Nguyễn Chí Bền sinh ra và lớn lên ở Rạch Giá (Kiên Giang). Năm lên 5 tuổi, cậu bé Bền theo cô sang nhà ông nội chơi và chẳng may bị chiếc máy xay nước đá cướp đi bàn tay phải. Bền được đưa vào bệnh viện để nối lại bàn tay đã bị đứt nhưng không kịp, khiến em bị tháo khớp khuỷu tay.
Đến tuổi, Bền vào lớp 1 như bạn bè cùng trang lứa, nhưng mọi chuyện với em không mấy dễ dàng. Bền tập viết bằng tay còn lại, vốn không phải tay thuận, nên vô cùng gian nan. “Có lần viết khó quá, bực tức nên em đã đá văng cuốn tập, nhưng mẹ đã động viên em cứ viết từ từ. Em lại tiếp tục tập viết…” - Bền kể.
Mặc dù viết bằng tay không thuận nhưng chữ Bền rất đẹp. Chính vì vậy cậu bé đã từng gặp rắc rối. Bền kể, hồi học lớp 1, điểm môn chính tả của em chỉ 4 hoặc 5 điểm, vì cô giáo cho rằng người nhà viết giùm. Biết chuyện, ông ngoại đưa em đến gặp cô giáo và để em trực tiếp viết cho cô xem. Lúc đó cô giáo mới minh oan và trả lại điểm số thực cho em, từ 8 đến 9 điểm.
“Đừng để hoàn cảnh quyết định cuộc đời mình, hãy cố gắng vượt qua nó, tự tạo cho mình cuộc sống tươi đẹp”.
Nguyễn Chí Bền,
thủ khoa khối A Trường Đại học Cần Thơ năm 2018
Mẹ của Bền, bà Phước Hạnh Kiều tâm sự, dù chỉ còn một tay, nhưng Bền không nản chí mà rất siêng năng, tự giác học tập. Điều đặc biệt, từ nhỏ đến lớn Bền không hề đi học thêm ngoài chương trình học chính khóa ở trường. Mặc dù vậy, Bền luôn là học sinh giỏi của trường và từng đạt giải ba kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
Cô Vũ Thị Thu Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 11 và 12 của Chí Bền ở Trường THPT Nguyễn Trung Trực (Kiên Giang) nhận xét: “Chí Bền là một học sinh khá đặc biệt, học giỏi đều tất cả các môn. Dù cơ thể không được bình thường như các bạn nhưng Bền có tính tự lập rất cao, rất lạc quan và có chí vươn lên, thành tích học tập của Bền đã chứng minh điều đó”.
Bền có ước mơ trở thành thầy giáo để truyền đạt kiến thức cho các thế hệ mai sau. Và chàng trai nhỏ bé, thiệt thòi ấy đã chạm vào tay ước mơ của mình với kết quả đầu vào 25,75 điểm Đại học Cần Thơ.
“Chỉ có con đường học tập mới giúp em có một cuộc sống tốt hơn”- Nguyễn Chí Bền xác định đồng thời nhắn nhủ: “Nếu các bạn có thương mến tôi thì đừng bằng niềm thương hại dành cho người khuyết tật, hãy để tôi luôn nghĩ rằng tôi cũng như các bạn vậy”.