị nào đó của những năm đầu tám mươi thế kỷ trước?

Chương trình như bất ngờ xôm tụ với sự hoạt náo của Thế Hiển. Thật sự ấn tượng, ngạc nhiên khi hàng ngàn ngư dân Tam Quan đã vỗ tay nhịp theo giai điệu cùng ca từ Vỏ ốc biển do chính tác giả đang hết mình thể hiện.

… Trường Sa đảo xa nơi đây anh vẫn cùng đồng đội. Canh giữ biển trời giữa sóng gió trùng khơi. Những nỗi nhớ anh gửi vào lòng ốc biển/ Ôi Tổ quốc thiêng liêng/ Nam quốc sơn hà nam đế cư…

Không ngờ âm thanh của cái đàn ghita gỗ qua khuếch âm micro lại hiệu ứng lớn như vậy. Giọng ca cùng tiếng đàn như át gió sóng rào rạt Tam Quan.

Những 'vỏ ốc biển' của nhạc sĩ Thế Hiển ảnh 1

Thụy Kha diễn ở Tam Quan

Cái vỏ ốc mà chiến sĩ Đảo Đá Tây Trường Sa mò lên từ biển tặng Thế Hiển mùa xuân năm 2013 bình thường như muôn vàn vỏ ốc khác có điều nó to nhỉnh hơn. Ai cũng có thể nghe những âm thanh là lạ u u nhưng cái tai thẩm âm của Thế Hiển đã thành lời có nghe tiếng sóng dạt dào là nỗi nhớ gửi về em.

Thế Hiển nâng niu cái vỏ ốc rồi chằm chằm ngó như thứ gì lạ lắm… Và ngay đêm đó trên con tàu HQ-96, Thế Hiển dùng âm thanh chiếc ghita gỗ, vật bất ly thân để thăng hoa những ca từ mới vừa vỡ vạc. Ấy thế mà khách đi tàu thăm Trường Sa và các chiến sĩ Hải quân có mặt đã nhiệt liệt hoan nghênh.

Nam quốc sơn hà nam đế cư.

Tôi thần người ra khi lần đầu tiên nghe câu thơ Thần của Lý Thường Kiệt được phổ nhạc. Mà nuột. Mà hạp tai.

Cứ ra đến Trường Sa là Thế Hiển lại viết được. Chuyến ra đảo tháng 4 năm 2012, có vài ca khúc chưa công bố.

Ngồi với Nghệ sĩ ưu tú Thế Hiển tò mò thêm về Hát về anh người chiến sĩ biên cương… Vầng trán cao cao của Thế Hiển như nhíu lại một kỷ niệm. Thế Hiển khi đó là ca sĩ trong đoàn Bông sen được biệt phái trong một đội hình đi biểu diễn ở nước ngoài do nhạc sĩ Chánh Trực phụ trách. Đoàn nhiều ca sĩ có danh như Thanh Hương, Kiều Trinh, Bích Phượng…

Chuyến đi kết thúc về Hà Nội, cả đoàn được chú Sáu Dân (Thủ tướng Võ Văn Kiệt) khi đó mới chuyển công tác ra Hà Nội kêu cả đoàn đến chiêu đãi bữa lẩu mắm Nam bộ. Trong bữa lẩu đậm đà hương vị Nam bộ lẫn tình người, chú Sáu Dân hối mọi người có tài gì thì cứ phô diễn hết ra… Thế Hiển ngập ngừng nhưng trong không khí thân mật dùng ghita gỗ thể hiện bài Khi bong bóng bay mà anh mới viết.

Những 'vỏ ốc biển' của nhạc sĩ Thế Hiển ảnh 2

NS Thế Hiển hát ở Tam Quan ảnh: XB

Ngày xưa khi còn bé thơ, tôi thẫn thờ nhìn bong bóng bay. Bóng bay muôn màu, xin mẹ mua cho…

Ca khúc ấy khi đó khá nổi ở thành phố. Chú Sáu nghe gật bảo không ngờ ca sĩ Thế Hiển lại có khả năng sáng tác, nhưng ráng giảm bớt cái tôi đi nghe…

Rồi chú Sáu nói luôn đại ý, tụi bây vừa qua một chuyến đi xa chắc mệt. Nhưng đồng bào chiến sĩ biên giới rất khát văn nghệ. Nên cố gắng thu xếp một chuyến ra biên giới Quảng Ninh đi…

Cả đoàn nhất trí theo lời khuyên của chú Sáu Dân.

Chiếc xe Hải Âu cũ kỹ màu vàng chở đoàn văn nghệ xung kích hướng về quân khu Đông Bắc thẳng tiến từ Hà Nội về đến Mông Dương thôi mà đã trọn một ngày những gập ghềnh trúc trắc vì đường xấu.

Trên đường đi những đoàn quân dài dặc ra trận. Đường xấu. Bụi đỏ quạch che lấp nhưng vẫn ẩn hiện sáng rõ nụ cười của các anh lính trẻ.

Đêm lạnh khó ngủ, Thế Hiển thức dậy vẫn thấy bóng người chiến sĩ gác đứng im phắc canh cho mình ngủ…

Rất nhiều bài thơ đặc biệt là đề tài về biển đảo nhưng chưa thấy Thế Hiển phổ bài nào? Thế Hiển cười lắc đầu rằng phổ thơ không phải là tạng của tôi. Nó như một thao tác lắp ghép? Và luôn tự nhủ mình phải tự đặt lời, và kiểm tra thẩm định luôn bằng chính giọng hát, tiếng đàn của mình.

Một ba lô, cây súng trên vai. Người chiến sĩ quen với gian lao. Ngày dài đêm thâu vẫn có những người lính trẻ. Nặng tình quê hương, canh giữ trên miền đất Mẹ…

Những giai điệu những ca từ hình thành từ đó.

Sau chuyến đi biểu diễn ở biên giới Quảng Ninh về một tuần thì Tết. Dẫu đời sống bao cấp gian khó ngặt nghèo nhưng người dân thành phố vẫn được hưởng không khí thanh bình.

Cho em vui mùa xuân.

Ngay những ngày áp Tết năm ấy, nhiều tụ điểm ca nhạc của thành phố và trên làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam đã vang đã truyền khắp giai điệu của ca khúc Hát về anh người chiến sĩ biên cương.

Chương trình ca nhạc giao thừa năm ấy, dâng nén nhang lên, chợt ca từ bài hát vang lên, Thế Hiển gai người khi nghĩ đến những gương mặt lính trẻ đâu đó những đêm lạnh Đông Bắc…

Tôi thấy mình hơi thô khi gạ Thế Hiển Lần này đến Tam Quan, đã có giai điệu gì chưa? Anh cười: Cũng tàm tạm rồi, nghe nhé từ Tam Quan chân ta bám tàu, chân ta bám đất. Đất níu ta biển du ta…

Gia tài của Thế Hiển khoảng gần trăm ca khúc trong đó hơn 40 ca khúc đã được phổ biến. “Dấu chấm hỏi”, “Người mẹ và hoa sưa trắng”, “Người phu xe”, “Nhong nhong nhong”, “Cho dù có đi nơi đâu”… từng có sức sống lâu bền. Vẫn còn một số ca khúc mà Thế Hiển chưa công bố. Thế Hiển luôn biết ơn người thầy đáng kính, nghệ sĩ nhân dân Quốc Hương đã từng truyền lửa cho các học trò thời gian 1976-1980 (Thế Hiển theo học chương trình trung cấp thanh nhạc của thành phố) rằng, những ca từ phải từ tim từ ruột chứ không lờ vờ từ cổ họng phát ra. Sáng tác cũng như hát đều phải có ngọn lửa nhiệt tình…

Nổi tiếng hay có danh thế nào tôi không quan tâm - Thế Hiển thành thực - nhưng luôn tâm niệm một điều là viết sao cho dung dị, dễ hát, truyền được cảm xúc của mình đến với mọi người để người ta nhập cuộc, chia sẻ với mình. Có phải vậy mà ông bạn già Thụy Kha nhận xét rằng, những ca khúc của Thế Hiển không cầu kỳ, không có nhiều biến âm, không nhiều kỹ thuật cổ điển mà mang phong cách nhạc nhẹ với âm hưởng dân ca.

Kể ra cũng nhô nhỉnh trên mặt bằng sáng tác và biểu diễn, thế mà nhạc sĩ, ca sĩ Thế Hiển không, à chưa có album nào. Những bấn bíu cat xê cùng các cuộc tụ bạ salon không đủ sức níu kéo ông nhạc sĩ sắp lục tuần này luẩn quẩn ở chốn thị thành cùng xuôi tay thở dài làm một thứ tổng kết album nào đó.

Thế Hiển nói mình vẫn chống gậy đi tìm cảm xúc là cái cách nói vui chứ đúng hơn là Thế Hiển cầm đàn, và say mê sẵn sàng vuột theo những chuyến đi. Như vài chục năm trước thuở một ba lô cây súng trên vai… Những vùng quê heo hắt xa ngái, nhất là biển đảo luôn là thứ ma lực. Hình như những chốn ấy là nơi đi về và cân bằng lại một Thế Hiển ở tuổi lục tuần từng chông chênh với vài cuộc hôn nhân chả đâu vào với đâu?

 Duyên biển với đảo của Thế Hiển quả là bền dai...

MỚI - NÓNG