Xưởng giày nho nhỏ nằm khuất sau lưng Khu điều trị Bệnh viện phong - da liễu Trung ương Quy Hòa (Bình Định) có lắm thứ đặc biệt. Những đôi giày không đụng hàng, những mẫu giày không giống nhau, ngay cả hai chiếc trong cùng một đôi cũng khác xa hình dáng, kích cỡ.
Những người thợ thường phải lặn lội rừng núi heo hút tìm đến bệnh nhân để đo chân, hoàn thiện các công đoạn, sau đó mang những đôi giày miễn phí đến tận nơi cho người bệnh.
Lặn lội tìm… chân
Người mắc bệnh phong (cùi) vẫn còn nhiều tự ti, mặc cảm nên không ít người kéo nhau vào sống trong tận rừng sâu. Muốn làm giày cho họ các kỹ thuật viên phải xẻ rừng tìm đến.
“Giày cho bệnh nhân phong là những đôi giày đặc biệt, không chỉ có chức năng giúp người bệnh di chuyển mà còn giúp giảm sưng, đau. Công việc đòi hỏi cầu kì, chăm chút tỉ mẩn, và phải biết hy sinh. Nếu không làm bằng tình yêu thương và tâm huyết thì khó có ai đủ bền để theo nghề được”.
Giám đốc Bệnh viện Phong - Da liễu T.Ư Quy Hòa, BS. Nguyễn Thanh Tân
Anh Lê Viết Đức - một trong 6 kỹ thuật viên của xưởng, không thể nhớ hết những kỷ niệm, những tình huống dở khóc dở cười trên đường tìm đến các làng phong. Đường núi, phải đi xe máy mới cơ động, nên những trường hợp nổ lốp giữa đường, mưa rừng gió núi phải ngủ lại trong bản, rừng là chuyện không hiếm.
Có lần lên Tây Nguyên tìm bệnh nhân phong, anh vừa hỏi thăm đường thì dân làng kéo nhau bỏ chạy vì sợ bị… “lây” bệnh. Có nơi vừa mang túi giày tới, dân bản tưởng có quà tặng bèn kéo đến…xin! Nhưng cũng không ít lần ấm lòng bởi những bữa ăn dân dã, đùm bọc của bà con.
“Giờ thì họ quen mặt rồi. Đi đến đâu cũng chào đón chứ không như trước kia. Đó là niềm vui lớn nhất của những thợ đóng giày đặc biệt chúng tôi” - anh Đức cười nói.
Mà chẳng phải cứ tìm đến là xong chuyện, còn phải làm công tác tư tưởng cho tốt. Nói không khéo dễ gì người bệnh họ nhận, chịu mang giày, cho dù nó không chỉ tốt cho việc di chuyển mà cả việc điều trị.
“Đây không phải là đôi giày thông thường, thuần cho người ta di chuyển mà còn là một cách để giảm tổn thương, mau lành sẹo và tránh vết thương mới cho người mắc bệnh phong” - anh Nguyễn Văn Tâm, Tổ trưởng tổ sản xuất giày, cho biết.
Nhìn sản phẩm đặc biệt trên tay anh Nguyễn Văn Tâm, không ai nghĩ đây là 2 chiếc của cùng 1 đôi giày
Cả xưởng có 6 kỹ thuật viên, hằng năm cung cấp hàng nghìn đôi giày cho bệnh nhân phong 11 tỉnh, thành, chủ yếu khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Số lượng ấy hẳn không vấn đề gì nếu sản xuất công nghệ dây chuyền, rập khuôn.
Nhưng ở đây, mỗi người tự chịu trách nhiệm hoàn chỉnh với chính đôi giày bệnh nhân thuộc phạm vi mình quản lý. Từ việc đo, lấy thông số của chân, thiết kế hoàn thành sản phẩm, và kiêm luôn cả việc mang giày tới giao tận… chân cho các bệnh nhân. Khu xưởng nhỏ nằm phía sau Bệnh viện phong - da liễu T.Ư Quy Hòa (Quy Nhơn).
Có tới hàng trăm, ngàn mẫu giày, nhưng không một thiết kế nào giống nhau. “Mỗi người bệnh có những thương tật riêng và mình phải thiết kế sao cho đôi chân ấy được thoải mái nhất” - anh Tâm chia sẻ.
Chất liệu giày thường là loại da bò hoặc giả da (simili). Giày cho nữ thì cách điệu hơn một chút, không quan trọng nhiều về hình thức mẫu mã mà chú trọng các thông số kỹ thuật, nhưng chủ yếu gọt đẽo giày cho hợp với thương tật của chân. Có người mang thương tật dị dạng nặng, đi bằng mu bàn chân, có khi cụt ngang gối.
Tự tay anh Tâm đang hoàn thiện đôi giày cho một bệnh nhân phong ở Phú Yên, mang thương tật nặng. Chỉ một chân còn lành lặn, chân kia đã bị “ăn” hết cả ngón và bàn chân nên chiếc giày cũng được gia công để ôm trọn ống chân còn lại.
Trước đó, anh Tâm đã phóng xe máy về tận nơi chủ nhân của đôi giày đặc biệt, cẩn thận đo, cắt, kỳ công, tỉ mẩn từng chi tiết. Song, khi mang giao giày vẫn phải kè kè chiếc thùng đựng đồ nghề, sợ trong thời gian hoàn thành, chân người bệnh vẫn tiếp tục bị “ăn mòn” khiến số liệu trước đó không còn chuẩn nữa. Vậy nên, những kỹ thuật viên luôn cố gắng hoàn thành sớm nhất để người bệnh bớt phần nào nỗi đau.
Thông thường, phải mất hơn một ngày để hoàn tất một đôi giày. Có những đôi thiết kế phức tạp hơn theo độ nặng của bệnh thì mất tới hai ngày. Định mức mỗi tháng 24 đôi/người, nhưng anh em thường tranh thủ cả thứ bảy, chủ nhật vì còn nhiều bệnh nhân có nhu cầu được phục vụ.
Duyên nợ khó dứt
Anh Lê Viết Đức, 46 tuổi, một trong những kỹ thuật viên có mặt sớm nhất từ khi xưởng giày được thành lập, với ngót 16 năm thâm niên, tâm sự: “Cái khổ của người đóng giày không phải việc kì công, đục đẽo từng đôi giày mà là khi bị từ chối không nhận dù đã băng rừng lội suối đến tận nơi. Bởi người bệnh sợ khi mang đôi giày đó sẽ dễ bị nhận diện, bị người ngoài xa lánh, miệt thị vì mắc phong cùi. Lâu nay, để che giấu bệnh, họ vẫn cố mang những đôi giày bịt kín lấy chân, dù chịu nhiều đau đớn, thậm chí còn tăng thêm tổn thương. Thế nên, muốn cho giày cũng phải học cách thuyết phục, lấy kinh nghiệm ra mà tư vấn, lấy tấm lòng ra thuyết phục mong được trao thương yêu”.
Anh Bùi Văn Mỹ có 9 năm gắn bó với công việc đóng giày cho bệnh nhân phong
Anh Đức kể về một bệnh nhân ở huyện Đồng Xuân (Phú Yên), gắn bó với anh 13 năm nay, giờ mới chịu nhận món quà của anh.
Nhưng, do thời gian quá lâu đi giày không đúng cách, nên nay bệnh đã nặng dần, phong cùi đã “ăn” gần hết đôi chân, sức khỏe giảm sút, ân hận thì không còn sửa được nữa.
Hay có trường hợp như ông Trần Bùi Đức (70 tuổi, trú phường 8, TP Tuy Hòa, Phú Yên) mang trong mình bệnh phong, nhưng khi được tặng giày vẫn nhất quyết giấu tiệt, không mang vì sợ bị người xung quanh phát hiện mang bệnh, ảnh hưởng đến con cháu. Nhưng rồi thời gian và cả tâm huyết của người thợ giày đã thuyết phục được ông.
Từ 5 năm nay, đều đặn mỗi năm 2 lần anh Đức mang đến cho ông những đôi giày mới để thay, vừa vặn với đôi chân ngày càng biến dạng.
Trước khi làm ở xưởng giày này, anh Đức từng lang bạt khắp nơi, làm đủ thứ nghề mưu sinh. Từ anh thợ may rồi theo thuyền ra khơi đánh bắt và dừng lại ở đây như một mối duyên trời định. Anh được bệnh viện cử vào TPHCM để học may giày.
Mất ba tháng làm quen với các kỹ thuật cơ bản, nhưng phải mất 3-4 năm sau mới thành thạo và truyền dạy lại cho các kỹ thuật viên trong xưởng. Không được đào tạo bài bản, nhưng các kỹ thuật viên ở đây học bằng cả tâm huyết nên nhanh chóng quen việc. Làng phong trở thành ngôi nhà thứ hai của họ và họ lo lắng cho những bệnh nhân phong như đối với người thân máu mủ ruột thịt.
Gần 10 năm nay, anh Lê Văn Quyền, 47 tuổi, miệt mài với từng đôi giày cho bệnh nhân phong. Anh trải lòng, nếu không vì tâm huyết, vì tình yêu thương với những bệnh nhân phong, ít ai có thể đảm nhận công việc này. Công việc ngoài đòi hỏi sự kỳ công, tỉ mẩn, lại thường xuyên tiếp xúc với những bệnh nhân phong, có khi bị hiểu nhầm mắc bệnh phong cùi ảnh hưởng đến người thân.
Bố anh Quyền trước cũng từng là bệnh nhân phong, nên anh hiểu hơn ai hết nỗi đau, khổ tâm cả thể xác lẫn tinh thần của người bệnh. Tình nguyện theo cha vào đây phụng dưỡng, từ lúc nào anh yêu và gắn bó với nơi đây như nhà mình. Hai đứa con anh hiện cũng xin vào làm việc tại bệnh viện, đứa bên điều dưỡng, đứa phụ trách kỹ thuật.
Xưởng giày dành cho bệnh nhân phong thành lập năm 1997, đến năm 1998 chính thức đi vào hoạt động. Nhà tài trợ cho xưởng là Handicap International - tổ chức viện trợ quốc tế độc lập, thường xuyên tài trợ và giúp đỡ cho những người khuyết tật, người yếu thế. 6 kỹ thuật viên hiện đang làm việc tại xưởng là người của bệnh viện.
Lương trung bình khoảng hơn 3 triệu đồng/ tháng. Anh Nguyễn Văn Tâm, tổ trưởng tổ sản xuất giày, cho biết: Về vật liệu, trước Hiệp hội cứu trợ bệnh nhân phong Hà Lan tài trợ toàn bộ, nhưng gần đây giảm, chỉ tài trợ một phần.