Những vấn đề nóng giáo dục được đại biểu quốc hội đưa ra ‘mổ xẻ’

Cần tạo lập cho trẻ kỷ luật, học hành xong thì được chơi. Ảnh mang tính minh họa
Cần tạo lập cho trẻ kỷ luật, học hành xong thì được chơi. Ảnh mang tính minh họa
TPO - Tình trạng học sinh đi học mất vui; luật cần cấm, hoặc hạn chế việc giáo dục chạy theo điểm số, thành tích; lương giáo viên không đủ nuôi thân, thi cử còn tiêu cực, thi hay không thi THPT quốc gia để tránh lãng phí...là những vấn đề được các đại biểu quốc hội thảo luận khi góp ý cho dự thảo sửa luật Giáo dục hiện hành tại phiên họp của Quốc hội.

Tốt nghiệp đạt gần 100% thì không nên tổ chức thi 

Về kỳ thi THPT quốc gia, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng phải tính toán cách thi làm sao cho phù hợp, không bị phản ứng, tiêu cực để đông đảo bà con, cử tri nhân dân đồng tình ủng hộ.

“Không nói đến chuyện tiêu cực ở một số tỉnh đã xảy ra, chẳng qua nơi đó phát hiện thôi, còn những nơi khác thì chưa biết ra sao nhưng cách thi như vậy thì không ổn”, ĐB Hoà nêu ý kiến.
Cũng theo ông Hòa, nếu kết quả tốt nghiệp THPT đạt gần 100% như vậy thì không nên tổ chức thi tuyển để cấp bằng THPT nữa mà xét tuyển từ lớp 10, 11, 12, để cấp bằng, đỡ tốn tiền và thời gian.

Việc thi tuyển vào đại học thì phải thi như trước đó. Các em thấy mình học giỏi, học khá đảm bảo thi vào đại học được thì thi. Còn các em thấy không thi được thì phân luồng để cho các em, các cháu học nghề..

“Như vậy thì không lãng phí nguồn lực và các trường cũng dễ tuyển sinh đại học. Đầu ra của đại học cũng đạt chất lượng cao hơn”, ông Hoà nói.

Luật cần cấm, hoặc hạn chế giáo dục chạy theo điểm số

ĐB Lâm Đình Thắng (TP.HCM) nêu tình trạng quá tải, bệnh thành tích trong giáo dục hiện nay.
Ông cho rằng điều này cần phải được khắc phục khi sửa luật. “Nhiều học sinh bây giờ chán học, học quá tải, mất hết hứng thú học tập. Luật cần cấm, hoặc hạn chế việc giáo dục chạy theo điểm số, thành tích.

Các cháu bây giờ tự học không nổi, bố mẹ phải học cùng thì mới hết bài, rất khổ”, ĐB Lâm Đình Thắng nói.

ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng dự thảo luật vẫn quy định trẻ vào lớp 1 là 6 tuổi, trẻ vào lớp 6 là 11 tuổi, vào lớp 10 là 15 tuổi nghĩa là cứ mặc định bắt trẻ mỗi năm đều phải tuần tự lên lớp. Trong khi việc này đáng lẽ phải phụ thuộc vào đánh giá học sinh thế nào, không thì nhất định là phải lên lớp. “Nghĩa là vẫn bệnh thành tích”, ông nhấn mạnh.

Học hành cũng là nghĩa vụ

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) quan niệm không nên nghĩ học sinh đi học phải vui, phải được chơi. Học hành cũng là nghĩa vụ, cần tạo lập cho các em kỷ luật, học hành xong thì được chơi.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nêu câu hỏi: “Tại sao học sinh công lập sáng ra sợ đến trường, còn học sinh trường quốc tế thì đến trường thấy rất vui”? Ông cho rằng cần giảm tải chương trình, tăng giáo dục các kỹ năng sống, tăng cường các hoạt động trải nghiệm giáo dục.

“Lương giáo viên không đủ sống, ranh giới tiêu cực và không là rất mong manh

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) nêu ý kiến về chế độ cho giáo viên.

Bà cho rằng, trong số các hành vi cấm, có cấm không được ép buộc học sinh học thêm để lấy tiền, quy định như vậy là không rõ ràng: nếu bảo đảm lương giáo viên đủ sống thì họ không dạy thêm. Về lương giáo viên, cần quy định rõ ra là lương nhà giáo được xếp mức nào, cao gấp mấy lần mức lương tối thiểu chứ không nên quy định chung chung như trong luật, sẽ không khả thi.

Cần có đề xuất rõ ràng, cụ thể, vì lương giáo viên hiện nay nuôi bản thân chưa đủ chứ đừng nói đến nuôi gia đình. Khi lương không đủ sống thì giáo viên, cơ sở giáo dục sẽ tự xoay xở đủ kiểu để đủ sống, lúc đó ranh giới giữa tiêu cực và không là rất mỏng manh”.

Lan khẳng định, giáo viên, cơ sở giáo dục phải được có cơ chế để bảo đảm thu nhập một cách đàng hoàng, chứ không phải xoay xở từ các khoản thu từ máy lạnh, máy chiếu… mà dư luận vẫn gọi là lạm thu.

ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) nêu chỉ số hạnh phúc của học sinh, chỉ số hài lòng của phụ huynh về giáo dục vừa qua chưa cao. Đại biểu này cho rằng, muốn có trò giỏi phải có thầy giỏi. Phải thay giáo viên đội hình cũ sang đội ngũ giáo viên mới 4.0. Muốn thay thế phải có hệ thống các trường sư phạm đào tạo bài bản, thu hút học sinh giỏi vào trường sư phạm, nhưng hiện việc này đang thất bại.

MỚI - NÓNG