Thảo luận tại hội trường sáng 6/11, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã đủ điều kiện để Quốc hội thông qua tại kỳ họp này và mong Luật sớm được ban hành. PV Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với TS Lê Viết Khuyến, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học về vấn đề này.
PV: Xuyên suốt trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học là vấn đề trao tự chủ cho các trường đại học cho các cơ sở giáo dục đại học. Ông có cho rằng đây là vấn đề quan trọng nhất không?
Xuyên suốt trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học là vấn đề trao tự chủ cho các trường đại học. Nhưng loại hình các trường đại học của chúng ta rất khác nhau và chủ sở hữu của các cơ sở giáo dục cũng rất khác nhau. Muốn coi chủ sở hữu thực sự của các trường đại học thì phải nhìn vào thành phần của hội đồng trường của trường đại học đó.
Nghị quyết 16 TƯ vừa rồi khẳng định hội đồng trường là cơ quan cao nhất của nhà trường. Nhưng nếu không làm rõ bản chất chủ sở hữu của các trường thì hội đồng trường của các trường sẽ rất lúng túng.
Dự thảo Luật sửa đổi có nói trao quyền tự chủ nhưng bản chất của các loại hình trường rất khác nhau, nếu không làm rõ chủ sở hữu của các trường đó là ai thì làm sao mà trao quyền tự chủ được. Những vấn đề này trong Luật Giáo dục đã sửa đổi đã giải quyết được đâu.
Tháo gỡ về vấn đề tự chủ đại học là một chủ trương đúng. Nhưng tháo gỡ thế nào, bước đi ra sao mới là điều đáng để bàn. Nếu tháo gỡ thì cần có cả các điều kiện để các trường phát huy quyền tự chủ và phải đưa vào luật một cách đồng bộ. Nếu không, rất khó đi vào cuộc sống.
PV: Là người đã từng làm nhiệm vụ quản lý cơ sở giáo dục đại học, đâu là vấn đề ông còn băn khoăn và kiến nghị, thưa ông?
Chuyện sửa đổi lần này các điều “hạn hẹp” nên tôi thấy là cần phải đưa vào sửa một số điều rất quan trọng trong luật sửa đổi một số điều này.
Điều thứ nhất, cần phải khẳng định là giáo dục đại học bao gồm các trình độ đi lên từ cao đẳng, chứ không phải gạt cao đẳng ra khỏi giáo dục đại học đưa về một bậc học khác như ở bậc giáo dục nghề nghiệp. Vì trên thế giới, nếu Việt Nam chấp nhận hội nhập quốc tế thì phải chấp nhận trong giáo dục đại học bao hàm cả cao đẳng.
Đi sâu cụ thể hơn về hệ thống giáo dục đại học thì thấy, hệ thống giáo dục Việt Nam bao gồm: trường đại học, học viện (gọi chung là trường đại học); đại học (là tổ hợp các trường đại học; trường trực thuộc),.... Nhưng khi giải trình thì lại lẫn lộn giữa trường đại học và học viện. Vì thế, cần phải định nghĩa cho rõ ràng chứ không thể chung học viện và trường đại học là như nhau. Cái đấy là không ổn.
Trong dự thảo cũng có các khái niệm: đại học đa lĩnh vực, hay loại hình là tập đoàn hay liên hiệp các đại học.
Các đại học đa lĩnh vực của Việt Nam chưa phải là một chỉnh thể thống nhất mà chúng chỉ vận hành dưới dạng của một tập đoàn đại học hay chính xác hơn, dưới dạng của một liên hiệp các trường đại học chuyên ngành.
Về mặt pháp lý, các trường đại học thành viên đã được nhà nước công nhận có tư cách gần như một trường đại học độc lập làm cho hoạt động của các đại học đa lĩnh vực trở nên rời rạc và vô hiệu hóa các đại học đa lĩnh vực.
Hiện nay, mô hình đại học vùng hay Đại học Quốc gia đang phát triển theo hướng như thế. Khi thành lập các đại học này, mục đích thành lập để giải quyết tạo ra các trường đại học đa lĩnh vực, để làm những công việc lớn hơn, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống.
Trên thế giới, hầu hết các các đại học xếp vào đại học đẳng cấp quốc tế đều là đại học đa lĩnh vực. Tuy nhiên, đại học đa lĩnh vực của ta hiện nay chưa thể hiện được sức mạnh tổng hợp của mình như những đại học đa lĩnh vực đích thực.
Chúng ta không tạo ra những đại học đa lĩnh vực mà chỉ tạo ra các liên hiệp trường đại học thì sẽ không phát huy sức mạnh tổng hợp của trường đại học. Đó là sai mục đích. Như vậy, thì cần phải sửa lại tổ chức của các trường đại học. Tuy nhiên, trong luật này cũng không sửa.
Xin cảm ơn ông!