Rõ ràng, đây là một công ty bề thế. Văn phòng rất rộng, được ngăn bởi các tấm ván mỏng, trắng như bàn cờ. Những đường chỉ bằng đá hoa cương, mạ vàng. Trong mỗi ô vuông vắn là một cái bàn có máy tính màn hình mỏng. Sau mỗi màn hình là một mái tóc óng mượt. Chính giữa văn phòng là một tủ kính tròn trong suốt, cá hồng cá đỏ cá vàng bơi lượn tung tăng. Chưa biết phải hỏi chuyện ai, tôi cứ đứng ậm ờ trước bầy cá. Bỗng, có tiếng nữ ngọt thót ngang tai.
- Thưa, ông tìm ai hay có việc gì ạ? Một cô gái mặc mini jupe xanh nhạt. Da dẻ trắng hồng. Thơm tho. Lịch sự quá chứ.
- Tôi, tôi…
- Thưa, đây là văn phòng tập đoàn Rạng Đông, ông có đến nhầm chỗ không?
- Tôi có nhầm chỗ không ư? Nghe cô gái hỏi, tự nhiên tôi giật mình tự hỏi chính mình. Tôi có đến nhầm chỗ không? - Tôi tìm thằng Đông.
Cô gái hơi sững lại. Có lẽ là lần đầu tiên cô nghe người ta gọi sếp mình là thằng.
- Ông gặp Chủ tịch? - Nghe rõ ràng, tiếng “Chủ tịch” viết hoa - Ông có hẹn trước chưa?
- Cô cứ nói với nó, có thằng Lâu thời
sinh viên…
Cô gái chừng chưa chắc chắn có nên tin tôi nói, nên cô đi về phía một bàn lớn nhất góc tây phòng, nói nói gì đó với một cô có vẻ già dặn hơn đang chống cằm dán mắt vào màn hình. Tôi nghe cô kia nói với cô này, thoang thoảng qua cái miệng tươi son:
- Chắc lại người quen đến nhờ vả sếp lớn. Vào báo cáo đi. Khoan, cứ ra hỏi lại tên tuổi ông ta. Chưa chắc sếp đã tiếp.
Phải đi lòng vòng quanh tủ cá chừng hai mươi phút, tôi mới gặp thằng Đông. Không, ông chủ tịch viết hoa Đông mới đúng. Một người đàn ông bệ vệ, veston thẳng cứng, tóc đen mượt, mắt sáng lánh. Ban đầu là từng bước chậm rãi, ngó nghiêng ra vẻ kiếm tìm. Khựng lại đúng năm giây như để nhận dạng, rồi chạy ào đến.
- Ôi, Lâu! Đúng là Lâu, Lâu lắm rồi…
Chẳng rõ chữ Lâu có viết hoa không nữa. Đông ôm chầm hai vai tôi, nghiêm sắc mặt - Sao lại ốm yếu thế này? Tao nhấc bổng mày lên còn được nữa.
Nó làm bộ như muốn nhấc tôi lên, nhưng lại dừng phắt lại, gọi đám nhân viên - Nào, các cô, tập trung lại đây. Trước mặt các cô là ai, có biết không? Một ngôi sao lớn đấy nhá. Nhà thơ Hoàng Lâu nổi tiếng. Bạn nối khố thời sinh viên của tôi. Nào nào, ông vào phòng tôi.
Đông kéo tay tôi đi. Qua một dãy hành lang có hai cây tùng bonsai xum xuê vững chãi, qua một loạt phòng cửa xanh nhạt giống nhau, đến phòng cuối cùng, trên cửa có ghi: Phòng CHỦ TỊCH. Tôi khẽ rút chân ra khỏi đôi xăng-đan. Đông ngăn lại ngay.
- Ô, ô, không, cứ mang vào. Nói cho ông biết nhá. Căn phòng này tiếp không biết bao nhiêu quý nhân rồi đấy. Tây có ta có. Lớn có bé có. Tôi “bình dân học vụ” lắm, chẳng bắt ai phải bỏ giầy dép ra cả. Mà cái sàn gỗ chò đen này mới biết điều làm sao. Càng lau càng bóng loáng. Soi gương được ấy chứ. Nào, ngồi kia nhá. Để tôi gọi bọn nó làm ít mồi nhắm. Đông chỉ vào tủ rượu ngăn bộ salon với bàn làm việc phía trong - Ông uống gì nhỉ? Uýt-ki xờ-cót nhé? Hay là Ba-len-tai hai mốt? Tôi có chai Na-pồ hảo hạng. Chỉ để tiếp khách quý thôi đấy.
Không để tôi trả lời, Đông với tay lấy chai rượu trong bọc nhung đưa tôi rồi bốc điện thoại gọi.
- Này, đem cho anh ít mồi ngon đãi nhà thơ ngôi sao nhá! Nhanh lên đấy. Trưa nay à? Hủy hết. Bảo với bọn nó, cả ngày hôm nay anh dành để tiếp đón nhà thơ ngôi sao bạn cũ.
Gian phòng quá rộng. Cộng với xoành xoạch lời nói của Đông càng làm tôi thấy mình lạc lõng trong câu hỏi lúc mới vào đây: Tôi có nhầm chỗ không?
- Sao, ông sống thế nào? Nổi tiếng rồi quên hết bè bạn phải không - Đông giả vờ trừng mắt ra vẻ trách cứ nhưng lại dịu xuống ngay- Đùa thôi. Nói cho ông biết nhá. Cả cái bọn quan văn chung hội nhà ông tôi đều nhậu nhẹt cả rồi. Ngày xưa học với chả hành, cứ ngâm ngợi thơ văn các cụ ấy mà mình tưởng tượng các cụ ấy phải cao vời vợi. Thì ra, các cụ cũng uống bét nhè, chửi thề văng tục, nghe hơi mấy em chân dài là mắt sáng cả lên. Chẳng lần nào nhậu xong mà các cụ chịu về ngay cho yên. Thể nào cũng vòi mát xa mát xiếc. Thể nào cũng phong bì rồi tiền boa. Thế mà vui, ông ạ. Ông biết cụ X chứ? Cụ ấy làm thơ nghiêm chỉnh lắm, mà các khoản chơi bời thì khỏi chê. Hôm nào tôi rỗi gọi cụ đến chơi cho ông biết nhá…
Tôi có nhầm chỗ không? Hẳn là không. Trước mặt tôi là thằng Đông ngủ chung giường tầng ký túc xá hơn hai mươi năm về trước. Thời đó, nó nổi tiếng lanh lẹ, đêm nào cũng tụ tập được một hội sinh viên quanh phòng đánh bài tiến lên, hầu như lần nào nó cũng ăn. Chỉ là vài gói mỳ giấy với mấy cái phiếu ăn, nhưng cũng là ngon lành lắm. Thời đói nghèo ấy. Trong mắt tôi lúc này, là hình ảnh thằng Đông những đêm sau khi ăn bài, bạn bè đã về hết, chỉ còn lại mấy thằng chung phòng. Nó không chịu mặc quần đùi, cứ lồng lỗng phơi của quý ngồng ngỗng đi tới đi lui. Không biết mắc cỡ. Có gì phải mắc cỡ chứ? Theo nó, cái gì cũng phải thoải mái tự do mới phát triển được.
- Chúng mày cứ nhìn tao thì rõ, có thằng nào kiếm được bữa tối bữa sáng đều đặn miễn phí như tao không? Ấy là tao chẳng lo nghĩ gì khi cầm quân bài cả. Ăn thì lấy, thua thì thiếu, ai giết mày để đòi gói mỳ được nào? Tâm lý sẵn sàng như thế nên dù bài lớn bài bé thì mặt mũi vẫn tỉnh bơ, lạnh lùng như sát thủ. Bọn nó biết đâu mà chơi với mình. Thế không thắng thì chó nó thắng à?
Ngay bây giờ đây, bài giảng của thằng Đông trùi trụi như nhộng diễu tới diễu lui trong trí nhớ tôi.
- Mà, ông nhớ thằng Quốc lủi dãy kế bên phòng mình không? Cái thằng hay sang đánh bài với tôi, mỗi lần thua lại cạu nhạu chửi bậy ấy, nó bây giờ làm thủ kho cho tôi. Cái đầu nó kem kém, nhưng được cái trung thành.
Có tiếng gõ cửa. Hai cô nhân viên ban nãy mang thức nhắm vào. Cô lớn nhón mông ngồi kế bên Đông. Cô nhỏ bày biện từng chén, từng đũa, từng thìa một cách cẩn thận. Xong, cô nhỏ nhỏ nhẹ xin phép ra ngoài, không quên cúi chào chúc sếp ngon miệng.
Cô lớn nán lại:
- Sếp cần thêm gì nữa không ạ?
Đông quay sang tôi:
- Ông cần thêm gì nữa không? Một em xinh xinh rót rượu nhá. Đừng ngại. Tôi hiểu cánh thơ thẩn các ông thích khoản gì mà.
- Không, không…
Tôi lúng túng lắc đầu. Dưới sàn nhà, gương mặt tôi nhàu nhò bật dậy. Chắc là mấy ly rượu hảo hạng của Đông đang làm nó đỏ lên. Hay là, máu đang chảy trong nó đang vùng lên sắc tố của nỗi xấu hổ ngắc ngư.
- Mà, ông có hút thuốc chứ? Đông tiếp - Mở ngay cửa sổ cho thoáng.
Tôi nhỏm người.
- Không, nhà thơ cứ ngồi đấy, mở cửa là việc vặt của bọn thư ký. Ông biết không? Cửa sổ hướng đông. Ngày nào tôi cũng thấy mặt trời đi qua cuộc đời mình - Đông rót nhỏ vào tai tôi trong khi cô lớn đi mở cửa - Nhất là lúc không có khách lạ trong phòng, ông còn nhớ sở thích của tôi thời sinh viên chứ? Hè hè…
Hàm ria được tỉa tót vuông vắn của Đông hơi giật giật khi nhắc tới ba chữ “thời sinh viên”:
- Thú thực, người ta có thể có đủ thứ, nhưng vẫn không thể có được một thứ mình muốn…
Tôi biết. Đông đang muốn nhắc gì. Ấy, là Rạng. Cô hoa khôi cùng trường thời ấy. Rạng con nhà giàu, học giỏi, ngoan ngoãn - là niềm mơ ước của nhiều gã trai trẻ. Đông tán gái giỏi, nhiều cô chết mê chết mệt vì tài ăn nói, vẻ phong trần của nó nhưng lại bó tay trước Rạng. Khi biết tên công ty của Đông là Rạng Đông, tôi ngờ ngợ ngay rằng, ngày xưa Đông yêu Rạng thực sự chứ không chỉ là trò chinh phục người đẹp vớ vẩn. Phải chăng, đặt tên như thế là để nhắc nhở về một nỗi đau không thể xóa nhòa?
Tôi có nhầm chỗ không? Ngày xưa, Rạng yêu tôi. Những bài thơ đầu tiên của tôi đều khởi nguồn từ tình yêu với Rạng.
- Ông có nghe tin gì về Rạng không?
Bất chợt Đông hỏi. Cô lớn đã ra ngoài. Bỏ lại hai gã ngũ thập tri thiên mệnh với lẫn lộn ký ức và hiện tại. Hoặc, một gã của ký ức và một gã của hiện tại.
- Nghe đâu, cô ấy lấy chồng tận Tây Nguyên. Hai vợ chồng dạy cùng một trường miền núi. Lâu rồi không tin tức gì.
- Ngày đó, nếu mày chịu bán thơ cho tao thì biết đâu Rạng bây giờ là bà Chủ tịch quý phái sang trọng.
Đông ra vẻ ngậm ngùi. Hai tiếng mày tao là của ký ức. Ngày đó, khi mới theo tán Rạng, Đông đã nhờ tôi làm thơ tình cho nó - Mày làm giúp tao, sòng phẳng, 1 bài thơ tình 10 gói mỳ. Nàng mơ mộng văn chương lắm. Có những thứ không bán được. Cũng không cho được. Năm cuối đại học, khi tình yêu của tôi và Rạng đã công khai, trong một đêm uống say về, Đông cởi truồng đi tới đi lui liên tục trong phòng, lẩm bẩm đúng một câu: Thơ này, gái này, mì gói này!
Rốt cuộc, tôi cũng không giữ được Rạng.
- Sao mà chia tay? Vì thơ của mày không nuôi nổi người đẹp chứ gì? Hay là, mày chỉ có thơ thôi còn các khoản cần thiết của thằng đàn ông thì không?
Đông tai tái mặt. Ký ức đang hành hạ thằng bạn cũ của tôi, hay thằng bạn cũ của tôi đang giằng giữ ký ức trên thớt hiện tại để cố ý băm vằm?
- Cho tao điếu thuốc. Mà thôi, tao có hộp xì gà Cu Ba trong tủ. Xì gà xịn hút không làm ố răng. Mà, mày biết “răng chắc c… bền” rồi đấy.
Đông bật quẹt. Cái zippo vàng óng dưới lửa. Hút vài hơi, Đông bình thường trở lại. Sắc mặt lại hồng. Phong thái ông Chủ tịch lại phởn phớt:
- Chuyện cũ ấy mà, nhiều khi tôi thèm gặp lại ông, gặp lại thằng Tuấn, thằng Hà, thằng Xuân để ôn kỷ niệm. Cuộc đời có là bao đâu nhể?
Hai tiếng mày tao về chưa kịp nóng đít đã bỏ đi.
- Ông còn nhớ tay nhạc sĩ nào viết “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ” không?
- Trịnh.
- Ờ nhể, Trịnh Công Sơn. Tôi yêu ông ta bởi cái tuyên ngôn vỹ đại ấy. Sâu sắc quá. Con người quá. Thế, Lâu, lâu nay ông sống thế nào?
- Thì, cũng làng nhàng vậy mà. Nuôi được bọn trẻ ăn học đã là gắng lắm…
- Thì thế, thơ thì thơ chứ thơ có là tiền đâu. Tôi không biết làm thơ nên mới làm tiền thế này này. Thằng cu lớn nhà ông mới ra sư phạm à? Dạy văn? Nối nghiệp bố à? Hôm gặp ở lễ tốt nghiệp, tôi là đại biểu danh dự, nhà tài trợ hạng “víp” nhá, đã bảo thằng cu nhà ông cứ vứt cái bằng đỏ ấy cho ông rồi chạy tới đây bác lo việc cho. Thời kinh tế suy thoái này mà dạy văn thì húp cháo à? Người ta kiếm ăn từng bữa còn khó huống hồ văn chương chữ nghĩa. Ông quyết đi nhá! Tôi cho nó một chân chạy việc ở văn phòng này. Khối đứa chạy vạy cả trăm triệu để vào mà không được đấy.
Đúng là cũng vì thằng cu mới ra trường chưa xin được việc mà tôi đến đây. Đông là người trao phần thưởng và bằng tốt nghiệp cho nó.
- Ông tin không, tôi nhận ra nó ngay khi mới gặp. Đúng thật bố con y đúc. Gầy ngành ngạnh. Nhưng, thằng cu có vẻ dễ bảo hơn…
Đông kìm không cho tiếng cuối lọt ra.
- Thôi, nâng ly chúc mừng thằng cu con nhà thơ lớn nào! Mà này, ông dùng mồi đi chứ. Thịt bò tươi mang từ Úc về đấy. Không phải dễ có đâu. Đây nữa này, hạt dẻ Bờ-ra-zin. Loại này chỉ dành cho “víp” thôi đấy. Nào nào, để tôi bóc cho ông biết cách ăn. Lần đầu ai cũng vậy cả, thật ngượng ngùng để làm quen với cái mới mẻ ngoài tầm hiểu biết của mình…
Chai rượu vơi hơn phân nửa. Tôi đã thấy đủ mệt. Ngồi bằng mông của mình trên chiếc ghế lạ lẫm chưa chắc là việc dễ. Tiếng Đông vẫn đều đều bên tai. Như một thứ âm nhạc. Những bản nhạc một thời chúng tôi đốt lửa giữa sân trường đêm đêm đàn hát cho nhau nghe.
- Ông say à? Rượu ngoại nó thế. Để tôi gọi bọn nó mài ít sừng tê cho ông uống là khỏe ngay ấy mà. Tê thật ấy nhé. Tê châu Phi sắp tuyệt chủng. Ồ, tôi quên mất, ông phải đền cho tôi vụ thơ thẩn xưa nữa đấy. Đền thế nào ư? Tôi chẳng lấy thơ ông làm quái gì đâu. Nghe thằng cu nhà ông bảo ông sắp in tập thơ mới à? Cứ để đấy tôi lo. Trăm triệu là chuyện vặt. Chỉ cần ở trang bìa ông in dòng tít “Tập đoàn Rạng Đông tài trợ”, và trong ruột, ông đề tặng một bài nào đó cho Duy Đông, Chủ tịch tập đoàn Rạng Đông thật hoành tráng nhá. Tôi cho ông thêm dăm mười triệu với ít rượu Tây đi giới thiệu sách, ô-kê chứ? Đừng sĩ diện hão nhá. Tôi biết, lâu lâu ông mới được đăng một bài thơ, báo họ chỉ trả dăm ba trăm bạc là cùng. Tôi chơi đẹp với ông quá đi nhá!
Tôi có nhầm chỗ không? Chỉ biết rằng thanh âm cuối cùng tôi nghe được là tiếng cười hền hệt của Đông cứ giãn nở ra rồi bê bết quánh kẹo lại. Hòa trong tiếng thơn thớt mài mòn của một mảnh sừng già cỗi vào lớp men sành sứ. Và, những bản nhạc xa lắc lơ.
Cuối năm vừa rồi, Đông cho thằng cu nhà tôi mang về cặp vé máy bay khứ hồi, bao thư và lời nhắn:
- Gắng mà đi tham gia hội thơ nhé. Chi phí ăn ở có tập đoàn Rạng Đông lo cả. Tôi bận việc không đến hội thơ, nhưng ông sẽ tự hào khi nghe họ xướng tên nhà tài trợ “víp” Duy Đông to hơn bất cứ tên nhà thơ nào. Nếu ông ngại đi xa một mình, tôi sẽ cho thằng cu nhà ông nghỉ việc dắt ông đi.
Thằng cu nhà tôi vào làm ở Rạng Đông lương cao, bổng hậu. Miệng mồm thơm phức:
- Làm thơ mà được như ba là nhất rồi còn gì! Bao nhiêu bài thơ được phổ nhạc, hát ầm ĩ khắp nơi. Đều nhờ bác Đông Chủ tịch nhờ vả mấy ông nhạc sỹ và ca sỹ lừng danh cả đấy.
Có bao nhiêu con đường để tới vinh quang? Hẳn khó có câu trả lời sao cho đầy đủ, nhưng rõ ràng trong truyện ngắn dưới đây, người ta có thể thấy một con đường: Cộng sinh. Mà sự cộng sinh ở đây không sống sượng chút nào, nó tự nhiên như đời phải thế? Trịnh Sơn không cao đạo, không lên án luận tội, Anh chỉ làm như bình thản đưa ra, với nụ cười mỉm của người - trong - cuộc.L.A.H