“Nơi đây yên nghỉ Xuân Đỗ, cô gái nhỏ Việt Nam đã yêu đến nổ tung trái tim, linh hồn”. Lời khắc mộ bia như lưỡi kiếm sắc và mỏng lướt đứt thói dửng dưng với đồng hương không biết đã thành hình tự bao giờ trong tôi. Rõ là bầu thì nên thương bí, nhưng chung đất chung giàn mà lắm lúc cành lá chẳng thể vươn tới nhau. Có lẽ tại sóng từ trường quá khác.
Chiều đó, trước mộ phần Xuân Đỗ vùng Ohio mùa đông thảm đạm, tôi gặp đúng sóng. Cô bạn đi cùng quá sung sướng cười hô hô hở cả lợi, dìm hàng. “Tri kỷ rồi. Bà nên dọn đến đây sống, cai quản luôn cái nhà thương điên mốc meo mờ ám này đi. Biết đâu được phong Nữ hoàng của Vương quốc điên!”. Ngay đêm ấy, tôi khởi thảo tiểu thuyết Nhà thương điên. Tất nhiên, Xuân Đỗ là nhân vật chính.
Guy de Maupassant viết truyện ngắn Người chết rất nổi tiếng. Truyện có hình ảnh tấm bia mộ một cô gái chết trẻ vì nhiễm bệnh sau một lần đi chơi gặp mưa. Anh người yêu vô cùng đau khổ, trong đêm tối đã đến mộ nàng, mong nàng hiện hình nhờ phép lạ. Và nàng xuất hiện, và sự thật phơi bày. Rằng nàng đã phản bội, đã lừa dối anh.
Tôi có linh cảm Xuân Đỗ không giống nàng. Mỗi người đang sống có hàng trăm bí mật, người chết thì hàng triệu. Lời ghi trên tấm bia mộ như một lời thách đố. Tình yêu, bội phản, sự điên loạn, nỗi ám ảnh về cái chết. Bí mật của Xuân cũng là bí mật của tôi, của hàng triệu phụ nữ trên trái đất này. Linh cảm đôi khi chỉ là linh cảm. Tuyên ngôn mà người sống khắc trên bia mộ Xuân có thể chỉ là ngộ nhận. Thị Kính bị hàm oan song không hóa điên, còn Xúy Vân thì giả dại...
Bạn chung phòng thời đại học của tôi vốn cao ráo xinh đẹp có tiếng. Một bữa, người ta mất tiền rồi nghi ngờ nàng. Chẳng nói chẳng rằng, khi đêm rơi xuống, nàng cũng tự làm mình rơi tự do từ tầng bốn. Nàng sống, nhưng gẫy rất nhiều thứ. Có một thứ bị bể hoàn toàn là sự yếu hèn và một thứ tăng đột biến là lòng dũng cảm, nàng bảo vậy. “Tớ có thể giả điên rồi làm nhặng xị lên, nhưng như thế quá hèn, lại bất lợi cho tương lai. Cơ quan nào dám nhận người điên, đàn ông nào dám lấy vợ tâm thần”. Bây giờ, dù chiều cao có giảm vài phân, dáng đi không còn thanh thoát do di chứng gẫy cột sống, nhưng nàng đang rất oách. Cán bộ đầy triển vọng thành phố, hai con trai khỏe mạnh với ông chồng hiền như bụt, xe hơi phóng vèo vèo. Thế phải chăng quyết định “đi tắt” từ sân thượng tầng bốn xuống đất của nàng là đúng đắn?
Và nàng quả thật dũng cảm? Tôi không nghĩ vậy. Nàng nói nếu giả điên là hèn, có thể. Nhưng việc nhảy lầu của nàng là điên thực sự, và không hề dũng cảm. Nàng may mắn. Bởi cú điên đột xuất năm đó giúp minh oan cho nàng, lại khiến nhiều người yêu mến hơn. Những người yêu mến đó về sau hiếm khi làm trái ý nàng, vì sợ. Nhỡ nàng lại “đi tắt” thì mang vạ. Còn nếu cú điên năm đó đem đến cho nàng tấm bia mộ, thì lời ghi tặng sẽ là gì?
Sự im lặng của bầy cừu, cuốn tiểu thuyết trinh thám nổi tiếng, chuyển thể thành phim còn lẫy lừng hơn. Chúng ta hãy còn nhớ nhân vật mấu chốt Lecter, người bị giam giữ trong nhà tù- bệnh viện dành cho tội phạm mắc bệnh điên đặc biệt nguy hiểm. Ông vốn là bác sĩ tâm thần phạm tội giết người hàng loạt. Theo lệ thường, đáng ra tôi phải gọi Lecter là tên tội phạm hay gã đồ tể man rợ. Không hiểu sao chẳng thể làm điều đó. Vì Lecter đã đưa ra đầu mối giúp cô học viên cảnh sát xinh đẹp tóm gọn tên giết người? Vì Lecter vô cùng thông minh, tinh nhạy? Hay tại ông ta đã có thái độ rất lịch thiệp với phụ nữ? Thường sách vở phim ảnh, nhất là nghệ thuật xứ ta hay đẩy cái ác hoặc cái xấu tới tận cùng. Trong khi bản chất tự nhiên của con người vốn tốt xấu lẫn lộn. Lecter xé xác ăn thịt người, đã hẳn kinh hoàng. Viên bác sĩ giám đốc nhà tù Chilton đê hèn mang Lecter ra làm con bài nhằm trao đổi quyền lực, triệt hạ đối phương mà không màng đến tính mạng người khác, khía cạnh nào đó còn kinh hoàng hơn. Chẳng ai cổ súy kẻ tâm thần giết người. Nhưng mấy chục năm qua, triệu triệu người đã đọc và xem Sự im lặng của bầy cừu, tôi chắc ấn tượng mạnh nhất mà bác sĩ tâm thần Lecter để lại là sự thông minh tinh nhạy chứ chưa hẳn cảnh man rợ khi ông ta dứt xé và chén thịt đồng loại. Thế mới nói điên cũng dăm bảy đường điên.
Nhớ năm ngoái, báo chí ồn ào chuyện ông Lê Vân ở Quảng Nam ôm xác vợ ngủ suốt bảy năm. Dân tình nói ông Vân “khùng”. Nhà báo Kim Dung trên Vietnam.net còn khẳng định: đó là một hiện tượng bệnh lý có thể liên hệ với chứng “tình dục với tử thi”, và yêu cầu đưa ông Vân cùng các con ông đi chữa trị. Tôi cho suy luận ấy vừa đúng vừa sai.
Một năm sau khi chôn vợ xuống đất, ông Vân mới đào lên, nặn một tượng thạch cao tương tự nhân dáng vợ mình, rồi bỏ xương cốt vào đó, đặt nằm trên giường như người đang ngủ. Đó không còn là “xác người”, mà là bức tượng thạch cao, làm sao “tình dục với tử thi”? Hai cha con ông Vân cảm thấy bình yên bên bức tượng người vợ người mẹ, giúp họ tiếp tục cuộc sống bình thường. Việc làm đó khác người. Mà xứ ta, phàm cái gì khác khác dễ bị quy “dở người”. Nếu ông Vân đã bạo hành vợ suốt mấy chục năm, vợ vừa chết hôm trước hôm sau đã rước bồ về nhà, rồi rượu chè bê tha, rồi ngược đãi con cái... sẽ vẫn được xem chuyện thường. Sẽ chẳng bị người đời mổ xẻ, kêu điên khùng rồi bắt đi chữa bệnh này nọ. Nhắc lại chuyện này chỉ để nói: không giống số đông chưa chắc đã khùng. Đối với bố con ông Vân, bà Vân là thần tượng và họ sùng bái bà. Cớ gì không được nặn tượng đặt trên giường? Mẫu hình thế giới đại đồng hình như đã xóa sổ trong xã hội văn minh, sao ta còn luyến tiếc.
Gần đây, một số nhà phê bình nghệ thuật, nhà báo còn kiêm luôn bác sĩ. Khi đọc cuốn sách có cốt truyện khác thường hay xem bức tranh chẳng giống ai, họ phán : “Đầu óc tác giả có vấn đề. Chỉ những kẻ có tâm hồn bệnh hoạn mới viết thế, vẽ thế...” Chợt nghĩ tới bức tranh cổ nổi tiếng Vợ chồng ngư phủ của họa sĩ Nhật Katsushika. Bức tranh phác họa cảnh giao hoan giữa một cô gái và bạch tuộc. Đẹp mà kinh, dịu dàng mà mãnh liệt với dụng ý ca ngợi vẻ đẹp của sự giao thoa giữa con người và thiên nhiên. Không biết đầu óc Katsughika “có vấn đề” gì hay không!
Bỗng nhớ Hàn Mặc Tử. Một tiếng thơ bật ra từ đau đớn xác thân và trầy trụa tâm hồn.Thơ ông giống tiếng rên của người bệnh, nhưng là tiếng rên thanh cao, kiêu hãnh. Người ta kể ông điên, ông cũng tự nhận mình điên. Rồi Bùi Giáng, thi sĩ có cuộc sống huyền thoại gắn với hàng trăm giai thoại. Tuy nhiên, đến tận giờ, vẫn không ai khẳng định chắc chắn ông điên thật hay giả điên. Mới nói, điên cũng là nghệ thuật, cũng phải có nghệ thuật!
Trở lại với cô gái Việt Nam đương yên nghỉ trong khuôn viên nhà thương điên xứ Ohio. Xuân, ai đã đặt tên cho Xuân? Xuân sinh nơi nao, miền Tây sông nước hay miền Trung cát trắng? Quê nhà, ai còn nhớ tới Xuân? Những ngày cô điều dưỡng nơi đây, ai đến thăm mỗi cuối tuần?
Bây giờ, Xuân nằm đây. Nhà thương điên hoang phế, mùa đông thật thê lương. Có đặt một cành hoa hay mang cả hoa cỏ mùa xuân đến cho Xuân, tuyết cũng vùi nát. Thiên nhiên cho Xuân không gian để sống, không thể đảm bảo cho Xuân một đời an lành. Chỉ Xuân và những người xung quanh Xuân quyết định số phận cô. Những người Xuân đã yêu thương đến nổ tung trái tim, nay ở nơi nao?
Ngước nhìn hàng trăm ô cửa sổ mục nát của tòa nhà, mắt tôi cay nồng rồi cụp mi. Ngàn người, ngàn nhân dáng đã chiều chiều đi lại, ngó mắt qua những ô cửa ra bên ngoài. Họ thấy gì, họ đã thấy gì? Ô cửa nào trên kia Xuân từng tựa, từng lướt mắt xuyên qua? Vô vàn bí mật tôi muốn khám phá, vô vàn ám ảnh tôi muốn đặt tên.
Dù sao mùa đông cũng không mãi mãi. Nghe đâu xuân hè thu nơi đây tuyệt đẹp. Xuân, cho phép tôi nâng cô ra khỏi những ô cửa, đặt cô vào trang viết của mình. Xuân, rồi tôi sẽ quay lại, với cô. Bởi những người viết văn thường yêu đến nổ tung lồng ngực. Chỉ là đôi khi người ta không dám vạch áo.
Bây giờ, Xuân nằm đây. Nhà thương điên hoang phế, mùa đông thật thê lương. Có đặt một cành hoa hay mang cả hoa cỏ mùa xuân đến cho Xuân, tuyết cũng vùi nát. Thiên nhiên cho Xuân không gian để sống, không thể đảm bảo cho Xuân một đời an lành.