Cai khúc duyên dáng nhất của Tam quan xứ dừa Bình Định choài mình nghiêng nghiêng cùng biển chính là làng chài Lâm Trúc của xã Hòa Thanh. Tự hồi nảo hồi nào Hòa Thanh chắt chiu cần mẫn và cả ngang tàng nữa với sinh kế biển. Không chỉ men ven trong lộng mà nhoài mình xa hơn những ngư trường tận Hoàng Sa, Trường Sa. Riêng ngư trường Trường Sa hiện giờ hơn 50% ngư dân Bình Định đương cần mẫn cày xới.
Hơn hai ngàn dân hành nghề biển của Hòa Thanh cùng đội tàu thuyền 280 chiếc với công suất non trăm mã lực (CV) mỗi tàu. Gần đây, ngư dân sắm sanh ngày mỗi nhiều thêm tàu cá công suất tròm trèm 400-500 CV vươn xa trụ vững trên vùng biển chủ quyền giữa Hoàng Sa và Trường Sa. Nghề biển như sinh sắc thêm bởi giá trị của thứ cá ngừ đại dương xuất khẩu. Mà khoảng biển ấy lại rất sẵn thứ cá ngừ.
…Tôi bệt xuống khoảng sân rời rợi gió biển của nhà anh Nguyễn Đồng làng chài Lâm Trúc nghe chủ nhân thuật lại việc con tàu của anh bị tàu Trung Quốc hành hạ tháng 10 năm ngoái. Hành hạ dã man, không còn tính người. Không thể gọi một từ nào khác.
Đêm ấy ở ngư trường quen thuộc mạn Bắc Trường Sa. Con tàu 440 mã lực của Đồng có 8 ngư dân đang chuẩn bị buông một mẻ lưới cá ngừ. Thời tiết thuận, bể êm… Mọi chỉ số như khởi đầu cho một chuyến biển trúng đậm.
Bỗng một chú em giật mạnh tay “Anh Đồng có tàu…”. Chất giọng giật thột ấy không phải báo có tàu thuyền của ta mà tàu lạ, tàu của Trung Quốc kế gần.
Một tàu hải giám màu chì lù lù xuất hiện. Con thuyền cá gần năm trăm CV của Đồng kể cũng đã lớn nhưng so với thứ quái vật hải giám này chỉ như con cá nục trước con cá mập. Tám thuyền viên trên tàu của Đồng vẫn thản nhiên tất bật chuẩn bị cho công việc của mình vì cái chuyện tàu thuyền của Trung Quốc mấy năm gần đây thi thoảng áp sát chọc quấy nên họ đã quen.
Điên, bực vì mỗi lần áp sát như thế, việc buông câu thả lưới gặp không ít trục trặc gián đoạn. Có lần tàu cá, tàu hải giám của họ ngang nhiên cuốn lưới giật khều dây câu thô bạo. Nhưng anh em bảo nhau, thôi cố nhịn kẻo hỏng cả chuyến đi biển…
Nhưng lần này có vẻ khác. Khác ấy tiếng gầm gừ gằn máy xen lẫn tiếng quát tháo. Mà lạ có đứa còn nói tiếng Việt rất thạo đứng im không được cựa quậy, bọn tao bắn nát đầu bây giờ!
Ngư dân Nguyễn Đồng
Tất tật cỡ đèn trên con tàu xám chì kia đều bật rọi thẳng vào con tàu cá bé nhỏ của Đồng. Đồng nhắc anh em bình tĩnh, đừng nói, đừng hành động gì cả. Con tàu xám chì áp sát. Tròng trành như thế mà gần mươi thằng lực lưỡng coi bộ có nghề, nhảy rất gọn sang con tàu cá của Đồng. Ngoài súng ra, mỗi đứa lăm lăm một dùi cui.
Thằng nào cũng mắt híp đằng đằng sát khí giơ súng bắt cả 8 anh em quỳ xuống. Một số thì tản đi lục lọi khắp tàu.
Còn ai nữa không? Khi biết con tàu cá chỉ có 8 người, cái giọng Việt lại gầm ghè thằng nào là thuyền trưởng? Đồng xưng… Bất đồ một cú dùi cui điện vụt cái bịch vào ngực khiến Đồng choáng váng gục xuống. Một thằng khác nhao tới xốc Đồng dậy bắt quỳ tiếp.
Rồi không nói năng gì, chúng dùng dùi cui vụt quật tới tấp vào 8 anh em đang không có một thứ gì trong tay. Tất cả ôm đầu lăn lộn tránh những cú vụt, quật hiểm. Phía bên con tàu hải giám, rộ lên những âm thanh cổ vũ khoái trá. Thân cô thế cô, biết có chống cự lại cũng vô ích. Đồng thoáng nghĩ nếu chống trả lại chúng điên lên ngứa tay xả súng...
Bọn cầm dùi cui canh chừng và hộ vệ. Một cuộc cướp bóc bắt đầu. Cứ như từng thuộc đường đi lối lại và quen biết những vị trí để những tài sản có giá trị trên con tàu cá, chúng lột tháo, giật lần lượt những máy định vị, máy bộ đàm, radio, lưới cùng tất tật các ngư cụ khác.
Chúng chui xuống hầm tàu, xộc vào mọi ngõ ngách khuân vác những bao gạo và thực phẩm dự trữ kể cả muối mắm sang bên tàu hải giám. Đồ dùng áo quần của anh em thì chúng liệng xuống biển kể cả những vuông đá cây dùng ướp cá.
Rồi một hành động mà anh em thoáng ngó đã rùng mình. Một bọn lực lưỡng hè nhau tháo rời động cơ tàu rồi ném tòm xuống biển. Rồi chúng hè nhau uỵch xuống biển mấy phi dầu là thứ máu nuôi sống con tàu cá!
Sau một hồi lục lọi vơ vét, phá phách, cả bọn thản nhiên nhảy sang tàu mình. Cái giọng Việt lại vọng lại đe dọa về bảo với các tàu khác cấm bén mảng ra vùng biển này nghe chưa?
Con tàu màu xám chì thoáng cái đã chìm hút trong biển đêm đen kịt.
Bị đánh khá đau nhưng may chưa có ai bị ngất. Con tàu 440 mã lực ngó như chưa hề hấn gì nhưng bây giờ không động cơ, không bộ đàm la bàn, không máy định vị… bồng bềnh trên biển đêm.
Ta tính sao anh Đồng? Trước câu hỏi của anh em, Đồng không nói được sau những cú quật chí mạng hồi nãy… Nhưng vẫn tỉnh táo để thoáng lường một hành trình gần như vô vọng, con tàu cá vừa mù vừa liệt của anh sẽ phải thả trôi lênh đênh không phương hướng. May ra thì nhờ gió tạt vào đất liền. Còn không thì cứ dạt mãi ra đại dương bao la.
Trong màn đêm đen kịt, tập tễnh rờ kiểm lại thấy không còn một thứ gì để nuôi sống con tàu cùng 8 người. Điện thoại di động, đèn bấm rồi ngay cả những cái hộp quẹt, bọn cướp biển cũng vơ vét hoặc vứt mất. Trời ơi, mấy thùng nước ngọt dự trữ chúng cũng đổ sạch.
Không nói ra hết những tình huống vừa thoáng nhanh trong đầu, nhưng Đồng biết anh em cũng đã lường trước được những hậu họa có thể diễn ra với con tàu cá vừa mù vừa liệt này!
Nhưng Đồng vẫn động viên anh em rằng cứ phải bình tĩnh, biết đâu vùng biển này sẽ có tàu cá ngư dân, không Bình Định thì tỉnh khác vẫn thường xuyên đánh bắt, họ sẽ phát hiện ra tàu mình, khi ấy sẽ có cơ hội kêu cứu.
Trời rạng rồi sáng bạch. Kinh nghiệm bao năm đi biển những là nghe gió, cả ngửi gió nữa, rồi đoán con nước… của 8 ngư phủ cộng lại cũng chẳng ai lần tìm ra đáp số rằng hiện con tàu mù liệt của họ đang ở vị trí nào trên đại dương mênh mông? Và phía nào là đảo Thuyền Chài hay Đá Tây của Trường Sa thân thương mà họ thi thoảng ghé qua mỗi chặng hải trình đánh bắt?
Rồi dằng dặc một ngày chao đảo dật dờ chậm chạp nhích. Không gặp một con tàu cá nào.
May có mấy gói mỳ tôm bọn cướp biển bỏ sót vương vào góc. Anh em chia nhau nhấm nháp.
Gian nan nhất là nước uống. Cũng đành phải quên đi.
Thêm một đêm khắc khoải hãi hùng…
Niềm tin cùng sự phán đoán của Đồng và anh em đã thắng. Gần trưa ngày thứ hai gặp nạn, họ đã gặp một con tàu cá. Tàu của ta, của ngư dân Bình Định.
…Tôi nán lại với cụ Mễ, thân sinh anh Đồng. Tuổi ngoài 90 mà sải bước vẫn vững, cái lưng vẫn thẳng băng. Từ đời cụ kỵ cụ Mễ, nhà cụ cũng như hàng trăm hộ của Hòa Thanh, Tam Quan này đã bám bể. Đi lộng thì với cái mủng đang úp ở góc sân kia đắp đổi bằng những mớ tôm vụn, mớ cá nục… Xa khơi thì những con thuyền gỗ. Mà hồi đó không có động cơ với các mã lực như bây giờ thế mà ông thân của cụ rồi ông nội của cụ Mễ đã dập dềnh tận vùng biển gần Trường Sa hoặc đoạn giữa Hoàng Sa với Trường Sa…
Cứ như câu chuyện của cụ Mễ, lâu lắm rồi cụ không đi biển nhưng qua đám con cháu, cụ thấy thời buổi này xem chừng đang khó làm khó ăn đây. Dập dềnh lộng thì cật lực cũng chỉ ít cá vụn. Có vụt ra khơi xa bờ thì mới mong có cá lớn nhất là loại cá ngừ, nội địa lẫn xuất khẩu đều có giá. Trúng ra mỗi chuyến đi biển cũng trăm triệu hơn kém. Vậy nên, thằng Đồng nhà cụ cũng chi chút gom góp thứ có để dành, thứ vay nguội thứ vay nóng sắm hẳn một con tàu lớn giá tới ba tỷ mốt bạc.
Nhiều chuyến cũng khá. Lại cất được căn nhà khá tươm này. Nhiều tàu cá của Lâm Trúc, Hòa Thanh đây cũng tạm mát mặt từ việc khai sắm tàu lớn ra khơi xa. Cứ cái đà yên ổn dài dài bám ngư trường cá ngừ sẽ khá lên chả mấy hồi nhưng khốn nạn, lại gặp nạn bọn cướp biển trá hình quấy nhiễu phá phách…
Cụ Mễ nhệch ra một nụ cười móm mém rằng người còn thì của còn. Hỏi thêm anh Đồng thì được biết, sau lần gặp nạn ấy vẫn chẳng làm anh lẫn đám bạn chài nhụt chí. Vẫn rất nhiều tàu ra ngư trường từng gặp nạn ấy. Tàu của Đồng sau một thời gian nằm ụ cũng đã ra khơi. Từng hút chết nhưng vẫn nguyên vẹn cái nết yêu biển, cái nết lam làm…
Tàu cảnh sát biển của ta tăng cường hỗ trợ ngư dân ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa giàu cá ngừ của dân Bình Định nói riêng và nhiều tỉnh khác. Thế nên đám hải cảnh, hải giám Trung Quốc không dám làm tàng như cái lần anh Đồng lâm nạn.
Ngó ngư dân Nguyễn Đồng cùng hai hộ (cũng từng bị tàu Trung Quốc khủng bố) đón nhận mỗi hộ 50 triệu đồng cùng 30 hộ khác (mỗi hộ được nhận 5 triệu đồng để bổ sung nhu yếu phẩm cho những ngày đi biển sắp tới) thấy vẻ tự tin bình thản của anh Đồng cùng các ngư dân Tam Quan như được nhân thêm lên từ sự xúm tay chung sức ấm áp của ngân hàng BIDV, của đồng bào cả nước. Những cột mốc chủ quyền sống ấy sẽ không đơn độc trên ngư trường Hoàng Sa Trường Sa.
Để ý, các ống kính truyền hình sau cuộc lễ mãi hướng về đội hình 30 tàu cá cùng 300 ngư dân Tam Quan đang nhổ neo vươn khơi.
Sau cái buổi ngồi với cha con cụ Mễ, ngay hôm sau, tại đất Tam Quan cách làng chài Lâm Trúc không xa, tôi đã may mắn được chứng kiến Chương trình Chung tay góp sức bảo vệ chủ quyền biển Đông của Ngân hàng BIDV phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức. Trong số tiền 25,7 tỷ đồng mà BIDV ủng hộ cho các lực lượng Cảnh sát biển, kiểm ngư, bà con ngư dân Bình Định cũng được hưởng qua Quỹ hỗ trợ ngư dân Bình Định.