Mở chút ngoặc về người đứng đầu tập đoàn tài chính BIDV Trần Bắc Hà. Đành một nhẽ, các đại gia thường quan tâm đến quê kiểng của mình theo cách riêng. Cách riêng ấy là ở mỗi điểm nhấn gì đó của Bình Định lại ló dạng một Trần Bắc Hà. Khu kinh tế Nhơn Hội đang dần xôm tụ. Một du lịch Bình Định đang khởi sắc. Loại hình hô bài chòi miền Trung độc đáo vừa được phục dựng khá phong phú ở Bình Định vv… cũng thấp thoáng dấu ấn Trần Bắc Hà.
Lúc này đây, ông Trần Bắc Hà đầu trần giữa chang chang nắng miền Trung bộc bạch trước ngư dân Tam Quan Bình Định trong buổi lễ phát động Chung tay góp sức vì Biển Đông, ủng hộ ngư dân vươn khơi bám biển đại ý, tôi đến đây không phải để công bố việc hỗ trợ ủng hộ 26,7 tỷ đồng của BIDV cho lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển và ngư dân mà muốn cùng các cơ quan có trách nhiệm và bà con ngư dân xây dựng được một cơ chế, một niềm tin để bám biển trong tình hình ngư trường chúng ta đang bị Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm, hung hăng đe dọa phá phách…
Tôi đương lan man nghĩ thêm một việc.
Hình như con cá ngừ đánh bắt tít ngoài khơi xa, giá trị thương mại ở thị trường Nhật, Đông Bắc Á và EU đã gợi mở một tư duy cần thiết của việc chế tàu vỏ thép công suất lớn? Và gần hơn, việc gây hấn khốn nạn kéo giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc thì mới bừng tỉnh việc lý ra phải sắm sanh sớm hơn tàu vỏ sắt, vỏ thép.
Như một thứ nhất cử lưỡng tiện, những con tàu công suất một ngàn hoặc hơn cho đến hai, ba ngàn sức ngựa trọng tải hàng trăm tấn đủ sức vươn khơi xa dài ngày bám những ngư trường giàu đặc sản cá ngừ rất đắc dụng. Những con tàu cá vỏ thép của ngư dân ấy khi không may lâm sự bị tàu Trung Quốc hung hăng đâm húc thì cũng chả thể dễ dàng bị lủng bị chìm như tàu gỗ hẩm hiu như ngư dân từng gặp trên biển Hoàng Sa vừa rồi.
Những con tàu cá ngư dân dũng cảm lỳ lợm chỉ trở thành những cột mốc sống- chủ quyền vững chãi một khi được trám thép bọc sắt. Những con tàu gỗ trong thời biển động đã bộc lộ sự bất cập thua thiệt. Càng lâm sự vào cuộc chiến tranh du kích những va- đâm- vọt- tránh này mới thấy hối tiếc xót xa bao nhiêu cho những tập đô la ngoại tệ đã dán dày, đã trang điểm một cách vô ích lên các con tàu Vinashin, Vinalines.
Nếu như tĩnh trí đôi hồi biết lo xa, san bớt một hai phân độ dày của thép của sắt chi phí chả hết mấy hột Việt Nam - đồng cho những con tàu vỏ thép công suất lớn làm nên một mũi chủ công của kinh tế biển xa bờ và rất đắc dụng khi hữu sự về chủ quyền quốc gia biển đảo những ngày bị đâm húc ở vùng biển nóng Hoàng Sa?
Mà cũng lạ, chúng ta đã có hẳn một điều rành rẽ trong Nghị quyết Đại hội XI gắn phát triển kinh tế biển với đảm bảo quốc phòng an ninh bảo vệ chủ quyền vùng biển. Và có cả một Ban chỉ đạo Nhà nước về Biển Đông và Hải đảo. Và có cả chương trình điều hành với hệ thống văn bản pháp luật gồm 7 Luật, 6 Pháp lệnh, 2 bản Tuyên bố, 19 Nghị định và 6 Quyết định. Nhưng đến giờ sự cấp bách cần thiết sắm sanh những con tàu vỏ sắt công suất lớn mới khẩn thiết?
Tàu cá vỏ sắt có chiều dài hơn 25m, rộng khoảng 8m, cao mạn 4m, mớn nước 3m, công suất gần từ 900 CV trở lên và trọng tải trên 120 tấn. Tàu được trang bị đầy đủ trang thiết bị hàng hải hiện đại gồm hệ thống rađa, máy định vị GPS, la bàn từ, máy thu phát hai chiều cầm tay...
Trên tàu có 6 khoang chính chứa thủy sản, hai khoang chứa thiết bị và ngư lưới cụ, một khoang chứa lương thực thực phẩm, một hầm khoang máy có hai két dầu chứa, hai khoang chứa nước. Tàu thiết kế cho 18 thuyền viên, nhiên liệu lương thực dự trữ đảm bảo cho tàu hoạt động liên tục 2.000 hải lý trong 30 ngày đêm.
L.M
Những phóng viên theo tàu cảnh sát biển chứng kiến những con tàu gỗ của ngư dân dũng cảm lầm lụi cày xới cần mẫn trên ngư trường Hoàng Sa có lẽ lúc nào đấy thoáng dậy lên một cảm giác cô đơn? Giá như đấy là những tàu vỏ thép bám theo những con tàu cảnh sát biển thì đội hình đi làm ăn, đi giữ chủ quyền nó có phải tự tin và sung sức hơn không? Rồi trực tiếp chứng kiến những cú đâm húc dã man, những là tàu hải giám hải cảnh, tuần ngư và tàu cá vỏ thép Trung Quốc nhắm vào những con tàu gỗ vài trăm sức ngựa hiền lành của ngư dân Đà Nẵng, Lý Sơn?
Giấc mơ của nhiều ngư dân bởi nó là cả một gia tài và không phải ngư dân nào cũng dễ sắm được? Kỳ trước, tôi đã thoáng qua về con tàu gỗ gọi là lớn của ngư dân Nguyễn Đồng 440 CV mà phải sắm sanh vay mượn cật lực mới có nổi 3,1 tỷ để đóng! Nhưng tàu ấy khác chi chiếc lá giữa đại dương. Ngư trường cá ngừ và dài ngày ở Trường Sa, Hoàng Sa phải lớn, phải cỡ 1.000 CV hoặc hơn. Cụ thể như chiếc tàu vỏ sắt công suất 1.000 CV trị giá hơn 5 tỷ mà BIDV trang trọng tặng Trung ương Đoàn ngay trong buổi lễ Chung tay góp sức… (tàu ấy để Trung ương Đoàn trang bị cho Đội thanh niên xung kích biển đảo ra khơi đánh bắt hải sản ở biển xa góp phần bảo vệ chủ quyền).
Mỗi tàu vỏ thép, chi phí phải cỡ gấp đôi tàu của Nguyễn Đồng ở làng chài Tam Quan, cụ thể là từ 5,5 - 7 tỷ đồng. Sức sắm và đóng ấy vượt xa thực tại của đa phần ngư dân. Vậy nguồn đâu ra nếu không trông cậy vào vốn vay của nhà nước?Vậy thì cái cơ chế cùng niềm tin mà ông thủ lĩnh BIDV đang bộc bạch giữa trưa nắng này là gì vậy?
Ông Hà đang thống thiết, để đến năm 2017, chúng ta có 1.000 con tàu vỏ sắt công suất lớn cùng với hệ thống dịch vụ đánh bắt vươn khơi xa, chúng tôi kêu gọi mỗi người trong độ tuổi lao động dành 100.000 đồng/năm để ủng hộ kinh phí cùng Nhà nước và bà con ngư dân thực hiện. Chúng ta làm một phép tính đơn giản, hiện nay cơ cấu dân số vàng cả nước có 52 triệu người trong độ tuổi lao động, nếu thực hiện được lời kêu gọi trên thì mỗi năm Nhà nước sẽ có 5.200 tỷ đồng chi dùng cho lực lượng chấp pháp, ngư dân đồng thời củng cố tăng cường tiềm lực quốc phòng cho quốc gia.Rồi như một lời kêu gọi, ông đề nghị Trung ương Đoàn đóng vai trò đầu tàu xung kích trong chương trình xây dựng hệ thống các cột cờ Chủ quyền Tổ quốc tại tất cả các đảo trên thềm lục địa lãnh hải của Tổ quốc.
Chớ nghĩ vội 26,7 tỷ ủng hộ hỗ trợ và 3.000 tỷ cho vay là thực. Còn những bộc bạch như một lời kêu gọi kia là ảo. Mà có nên gọi những lời hiệu triệu ấy là ảo là giấc mơ không khi chẳng phải là nan giải lắm để trở thành hiện thực bởi quân của BIDV đã tiên phong thực hiện. Ông Hà đang nói đến 3,2 tỷ đồng thu được góp vào quỹ ủng hộ biển đảo từ tin nhắn của 1,8 vạn cán bộ CNV BIDV. Ông đang nói trong năm nay sẽ tiên phong phối hợp với T.Ư Đoàn thực hiện xây dựng trước 6 cột cờ trên 6 đảo (Đảo Trần, Cô Tô, Cồn Cỏ, Phú Quý, Côn Đảo, Cù Lao Xanh) với kinh phí trên 5 tỷ đồng. Rồi việc củng cố hậu phương của những ngư dân bám biển xa cũng phải tính tới bằng việc BIDV tiên phong ủng hộ gần 3 tỷ đồng để dành tặng 1.000 suất học bổng 50.000 cuốn vở cho con em ngư dân và sắm thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh cho những vùng có ngư dân đánh bắt xa bờ vv…Nói là bộc bạch thống thiết hay lời kêu gọi hiệu triệu cũng được của ông thủ lĩnh BIDV đã có sức lan tỏa. Bằng cớ là ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chứng kiến buổi lễ đã nhận xét bằng phát biểu
Đây là sáng kiến rất kịp thời và vô cùng có ý nghĩa. Hy vọng rằng, doanh nghiệp người lao động cả nước sẽ tiếp tục có những hành động thiết thực chung tay góp sức vì biển đảo quê hương.Hình như đồng thanh tương ứng… Một ngày sau bộc bạch giữa trưa nắng của ông Trần Bắc Hà, ông Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã tuyên bố trong buổi họp báo của Chính phủ là sắp tới Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn sẽ triển khai gói 10.000 tỷ đồng với cơ chế cho vay thích hợp, ưu đãi để ngư dân bám biển.
Chắc chắn sẽ có thêm nhiều tàu cá vỏ sắt công suất lớn bền gan cùng ngư dân.