Vỡ òa niềm vui của nam sinh bị trường quân đội trả về

Việt làm thủ tục nhập học tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội sáng qua, 08/11 Ảnh: Nghiêm Huê
Việt làm thủ tục nhập học tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội sáng qua, 08/11 Ảnh: Nghiêm Huê
TP - “Khi biết thông tin trường ĐH Bách khoa Hà Nội có quyết định tiếp nhận, niềm vui vỡ òa trong em không thể nào tả xiết. Những tưởng mọi hy vọng đã khép lại, nhưng giờ đây với em lại được mở ra một chân trời mới”.

Đó là tâm sự của Quang Quốc Việt -  chàng trai dân tộc Thái ở xã biên giới đặc biệt khó thuộc huyện Quế Phong, Nghệ An - khi làm thủ tục nhập học vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội, hôm qua 8/11. Đang từ tột đỉnh của niềm vui khi hay tin trúng tuyển trường Sỹ quan Thông tin,  Bộ Quốc phòng vào tháng 8, Việt rơi vào tâm trạng thất vọng nặng nề khi nhận quyết định trả về địa phương vì không đủ sức khỏe học tập. Việt nói, em đã trải qua các cung bậc cảm xúc bất ngờ, đôi khi quá sức chịu đựng của một chàng trai mới 18 tuổi.

Đầu tháng 10/2018, Tiền Phong là một trong những tờ báo có nhiều tin bài về trường hợp nam sinh Quang Quốc Việt bị từ chối nhập học trường quân đội, PV Tiền Phong cũng về tận nhà Việt để tìm hiểu và phản ánh gia cảnh khó khăn cùng nỗi buồn sâu thẳm của câu học trò dân tộc nghèo hiếu học.  

Chị H.T.L, một cán bộ của Ủy ban Dân tộc, người đỡ đầu Việt hiện nay cho biết, giữa đêm khi đọc được thông tin trên báo Tiền Phong chị đã không cầm được nước mắt. Nhìn ảnh ngôi nhà sàn xiêu vẹo của gia đình Việt, chị thấy giống hệt hình ảnh của mình cách đây 30 năm, cũng từ ngôi nhà sàn như thế, 18 tuổi chị rời miền quê nghèo để  bước chân vào giảng đường đại học, bắt đầu một tương lai tươi sáng cho mình ở phía trước. Số điểm của Việt đạt được (22,35 điểm khối A) đối với một học sinh dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo như vậy là rất hiếm.  

Sau khi nắm được thông tin, chị L. đã báo cáo với lãnh đạo Ủy ban Dân tộc để tìm cách giải quyết.  Được sự đồng thuận, ủng hộ nhiệt tình của lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, chị đã nhờ các thầy cô trong trường nội trú đưa Việt ra Hà Nội để đến Bệnh viện Lao phổi trung ương khám lại một lần nữa. Kết quả em không bị lao phổi như  kết luận ban đầu. Tuy nhiên, kết quả giám định sức khỏe của Việt ở Bệnh viện 175  của Bộ Quốc phòng tại TPHCM thì em thiếu chiều cao và không đủ cân nặng. Chính vì vậy, cơ hội để Việt quay trở lại trường Sỹ quan Thông tin với hy vọng sau này sẽ trở thành một quân nhân phục vụ trong ngành không còn.  

Nguyện vọng 2 của Việt đủ điểm vào Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Chị L. đã liên hệ, nhà trường đồng ý tiếp nhận nhưng hoàn cảnh gia đình rất khó khăn Việt không có kinh phí để trang trải trong thời gian 5 năm học. Trong khi nếu học ở Hà Nội, Việt có thể nhận được sự trợ giúp từ nơi ăn chốn ở tới kinh phí học hành.

Biết được thông tin trên, một cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa đại diện Ủy ban Dân tộc, báo Tiền Phong cùng nam sinh Quang Quốc Việt với lãnh đạo trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã được thu xếp.

Tại buổi gặp gỡ, Tổng biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn mong muốn, trường ĐH Bách khoa Hà Nội trong khả năng cho phép  hãy tạo điều kiện giúp Việt có thể nhập  học theo nguyện vọng.

Về phía ĐH Bách khoa Hà Nội, ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Rất cảm thông với hoàn cảnh của Việt, sẵn sàng tiếp nhận nếu Việt đủ khả năng học tập, nhưng phải đúng quy chế. Ông Hoàng Minh Sơn cũng chia sẻ những khó khăn mà Việt sẽ gặp phải khi nhập học muộn hơn các bạn 1 học kỳ. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải có sự đồng ý của Bộ GD&ĐT vì liên quan đến quy chế, tuyển sinh.

Ngay sau buổi làm việc trên, Ủy ban Dân tộc đã có công văn đề nghị Bộ GD&ĐT, trường ĐH Bách khoa Hà Nội xem xét, tạo điều kiện để Việt được theo học tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Cuối tuần qua, Bộ GD&ĐT cũng đã có văn bản gửi trường ĐH Bách khoa Hà Nội; chuyển đơn, hồ sơ và công văn của Ủy ban Dân tộc đến Hội đồng tuyển sinh của trường ĐH Bách khoa Hà Nội để xem xét và giải quyết nguyện vọng của thí sinh theo đúng thẩm quyền.

Hạnh phúc

Sáng qua, 8/11, có mặt tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội để làm thủ tục, Quang Quốc Việt theo học Ngành Điện tử - Viễn thông. Em cho biết em hồi hộp lắm. Khoảng thời gian chờ đợi từ giữa tháng 10 đến nay em thấy chưa bao giờ dài thế. “Em lo mình không được nhập học. Em đã từng hy vọng và rồi không được như mong muốn” -  Việt tâm sự.

Kể về thời gian qua, từ khi Trường Sỹ quan Thông tin có quyết định trả về, Việt cho biết, lần đầu nhận thông tin của trường em rất buồn. Nhưng biết mình bị bệnh nên đành chịu đựng, không dám khóc sợ bà và bố mẹ buồn. Thời gian đó, em lại vào rừng lấy măng để giúp đỡ bố mẹ. Ước mơ trở thành một quân nhân trong tương lai đã chính thức khép lại. 

Thật may, trong thời gian Việt cảm thấy “bế tắc” nhất thì có sự trợ giúp của cán bộ của Ủy ban Dân tộc nên em đã có cơ hội để được tiếp tục theo đuổi giấc mơ đại học. “Mục tiêu trước mắt của em là học tập thật tốt để không phụ lòng bố mẹ, thầy cô và những người đã cưu mang giúp đỡ em” - Việt chia sẻ. 

Được biết, Quang Quốc Việt chính thức học tập tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội vào học kỳ II của năm học 2018-2019. Nhập học chậm hơn các bạn một học kỳ nên chắc chắn em sẽ vất vả hơn để hoàn thành các môn học theo yêu cầu của trường. “Nhưng trước mắt, em sẽ về quê để báo cho bố mẹ và anh chị biết niềm vui này và hoàn thiện các thủ tục cần thiết do nhà trường yêu cầu” - Việt nói. 

“Em xin chân thành gửi lời cảm ơn đến các cô chú, các bác ở Ủy ban Dân tộc, báo Tiền Phong cùng trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã đồng hành và giúp đỡ em trong thời điểm khó khăn nhất vừa qua”.
  Nam sinh Quang Quốc Việt

MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.