Tính toán thực dụng của Triều Tiên
Đối với Triều Tiên, tiến hành thành công thượng đỉnh song phương với Mỹ mang lại lợi ích to lớn cho nước này xét cả trong vấn đề đối nội và đối ngoại.
Về vấn đề nội bộ, cuộc gặp mặt với Tổng thổng Trump trên một mức độ lớn giúp cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un củng cố vững chắc hơn quyền lực trong nước.
Trên thực tế, mặc dù nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể nắm trong tay rất nhiều quyền lực, nhưng thời gian cầm quyền của ông với tư cách nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên không bị thách thức vẫn chưa được đảm bảo.
Bằng việc cải thiện quan hệ với Mỹ, ông Kim có thể khiến các nhân vật cấp cao trong quân đội Triều Tiên cảm thấy bất an, bởi họ vẫn luôn lo sợ rằng trên thực tế, ông Kim có thể từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, cái mà ông từng gọi là “thanh bảo kiếm” để đảm bảo sự tồn tại của đất nước.
Việc ông Kim không thể đạt được kỳ vọng về sự thịnh vượng ở trong nước có thể khiến những người đã có cuộc sống khá giả hơn nổi giận.
Do đó, việc đạt được một thỏa thuận với Mỹ sẽ giúp nhà lãnh đạo Kim Jong-un giải tỏa được sức ép từ người dân trong nước vốn đặt nhiều kỳ vọng vào việc Triều Tiên phải tiếp tục đạt được các thành tựu kinh tế và gỡ bỏ những kìm kẹp cấm vận khắt khe.
Về vấn đề quốc tế, một mối quan hệ hòa giải với Mỹ và Hàn Quốc sẽ giúp Triều Tiên tránh được những đòn cấm vận khắt khe hơn do các nước phương Tây đứng đầu là Mỹ áp đặt. Qua đó cũng đồng nghĩa với việc có được sự ủng hộ và trợ giúp to lớn từ Trung Quốc và Nga.
Khi đó Triều Tiên sẽ có nhiều không gian, thời gian và tiềm lực hơn để tập trung phát triển kinh tế, khôi phục sự tin tưởng và nhận được sự giúp đỡ nhiều hơn từ cộng đồng quốc tế.
Bên cạnh đó, khi quan hệ Mỹ-Triều được cải thiện, liên quân Mỹ-Hàn sẽ không còn cớ để mở rộng quy mô các cuộc tập trận quân sự chung. Do đó, Triều Tiên sẽ bớt đi được một nhân tố bất định gây tổn hại tới lợi ích an ninh quốc gia.
Nỗ lực tuyệt vời của Hàn Quốc
Nỗ lực để thuyết phục nhà lãnh đạo Kim Jong-un tổ chức cuộc gặp cấp cao vốn bị chính ông Kim bất ngờ hủy bỏ vào phút chót của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in được cho là nhân tố quan trọng cứu vãn cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Trong bài phát biểu tại Seoul sau khi kết thúc hội đàm với nhà lãnh đạo Kim Jong-un hôm 26/5, Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh, cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều thống nhất cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Phải được tổ chức. Trong đó, ông Moon cho biết “Ông Kim và tôi đồng ý rằng cuộc gặp thượng đỉnh ngày 12/6 nên được tổ chức một cách thành công, và rằng nỗ lực về việc phi hạt nhân hóa và hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên không nên ngưng lại”.
Giới phân tích nhận định, cuộc gặp thành công với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in là nhân tố quan trọng khiến nhà lãnh đạo Kim Jong-un thay đổi quyết định nối lại cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Trump.
Có thể thấy rằng, thành công của cuộc gặp cấp cao giữa hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên là bước ngoặt mới nhất trong một loạt các biến động về ngoại giao liên quan tới cuộc gặp chưa có tiền lệ giữa Mỹ và Triều Tiên.
Đồng thời, đây cũng là chỉ dấu rõ ràng nhất cho thấy lãnh đạo Hàn Quốc đã nỗ lực như thế nào để để cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra theo đúng kế hoạch.
Vai trò "đạo diễn" của Mỹ
Cho dù kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều ra sao, hoặc nó có được diễn ra theo đúng kế hoạch hay không, hay một lần nữa lại phải trì hoãn, hiện thực đàm phán trên Bán đảo Triều Tiên đã trở thành xu thế không thể đảo ngược.
Trong suốt quá trình này, Mỹ được cho là người đóng vai trò đạo diễn. Một loạt các quyết định đồng ý và hủy thượng đỉnh với Triều Tiên được Mỹ đưa ra cho thấy, chính Mỹ là người chủ động trong cuộc chơi.
Ngồi vào bàn đàm phán với ông Kim còn là cách để ông Trump củng cố mối quan hệ đồng minh với Hàn Quốc và giảm bớt sự phản ứng gay gắt từ cộng đồng quốc tế.
Hơn nữa, nếu Thượng đỉnh Mỹ-Triều bị hủy bỏ, ông Trump sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong bối cảnh những quyết định trước đó của ông bao gồm việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt trên toàn thế giới.
Vai trò "biên kịch" của Trung Quốc
Trung Quốc được giới phân tích đánh giá là có vai trò quan trọng nếu không muốn nói là mang tính quyết định tới các vấn đề liên quan tới Bán đảo Triều Tiên và cuộc gặp thượng đỉnh song phương Mỹ-Triều Tiên có được thực hiện theo đúng kế hoạch dự kiến vào ngày 12/6 tới tại Singapore hay không.
Sau khi Tổng thống Mỹ Trump bất ngờ gửi bức thư công khai cho nhà lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố Mỹ sẽ hoãn cuộc gặp với Triều Tiên với lý do các điều kiện cụ thể theo yêu cầu của Mỹ chưa được đảm bảo.
Lập tức Triều Tiên đã cử nhiều quan chức cấp cao là trợ lý hàng đầu của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới Bắc Kinh. Trong đó có ông Kim Chang Son, Chủ nhiệm Văn phòng thư ký Chủ tịch đảng, trợ lý hàng đầu của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Phó chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol.
Việc ông Kim Chang Son, trợ lý số một của nhà lãnh đạo Kim Jong-un có mặt tại Bắc Kinh là chỉ dấu cho thấy, Triều Tiên đã sẵn sàng các công tác chuẩn bị cho cuộc gặp tượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào ngày 12/6 tới tại Singapore.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol trước khi lên đường tới New York để thảo luận với Ngoại trưởng Mỹ cũng dừng chân tại Bắc Kinh.
Các cuộc thảo luận về thượng đỉnh Mỹ-Triều hiện đang đi đúng hướng của Trung Quốc. Trước đó vào năm 2012, Trung Quốc đã đưa ra đề xuất "đình chỉ kép", theo đó Mỹ-Hàn dừng các cuộc tập trận quân sự, đổi lại Triều Tiên sẽ ngừng các cuộc thử nhiệm tên lửa.
Giới phân tích cho rằng kết quả chuyến thăm Bắc Kinh của ông Kim Chang Son và Phó chủ tịch Kim Yong-chol, cũng như việc Triều Tiên dần chấp nhận đề xuất "đình chỉ kép" cho thấy Trung Quốc là quốc gia đóng vai trò "biên kịch" cho vở diễn thượng đỉnh Mỹ-Triều dự kiến vào ngày 12/6 tới.