Nhà tối, đèn dầu leo lét, phía sau nhà không có đèn càng tối hơn. Bà nội Sứt dọa: “Gốc chuối sau nhà có ma!”. Mẹ Sứt giục: “Con trai không được sợ ma. Ra gốc chuối mà đái!”. Sứt sợ ma lắm. Nhân lúc mẹ không để ý, Sứt đứng ở thềm cửa đái tồ tồ.
Mẹ Sứt ngồi trước cổng, huơ huơ đèn pin về phía đường quốc lộ. Đường quốc lộ cắt ngang xóm nhà Sứt, cứ tối lại là loang loáng ánh đèn xe. Có một chiếc xe tải đang lừ đừ tấp vào lề đường. Ánh đèn pin của mẹ Sứt rạng rỡ hơn chiếu vào người đàn ông đang bước xuống xe.
Người đàn ông cổ rụt, râu quai nón, dáng đi khệnh khạng như gấu. Đúng rồi! Là người đàn ông gấu. Người đàn ông gấu là khách quen của mẹ, chỉ cần nhìn dáng người là Sứt nhận ra.
Mẹ Sứt đon đả mời người đàn ông gấu vào nhà. Thấy Sứt đứng tồng ngồng ngoài cửa, người đàn ông gấu hỏi: “Sao không mặc quần vào cho nó?”. Mẹ Sứt: “Kệ! Một đêm nó đái mấy lần. Mặc quần làm gì cho vướng”. Người đàn ông gấu ôm eo mẹ Sứt, đủng đỉnh đi vào nhà. Thấy bà nội nằm võng ở góc nhà, người đàn ông gấu lại hỏi: “Ngủ chưa?”. Mẹ Sứt thản nhiên: “Kệ! Tỉnh cũng quen rồi!”. Bà nội Sứt nằm bất động trên võng. Người đàn ông gấu vồn vập bế mẹ Sứt vào buồng rồi đóng cửa lại... Vọng ra từ bóng tối là âm thanh thể hiện sự tàn tạ của cái giường.
Bà nội Sứt không thể nào đi vào một giấc mơ, tiếp tục phe phẩy quạt.
Sứt vớ được cái đèn pin của mẹ cũng bắt chước huơ huơ nhưng không soi ra đường quốc lộ mà soi lên bầu trời. Ánh đèn pin của Sứt có thể chạm tới những vì sao. Sứt nghĩ, những vì sao có thể là ánh đèn pin của những ai đó trên bầu trời. Sứt bấm nút cho đèn pin nhấp nháy. Nhấp nháy!
Thấp thoáng có một số ánh đèn pin ở những căn nhà lụp xụp ven đường rọi ra đường quốc lộ. Một đoàn xe tải chạy qua khiến nhà Sứt rùng rùng như có động đất!
*
Chiều mát, không có việc gì để làm, mẹ Sứt ngồi bắt chấy cho thím Muôn. Cả hai ngồi trên chõng, đầu tóc rũ rượi. Sứt ngồi chơi oản tù tì búng trán với cái Năm - con thím Muôn. Hai đứa ngồi dưới đất, đều cởi trần và gầy trơ xương. Cái Năm năm tuổi, kém Sứt một tuổi, nhưng khôn hơn Sứt nhiều. Chơi oản tù tì nó toàn ra sau Sứt một nhịp, chơi mười ván thắng chín ván. Sứt bị nó búng cho đỏ cả trán. Mẹ Sứt bảo Sứt là đồ ngốc. Sứt ấm ức chỉ vào lỗ thủng to tướng ở đũng quần của cái Năm bảo nó là đồ không có chim.
Mẹ Sứt với thím Muôn cười như nắc nẻ. Thím Muôn bảo: “Sau này cho hai đứa làm vợ chồng”. Câu này có vấn đề! Bà nội Sứt đang bỏm bẻm nhai trầu cũng phải thốt lên: “Loạn! Anh em con chú con bác lấy nhau có mà loạn!”. Thím Muôn biết mình lỡ lời, tái mặt, vân vê vạt áo nhìn về phía đường quốc lộ. Không khí trở nên ngột ngạt. Mẹ Sứt bỏ con chấy vừa bắt được vào mồm cắn kêu cái “tách”!
Bà nội Sứt nhổ toẹt bã trầu vào bô, rồi lọm khọm xách bô ra sau nhà. Bà nội đi khuất hẳn thì mẹ Sứt mới hỏi thím Muôn hôm qua có khách không. Thím Muôn hớn hở kể có tay tài xế người Thái Bình tuần trước đến tuần này quen mui lại đến, xong việc còn cho thêm mười cái bánh gai. Tay ấy sung và hào phòng lắm.
Lát nữa mẹ Sứt cho Sứt sang nhà thím mang mấy cái bánh về mà ăn. Thím Muôn nói đến đây, cái Năm đang chơi bỗng giẫy nảy, khóc lóc đòi về. Mọi lần Sứt khóc là mẹ dọa đánh, thế mà lần này cái Năm khóc mẹ lại khen cái Năm còn bé mà khôn đáo để. Người lớn thật bất công! Sứt bĩu môi nhắc lại sự thật lạ lùng và đáng xấu hổ của cái Năm: Đúng là đồ không có chim!
*
Sứt không ngủ với mẹ mà ngủ ở giường của bà nội. Giường của bà nội do ông nội đóng, làm bằng gỗ lim, đen bóng. Mẹ Sứt ngủ, tiếp khách trong buồng. Giường trong buồng làm bằng gỗ thông, bị mọt cả bốn chân giường, mỗi lần mẹ tiếp khách nó hay kêu cọt kẹt.
Từ lâu lắm rồi bà nội Sứt không nằm giường, toàn nằm võng. Võng được mắc ở góc nhà, ngay cạnh ban thờ ông nội. Có đêm, Sứt chợt tỉnh giấc thì thấy khói hương nghi ngút trên ban thờ. Bà nội bảo: “Ông nội Sứt vừa về, véo chim Sứt mấy lần mà Sứt không biết gì!”. Sứt sửng sốt hỏi: “Ông nội có phải là ma?”. Bà nội chửi: “Cha bố anh! Ông nội anh còn hơn cả ma! Ông nội anh là một linh hồn!”. “Linh hồn là gì?”, Sứt ngơ ngác hỏi mẹ.
Mẹ bảo: “Linh hồn ông nội chỉ xuất hiện trong giấc mơ của bà nội”. Ồ! Giấc mơ thì Sứt biết. Bởi Sứt từng mơ được lái một chiếc xe tải khổng lồ chạy bon bon trên đường quốc lộ. Sứt còn mơ thấy một vì sao rơi thẳng xuống sân nhà mình… Linh hồn xuất hiện trong giấc mơ, vậy thì xe tải, vì sao, mẹ, bà nội, thím Muôn, cái Năm… đều có linh hồn.?Nhưng còn bố? Sứt chưa bao giờ mơ thấy bố, liệu bố có linh hồn? Sứt hỏi mẹ đã bao giờ thấy linh hồn bố chưa, mẹ lẳng lặng gật đầu, cầm đèn pin ra sân để soi về đường quốc lộ.
Không một chiếc xe tải nào tấp vào lề đường.
Sứt không ngủ được nên đến ngồi cạnh mẹ, bắt mẹ kể cho nghe về những linh hồn trong giấc mơ của mẹ.
Câu chuyện vừa bắt đầu thì bị cắt ngang bởi thím Muôn. Thím Muôn dẫn một người đàn ông nhỏ thó đến gặp mẹ, và bảo, người đàn ông này là phụ xe của tay tài xế người Thái Bình, vẫn còn chưa vợ nên mẹ Sứt phải phục vụ nhiệt tình. Mẹ Sứt nở một nụ cười gượng gạo mời người đàn ông vào nhà.
Không biết trong nhà bà nội đã đi vào một giấc mơ chưa?
Sứt cầm đèn pin của mẹ soi lên bầu trời. Bầu trời như một tấm thảm nhung lấp lánh sao. Sứt bật dậy khi thấy một vì sao vừa vụt qua bầu trời. Sứt tự hỏi vì sao ấy có phải là một linh hồn?
*
Bà Tư có linh hồn đáng mến nhất! Trong giấc mơ của Sứt, bà Tư cười hiền từ, mắt sáng như sao. Mấy hôm liền Sứt mơ thấy bà Tư. Mỗi sáng tỉnh dậy là Sứt lại háo hức đến nhà bà Tư để học chữ, để xem mắt bà Tư còn sáng như sao nữa không. Bình thường, hai mắt bà Tư sâu hun hút như mắt của bà nội.
Nhà bà Tư bán tạp hóa, cũng ở ven đường quốc lộ, cách nhà Sứt hơn một cây số. Hôm đầu tiên Sứt với cái Năm đến nhà bà Tư xin học chữ có thím Muôn đi kèm. Những hôm sau Sứt với cái Năm quen đường, cứ dung dăng dung dẻ đến lớp.
Lớp học xóa mùa chữ của bà Tư có mười đứa, nhỏ có và lớn cũng có. Đứa lớn nhất đã dậy thì, đã mặc nịt vú, cao lêu nghêu. Đứa nhỏ tuổi nhất trong lịch sử của lớp học này là cái Năm. Ba hôm đầu, Sứt và cái Năm học được ba chữ : O, Ô và Ơ! Ba chữ ấy bà Tư dạy thế này: “O tròn như quả trứng gà, Ô thì đội mũ, Ơ thì có râu”. Chữ của cái Năm giống lời bà Tư dạy hơn cả. Chữ của Sứt méo mó, đầu to, đít tóp và nhảy dòng loạn xạ. Bà Tư động viên Sứt, bảo Sứt về mua cái bảng tập viết cho đỡ tốn giấy!
Cái Năm về lu loa với mọi người ở nhà rằng Sứt học dốt. Mẹ cốc đầu Sứt một cái rõ đau. Sứt ức lắm, đặt quyết tâm phải viết đẹp hơn cái Năm.
Hôm sau, nhà Sứt nhìn chỗ nào cũng thấy chữ O: Chữ O đỏ choét được viết bằng mẩu gạch vụn trên nền nhà, chữ O đen xì được viết bằng hòn than trên bờ tường, cho đến chữ O ươn ướt, nhầy nhầy được viết bằng nước mũi trên be giường... Thấy Sứt ham viết chữ, bà nội khề khà bảo: “Có chí thì nên!”. Mẹ Sứt thì lắc đầu, sẵng giọng: “Thôi được rồi! Để mai mẹ mua cho mày cái bảng”.
Những buổi học sau Sứt được bà Tư khen là có tiến bộ. Chữ của Sứt đã đẹp gần bằng với chữ của cái Năm. Nhưng cái Năm lại hơn hẳn Sứt ở mục tiêu phấn đấu. Trong khi Sứt quyết tâm viết đẹp bằng cái Năm thì cái Năm lại quyết tâm đọc được chữ trên ti vi. Xóm này chẳng nhà nào có tivi, nhưng ý đồ của cái Năm đúng là ghê gớm thật!
Xóm nhà Sứt không có điện nên được gọi là xóm Tù Mù. Nhà bà Tư ở xóm bên,?xóm đấy lại có điện, có ti vi.?Tối tối dân xóm nhà Sứt thường kéo nhau đến nhà bà Tư để xem ti vi. Ti vi 14 inch, hình vuông, có màu rất sống động. Bà Tư chu đáo đóng hẳn ba cái ghế băng và tối nào cũng có tích chè xanh để phục vụ bà con.?Ai mua quà ở quán nhà bà Tư thì mua, còn nước nôi thì miễn phí.
Sứt thích xem hoạt hình, xem thế giới động vật, nhưng nó để ý thấy chương trình thời sự đông người xem nhất là chương trình phát sóng ở đài địa phương hôm tối chủ nhật vừa rồi. Người ta làm một phóng sự mười lăm phút về xóm nhà Sứt cơ đấy! Sứt mang máng nhớ cách đây vài tuần có mấy người lạ mặt cầm máy quay phim đến nhà thím Muôn và ở đó?đến tối mịt. Thím Muôn sang kể với mẹ Sứt đấy là mấy người của đài truyền hình, họ cho thím Muôn những năm trăm nghìn và bảo thím kể về cuộc sống ở xóm Tù Mù,?kể về nghề mưu sinh, càng kể khổ càng tốt, lên tivi sẽ giấu mặt không ai biết đâu mà lo.
Người ở đài truyền hình đã giữ lời hứa. Phóng sự về xóm Tù Mù dài mười lăm phút, trong đó có mười phút phỏng vấn người đàn bà đang ngồi trong bóng tối. Người đàn bà sụt sịt kể: “Dân xóm em khổ lắm anh ạ! Ai đời đường điện cao thế như mấy cái dây thừng trên đầu thế kia mà không có điện. Đất này lúa không mọc nổi, không có điện chẳng biết làm gì mà ăn.
Đàn ông, người đi biển, người đi tìm trầm… Người đi tìm trầm hú họa mới có người trở về, có tiền là đưa vợ con thoát ly chứ ở cái đất này làm gì. Còn người đi biển - nói đến đây người đàn bà nức nở - cơn bão năm ấy đi một lượt mười mấy người. Chồng em với ông bác cũng mất trong cơn bão ấy… Đàn bà như tụi em chỉ biết ở nhà trông con, giữ đất, không đi khách thì kiếm cái gì mà ăn…”.
Mấy đứa trẻ con đang xem ti vi bỗng nhao nhao chỉ trỏ vào cái Năm: “Mẹ mày đấy!”, “Cô này là cô Muôn góa, tao biết thừa!”, “Mẹ mày làm nhục cả xóm”. Người lớn, người nín lặng xem, người lanh lảnh quát trẻ con giữ trật tự. Mắt bà Tư đỏ hoe, mắt mẹ Sứt ầng ậc nước. Cái Năm nằm lăn ra đất khóc. Nó khóc còn dữ dội hơn cả khi Sứt ăn mất cái bánh gai, cái bánh rán của nó…
Chưa xem hết phóng sự, mẹ Sứt vội bế cái Năm về. Cái Năm vẫn khóc rưng rức, chốc chốc người nó lại giật một cái vì nấc. Lẽo đẽo theo mẹ về, Sứt cảm thấy mình cũng bị tổn thương. Nhưng Sứt sẽ không khóc. Mẹ từng bảo: “Con trai thì không được khóc!”. Sứt biết, có một vì sao đang đi theo Sứt, nó cũng cô độc ở một khoảng trời, thỉnh thoảng nó lẩn khuất sau những đám mây, nhưng không bao giờ khóc!
*
Thím Muôn là người lớn mà rất mau nước mắt. Trong bữa cơm chiều ở nhà Sứt, thím Muôn nước mắt ngắn nước mắt dài đút cơm cho cái Năm. Đêm nay, thím Muôn sẽ bắt xe đi Thái Bình. Thím bảo cậy nhờ mẹ Sứt và bà nội trông cái Năm một thời gian, khi nào ổn định sẽ về đón. Bà nội hỏi: “Đi Thái Bình làm cái gì?”.
Thím Muôn bảo: “Làm thuê!”. Bà nội cười mỉa: “Chứ không phải dạng háng nữa hả?”. Thím Muôn sa sầm mặt mày, xúc một thìa cơm lớn nhét vào mồm cái Năm.?Mẹ Sứt phá tan im lặng bằng một giọng the thé: “Mày ăn rau vào!?Sao bới tung cả đĩa thịt thế? Ăn cả thịt mỡ nữa mới béo, mới ra hồn người được”. Mọi ngày Sứt vẫn ăn kiểu vậy, chả hiểu sao hôm nay mẹ lại quát Sứt.?Sứt nhăn nhó xúc rau vào bát. ?
Bà nội ăn hết lưng bát cơm, xoay đũa quẹt miệng một cái rồi đứng dậy, đi ra sau nhà. Không khí dễ thở hơn. Thím Muôn để cái Năm tự xúc cơm ăn, quay ra thủ thỉ với mẹ Sứt. Thím bảo, hai giờ đêm nay tay tài xế người Thái Bình sẽ qua đón, lên đấy hắn sẽ thuê nhà cho, cứ ở nhà trọ mà dưỡng thai không phải đi khách nữa. Tay ấy hứa nếu đẻ?được con trai thì sẽ mua nhà và dọn về sống như vợ chồng. Mẹ Sứt tò mò: “Có đúng là con của tay ấy không?”.
Thím Muôn quả quyết: “Chắc! Đợt vừa rồi khách nào em cũng bắt dùng bao, mỗi hắn là ngoại lệ thôi”. Mẹ Sứt nghi ngại hỏi: “Tay ấy khát thằng cu! Nhỡ đẻ thị mẹt thì sao?”. Thím Muôn cười gượng: “Em cảm giác thế! Mấy hôm nay em toàn mơ thấy một thằng cu đỏ hỏn đứng đái trên bụng thôi”. Mẹ Sứt chép miệng, lắc đầu, gắp một miếng thịt mỡ rõ to vào bát của Sứt rồi nói với thím Muôn: “Chẳng biết đâu được với ông trời! Thoát ly được thì tốt, chứ ở đất này không biết bao giờ mới ngóc đầu lên được!”.
*
Thím Muôn đi được hơn một tháng,?tay tài xế người Thái Bình thỉnh thoảng ghé qua nhà Sứt đưa bánh và quà mà thím Muôn gửi cho cái Năm. Cái Năm ngày nào cũng hỏi bao giờ thì mẹ nó về. Bà nội phát cáu: “Mẹ mày đi theo giai rồi. Không bao giờ về!”. Cái Năm khóc tu tu suốt bữa cơm, mẹ Sứt phải dỗ dành mãi nó mới nín.
Bà nội càng già càng khó tính. Bà nội hằn học với mẹ Sứt, hay mắng Sứt, phát cáu với cái Năm và con chó trụi lông nhà cái Năm. Bà nội rủa: “Chúng mày không cho bà ngủ. Chúng mày không ra thể thống gì hết. Chúng mày không nghe lời bà thì chúng mày bị trời quở, bị ông thằng Sứt, bố thằng Sứt quở.
Chúng mày sẽ chết đói hết cả thôi!”. Mẹ bảo Sứt : “Bà lẩm cẩm rồi! Bà chửi cứ mặc kệ cho bà chửi, đi chỗ khác chơi”. Sứt nghe lời mẹ nên bây giờ hễ bà có chửi, có la mắng là Sứt lảng đi chỗ khác chơi. ?Bà nội bảo Sứt: “Thằng này càng lớn càng mất dạy!”. Thì Sứt rủ cái Năm mang sách ra sân học đánh vần. Đánh vần thật to! Sứt đang học chữ, mất dạy làm sao được!
Trong bữa cơm chiều, cả nhà đang ăn, bà nội lớn tiếng: “Ngày mai là giỗ bố thằng Sứt với bố cái Năm, đêm nay và đêm mai cấm thằng đực rựa nào bén mảng đến cái nhà này. Thằng nào vào phải bước qua xác bà!”. Khuôn mặt nhăn nhúm của bà đanh lại, mắt bà trợn lên làm cái Năm sợ quá phải bỏ bát cơm chạy vào trong nhà, lên giường trùm chăn.?Sứt mặc kệ, chan nước riêu đầy bát rồi cắm đầu húp sì sụp. Mẹ Sứt thì mấm môi không nói gì, bỏ mâm cơm đi ra ngoài cổng ngồi.
Hình như mẹ Sứt đang khóc không thành tiếng.
Tối hôm ấy, mẹ Sứt không mang đèn pin ra cổng ngồi như mọi ngày. Mẹ Sứt ngồi đan áo len cho Sứt. Sứt với cái Năm ngồi trên giường hoa tay múa chân chơi trò tạo bóng hình con chim, con gà, con chó… lên bờ tường. Còn bà nội vẫn như mọi ngày, nằm võng và phe phẩy quạt.
Tối muộn, Sứt chợt tỉnh giấc thì nghe thấy tiếng ai đó gọi mẹ. Sứt ra gốc chuối sau nhà đái một bãi rồi ra sân xem mẹ đang nói chuyện với ai. Lại là người đàn ông gấu. Mẹ bảo Sứt lên giường đi ngủ, rồi dẫn người đàn ông gấu sang nhà thím Muôn. Sứt ngồi gà gật ở cửa đợi mẹ về. Sứt sợ người đàn ông gấu sẽ bắt cóc mẹ như người đàn ông răng vàng bắt cóc thím Muôn.
Đến nửa đêm mẹ Sứt mới về, bế Sứt lên giường đặt cạnh cái Năm. Cái Năm vẫn thiu thiu ngủ. Sứt mắt nhắm mắt mở thấy gương mặt phờ phạc của mẹ. Sứt ngửi thấy mùi khói hương nồng nồng. Sứt nghe thấy tiếng bà nội than khấn, vừa thê lương vừa cay nghiệt. Sứt đi vào một giấc mơ, ở đó, bà Tư hiện lên như một bà tiên nhìn Sứt trìu mến và bảo: “Xóm nhà cháu sắp có điện, chiếu được ti vi rồi!”.
*
Những hôm sau bà nội cứ nhắc đi nhắc lại chuyện đêm ấy.?Đêm mà bố của Sứt đứng ở giữa nhà, mặt đầy máu, than khóc: “Tai họa rồi! Tai họa sắp đổ lên nhà mình rồi”. Sứt biết đó là linh hồn bố trong giấc mơ của bà nội. Mỗi lần kể về linh hồn bố đôi mắt tưởng chừng đã khô khốc của bà nội lại ri rỉ nước. Bà nội tiều tụy đi trông thấy, ăn ít hơn, không hằn học, không chửi mắng. Bà nội đang lo sợ một điều tồi tệ nào đó sắp xảy ra…
Một điều tồi tệ đã xảy ra với cái Năm. Đã hai tuần nay nó không nhận được quà và lời nhắn của mẹ. Tay tài xế người Thái Bình không xuất hiện vào dịp cuối tuần như thường lệ. Cả ngày, cái Năm ngồi thẫn thờ ngoài cửa nhìn về phía đường quốc lộ để chờ tin của thím Muôn. Nó chẳng buồn đi học, chẳng buồn tập đánh vần hay chơi với Sứt. Nó trở nên lầm lì, không khóc nhè và hờn dỗi như trước. Cũng như Sứt, cái Năm đã tạo lập một thế giới của riêng mình với đường quốc lộ, với bầu trời, và với một vì sao không bao giờ khóc!
Lo nghĩ và thức khuya nhiều, mẹ Sứt cũng gầy mòn, xuống sắc đi trông thấy. Một số khách quen của mẹ Sứt như người đàn ông khỉ, người đàn ông răng chuột, người đàn ông tóc xoăn… dạo này không thấy xuất hiện nữa. Duy chỉ còn người đàn ông gấu là tuần nào cũng lui đến.
Hôm nay người đàn ông gấu lại đến. Hơi rượu nồng nặc, không cần hỏi chuyện, không cần một lời lả lơi, người đàn ông gấu vác mẹ Sứt lên vai như vác một bao trấu rồi hùng hục đi vào buồng.
Như mọi lần, không ngủ được nên Sứt ra ngoài sân cầm đèn pin rọi lên bầu trời. Bầu trời chi chít sao. Sứt ngồi đếm sao. Rồi Sứt ngủ gật. Người đàn ông gấu hớt hải chạy ra khỏi buồng rồi lên xe phóng mất hút mà Sứt không biết gì!
Trong nhà không có một tiếng động nào.
Mẹ Sứt nằm bất động trong buồng, ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn dầu phủ lên thân thể lõa lồ.?Mẹ Sứt đã cố gọi Sứt trong một giấc mơ... Hơi lạnh đang thấm vào máu, vào xương, vào tận giấc mơ hoang tàn, không lối thoát.
Cái Năm cười khi đang ngủ. Nó mơ thấy mẹ nó trở về cho nó biết bao nhiêu là bánh, là đồ chơi…
Bà nội Sứt đã đi vào được một giấc mơ đẹp. Giấc mơ bà quẩy quang gánh ra bãi biển đón bố Sứt và bố cái Năm trở về trên một con tàu nhung nhúc cá…
Sứt mơ gì? Sứt sẽ mơ lái chiếc xe tải khổng lồ chạy bon bon trên đường quốc lộ? Sứt sẽ mơ có một vì sao rơi thẳng xuống sân nhà mình? Không! Sứt đang mơ ngồi ăn trong một bữa cơm ấm cúng có bà nội, mẹ, thím Muôn và cái Năm…
Nhiều người cũng đã thử viết truyện dưới cái nhìn của một đứa trẻ, nhưng đây lại chính là một thử thách không hề nhỏ. Dù bề ngoài công việc này có vẻ đơn giản, bởi ai đã trưởng thành mà lại chưa từng là trẻ con? Nhưng có lẽ việc này khó khăn chính vì người ta thường chóng quên?Với Trần Thái Hưng thì có vẻ mọi chuyện lại đơn giản, ít nhất nếu đọc truyện ngắn này. Sự việc trong truyện, vì thế có vẻ ngây thơ và bộc trực, nhưng đằng sau lại là một sự thật khác. Đó chính là văn chương.
L.A.H